+Aa-
    Zalo

    5 chiến lược 'cân não' Tổng thống Trump cân nhắc sử dụng ở Syria

    • DSPL

    (ĐS&PL) - 5 học thuyết chiến lược từ đội ngũ cố vấn cấp cao về vấn đề Syria đang khiến Tổng thống Trump đau đầu lựa chọn. Nhưng có thể ông sẽ hành động mà không cần kế hoạch.

    5 học thuyết chiến lược từ đội ngũ cố vấn cấp cao về vấn đề Syria đang khiến Tổng thống Trump đau đầu lựa chọn. Nhưng có thể ông sẽ hành động mà không cần kế hoạch.

    Chính sách của Tổng thống Trump ở Syria là gì? Ông có tiếp tục mục đích phế truất Tổng thống Syria Bashar al-Assad hay không? Không ai biết điều đó và ông Trump sẽ không nói, ít nhất là ở thời điểm này, cây bút William Saletan của tờ Slate nhận định.

    Ngay cả sau khi ra lệnh tấn công tên lửa vào căn cứ không quân Syria, Tổng thống Trump cho thấy, ông không vạch ra mục tiêu nào trong việc can thiệp vào cuộc nội chiến.

    "Chúng tôi sẽ không tới Syria", Trump khẳng định trong một lần phỏng vấn mới đây của Fox News".

    Mặc dù Tổng thống Trump không tiết lộ về chính sách của mình, giới phân tích vẫn mường tượng được phần nào những lựa chọn của Washington thông qua quan điểm của các cố vấn cấp cao

    Học thuyết Tillerson: Diệt IS rồi mới tính ổn định Syria

    Ngoại trưởng Tillerson ưu tiên cho mục tiêu diệt trừ IS ở Syria.

    Bộ trưởng Ngoại giao Rex Tillerson giải thích, cuộc tấn công của Tổng thống Trump vào căn cứ không quân là một quyết định nhỏ và chỉ sử dụng một lần.

    "Cuộc tấn công này chỉ liên quan đến việc sử dụng vũ khí hóa học ở Syria", người đứng đầu bộ Ngoại giao Mỹ nói rằng, Washington chỉ muốn yêu cầu chấm dứt việc sử dụng những loại vũ khí này và sẽ không có gì thay đổi trong lập trường trước đó của Mỹ.

    Điều này đồng nghĩa với việc Tổng thống Trump sẽ không can thiệp vào các công việc riêng của Chính phủ Syria, ít nhất là cho đến thời điểm hiện tại, nếu như các vụ tấn công bằng vũ khí hóa học không còn xảy ra.

    Chính phủ Assad có phải là một mối đe dọa đối với an ninh quốc gia Mỹ? Ông Tillerson đã nói không. Ngoại trưởng Mỹ nêu quan điểm, công việc của Washington là giải quyết IS và chỉ sau khi dẹp bỏ được hiểm họa này “chúng ta mới chuyển sang vấn đề ổn định Syria”.

    Theo Slate, ông Tillerson phản đối lật đổ Chính phủ Assad bằng vũ lực và ngụ ý, vấn đề này nên để người dân Syria đưa ra lựa chọn, Mỹ sẽ chấp nhận quyết định của họ.

    Học thuyết McMaster: Tùy cơ ứng biến

    Trái ngược với ông Tillerson, Cố vấn An ninh Quốc gia McMaster lại thích một chính sách linh hoạt hơn. Không giống như Tillerson, ông gợi ý, Tổng thống Trump hoàn toàn có thể tấn công Chính phủ Assad nếu như vụ tấn công hóa học là có thật.

    Cố vấn An ninh Quốc gia McMaster muốn "tùy cơ ứng biến"

    Theo McMaster, mục đích chính của cuộc tấn công tên lửa vào Syria là lời cảnh báo rằng chính quyền Trump sẽ không "đứng yên" nếu Chính phủ Assad tấn công lên dân thường.

    McMaster không nghĩ các xung đột có thể được giải quyết một cách hòa bình trong thời điểm ông Assad đang nắm quyền.

