+Aa-
    Zalo

    Báo cáo kết quả thẩm tra, phân tích ưu và nhược điểm của 2 phương án rút BHXH một lần

    (ĐS&PL) - Chiều 2/11, tại Nhà Quốc hội, thực hiện chương trình Kỳ họp thứ 6, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung trình bày Tờ trình và Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) trước Quốc hội. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành nội dung phiên họp.

    Đề xuất 2 phương án rút BHXH một lần

    Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, dự án Luật BHXH sửa đổi được xây dựng nhằm bảo đảm an sinh xã hội của người dân theo quy định của Hiến pháp; sửa đổi căn bản các vướng mắc, bất cập từ thực tiễn; mở rộng, gia tăng quyền, lợi ích để thu hút người lao động tham gia BHXH.

    bao cao ket qua tham tra phan tich uu va nhuoc diem cua 2 phuong an rut bhxh mot lan
    Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Cổng thông tin ĐT Quốc hội

    Theo Dân trí, Tờ trình đã đề cập nội dung quan trọng liên quan phương án rút BHXH một lần. Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, dự thảo Luật BHXH sửa đổi lần này đưa ra 2 phương án rút BHXH một lần như sau: 

    Phương án 1 quy định việc hưởng BHXH một lần đối với hai nhóm người lao động khác nhau.

    Nhóm 1 là người lao động đã tham gia BHXH trước khi Luật BHXH sửa đổi có hiệu lực (dự kiến 1/7/2025), sau 12 tháng nghỉ việc và chưa đủ 20 năm đóng BHXH và có nhu cầu thì được nhận BHXH một lần.

    Nếu người lao động lựa chọn bảo lưu, không nhận BHXH một lần, sẽ được hưởng các quyền lợi bổ sung như chỉ cần đóng BHXH đủ 15 năm và đủ tuổi nghỉ hưu thì được hưởng lương hưu; hưởng trợ cấp hàng tháng trong trường hợp có thời gian đóng BHXH mà không đủ điều kiện hưởng lương hưu và chưa đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội; hưởng BHYT do ngân sách Nhà nước đảm bảo trong thời gian hưởng trợ cấp hàng tháng…

    bao cao ket qua tham tra phan tich uu va nhuoc diem cua 2 phuong an rut bhxh mot lan2
    Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung. Ảnh: Cổng thông tin ĐT Quốc hội

    Nhóm 2, đối với người lao động bắt đầu tham gia BHXH từ khi Luật BHXH sửa đổi có hiệu lực, không được nhận BHXH một lần. Việc hưởng BHXH một lần chỉ được giải quyết trong các trường hợp: Đủ tuổi hưởng lương hưu mà chưa đủ năm đóng để hưởng lương hưu; ra nước ngoài để định cư hoặc bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng như quy định hiện hành.

    Phương án 2, theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, là chỉ giải quyết một phần nhưng không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất. 

    Cũng tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh đã trình bày báo cáo thẩm tra nội dung Dự thảo Luật BHXH sửa đổi.

    Qua quá trình thẩm tra, xác định một số ý kiến trái chiều về 2 phương án đề xuất cho người lao động rút BHXH một lần, hầu như đều xuất phát từ những quan ngại về nhược điểm của phương án.

    Hầu như nhiều ý kiến được đưa ra xác định ủng hộ phương án 1, vì phương án này có nhiều sửa đổi, bổ sung theo hướng gia tăng quyền lợi, tăng tính hấp dẫn, khuyến khích người lao động khi bảo lưu thời gian đóng để hưởng lương hưu thay vì nhận BHXH một lần. Bên cạnh đó, tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức ở Việt Nam hiện nay vẫn còn rất cao (68,5%), tích lũy từ tiền lương và thu nhập của người lao động còn thấp, việc rút BHXH một lần có thể là nguồn tài chính hữu ích để người lao động duy trì, bảo đảm được phần nào cuộc sống trước mắt.

    Nhóm ý kiến này cũng nhận định phương án 1 sẽ không gây xáo trộn, ảnh hưởng tới những người có thời gian bắt đầu tham gia BHXH trước khi luật này có hiệu lực thi hành.

    Với phương án 2, vẫn còn ý kiến khác nhau và chưa rõ việc giải quyết một phần thời gian đóng là khoảng thời gian nào trong cả quá trình đóng BHXH, chưa kể có nhiều trường hợp đóng gián đoạn, không liên tục. Bên cạnh đó, với phương án 2, việc phát sinh tình huống khi người lao động quay trở lại tham gia BHXH, chưa rõ việc cộng nối thời gian sẽ được tính như thế nào, theo trình bày của bà Thúy Anh.

    bao cao ket qua tham tra phan tich uu va nhuoc diem cua 2 phuong an rut bhxh mot lan3
    Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh. Ảnh: Dân trí.

    Một luồng ý kiến khác, theo Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội, lại ủng hộ phương án 2. Nhóm ý kiến này cho rằng phương án 2 giúp người lao động có thêm chi phí để giải quyết những khó khăn trước mắt, đồng thời cũng vẫn còn những yếu tố động lực để giữ người lao động ở lại hệ thống lâu hơn, tăng thêm khả năng được thụ hưởng các quyền lợi của BHXH. Bên cạnh đó cũng có những ý kiến chưa đồng tình với cả 2 phương án.

    Dựa trên những phân tích dưới góc độ thẩm tra