    Tuy nhiên, ông bác bỏ những câu hỏi về việc muốn phế truất người đứng đầu Damacus với lập luận rằng "Chính phủ Syria đã có sự thay đổi đáng kể về tính chất và hành vi".

    Ngôn ngữ này cho thấy, Mỹ sẽ thay đổi quan điểm, đồng ý với việc Tổng thống Assad có thể ở lại nếu ông thay đổi chiến lược của mình.

    Trong khi Ngoại trưởng Tillerson muốn tránh một sự can thiệp quân sự để phế truất người đứng đầu Chính phủ Syria, ông McMaster dường như thích một sự ngẫu hứng hơn khi lấp lửng rằng: "Điều cần thiết là có một giải pháp chính trị nào đó”.

    Cây bút William Saletan đánh giá lập trường của McMaster là không phù hợp với tư tưởng của Tổng thống Trump khi kế hoạch của ông quá “mở” và lỏng lẻo. Trong khi Tổng thống muốn những quyết định của ông phải được định hình cụ thể và mang lại lợi ích tốt nhất cho người Mỹ.

    Học thuyết Sean Spicer: Phản ứng ngoại giao truyền thống

    Thư ký báo chí Nhà Trắng Sean Spicer muốn đi theo chủ trương hiền hòa hơn.

    Theo Slate, Thư ký báo chí Nhà Trắng Sean Spicer đã miêu tả chính sách Syria của Trump là một sự bốc đồng và cảm tính.

    Ông so sánh quyết định phóng tên lửa của ông Trump rằng: “Tổng thống tấn công chỉ vì có một vài đứa trẻ bị giam cầm và chịu bom đạn. Đó là điều không thể chấp nhận".

    Spicer ngụ ý rằng một lý do quá nhỏ không thể ra quyết định tấn công một cách bừa bãi.

    Không giống như Tillerson, Spicer cảm thấy việc sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt là "một mối đe dọa nghiêm trọng đối với an ninh quốc gia".

    Mặc dù vậy Thư ký báo chí Nhà Trắng không ủng hộ chiến tranh. Thay vào đó, ông cho rằng, "chúng ta có thể dùng áp lực về chính trị, kinh tế và ngoại giao để thay đổi bộ máy Chính phủ nơi đây".

    Tuy nhiên, cây bút William Saletan đánh giá lập trường của ông Spicer là quá hiền so với cách tiếp cận của Tổng thống Trump.

    Tổng thống Mỹ từng khẳng định rõ rằng, ông sẽ đáp trả bằng những hành động tương ứng nếu như bị khiêu khích thay vì chỉ phát biểu quan ngại và suy nghĩ quá nhiều về những gì đang diễn ra.

    Học thuyết của Spicer được cho là có sự tương phản lớn với tư tưởng của Tổng thống Trump, trong đó Spicer đang đi theo cách phản ứng ngoại giao truyền thống trong khi ông chủ Nhà Trắng là người “ghét cay đắng” điều này, William Saletan chỉ rõ.

    Học thuyết Haley: Thông điệp toàn cầu và hướng giải quyết theo các cuộc bầu cử

    Đại sứ Nikki Haley muốn mở rộng ảnh hưởng của Mỹ cả trong nội bộ Liên Hợp Quốc.

    Nikki Haley, đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc thời gian qua đã đưa ra những lời nói và hành động ủng hộ cho một chương trình ngoại giao tích cực. Bà thấy cuộc tấn công của Mỹ chỉ là phản ứng ban đầu và cho biết, các lựa chọn của Tổng thống Trump ở Syria vẫn “mở”.

    Haley nói rằng số phận của Tổng thống Assad cần phải được giải quyết theo các cuộc bầu cử chính trị “chứ không phải do nước Mỹ quyết định".

    Nhưng khác với các đồng nghiệp của mình, bà coi cuộc tấn công tên lửa là một phần trong nghĩa vụ an ninh toàn cầu, chứ không phải chỉ phục vụ cho lợi ích của Mỹ. "Đây không chỉ là vấn đề an ninh quốc gia mà đã tác động đến vấn đề an ninh quốc tế”, bà khẳng định.

    Haley được đánh giá là đang chuyển hướng cuộc tấn công theo những mục đích lớn hơn nữa. Là đại sứ của Mỹ tại Liên Hợp Quốc, bà muốn đòn áp lực quân sự của Trump sẽ là cú thúc nhắm vào các Chính phủ nước ngoài, đặc biệt là Nga và Iran.

    Thông điệp của bà gửi tới "Hội đồng Bảo an và cộng đồng quốc tế" là Tổng thống Trump "sẽ không dừng lại ở đây" và "nếu cần, ông ấy sẽ còn làm mạnh tay hơn nữa”.

    Học thuyết Graham-McCain-Rubio: Đòn trừng phạt quân sự thẳng tay

    Mặc dù vậy, cả 4 học thuyết trên đều không vừa lòng nhóm quyền lực của Thượng viện với các gương mặt như Lindsey Graham, John McCain và Marco Rubio.

    Nhóm "diều hâu" trong Quốc hội Mỹ muốn một đòn trừng phạt quân sự thẳng tay ở Syria.

    Cây bút William Saletan cho rằng, nhóm này chỉ có một mục tiêu là chiến thắng quân sự một cách rõ ràng. Ý tưởng dằn mặt bằng cuộc tấn công tên lửa của Tổng thống Trump là không có ý nghĩa gì đối với họ.

    Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện John McCain nhất quyết yêu cầu phải có sự mạnh tay hơn nữa đối với Chính phủ Syria. Trong khi Thượng nghị sĩ Rubio muốn phải phế truất Tổng thống Assad ngay lập tức, vì sợ khi Mỹ mải mê với cuộc chiến chống IS, Chính phủ Damacus sẽ vùng lên.

    Trong khi đó, Graham gọi Chính phủ Syria là mối đe dọa và yêu cầu Nhà Trắng triển khai 5.000 đến 6.000 quân mở chiến dịch tiêu diệt IS và lật đổ Assad.

    William Saletan nêu quan điểm, Tổng thống Trump dường như sẽ không thiên hẳn về bên nào trong số 5 học thuyết nói trên: “Trump là người không thích phải nghe những lời giáo điều. Ông ấy thậm chí còn hành động chẳng bao giờ theo kế hoạch”.

    Cây bút của tờ Slate nhận định, nếu ảnh hưởng của ông Tillerson chiếm ưu thế, cuộc tấn công tuần trước ở Syria sẽ chỉ là cuộc tấn công duy nhất xảy ra. Tổng thống Trump sẽ giữ đúng lời hứa tránh khỏi xung đột.

    Nếu Haley thắng trong việc thuyết phục Tổng thống Trump, Iran và những thế lực ở Trung Đông sẽ lo lắng về những cuộc tấn công tiếp theo của người Mỹ và điều đó sẽ là lợi thế giúp vị đại sứ này hoạt động tích cực tại Liên Hợp Quốc với những thỏa thuận chính trị.

    Nếu nhóm các thượng nghị sĩ chiến thắng, học thuyết của Trump và nhiệm kỳ Tổng thống của ông có thể sẽ giống như thời George W. Bush.

    Còn theo quan điểm của Saletan, nhà lãnh đạo Mỹ có thể lựa chọn công thức mang hơi hướng của Spicer hoặc McMaster trong cách tiếp cận mới của chính quyền.

    Quốc Vinh

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/5-chien-luoc-can-nao-tong-thong-trump-can-nhac-su-dung-o-syria-a187622.html
    Sự kiện: Thế giới 24h
    Tình hình Syria mới nhất ngày 18/4

    Tình hình Syria mới nhất ngày 18/4

    Tình hình Syria mới nhất ngày 18/4: Đụng độ ác liệt ở Dara'a, quân đội Syria hạ gục liền lúc 40 tên khủng bố; Quân đội Syria đè bẹp khủng bố,...

    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan
    Tình hình Syria mới nhất ngày 18/4

    Tình hình Syria mới nhất ngày 18/4

    Tình hình Syria mới nhất ngày 18/4: Đụng độ ác liệt ở Dara'a, quân đội Syria hạ gục liền lúc 40 tên khủng bố; Quân đội Syria đè bẹp khủng bố,...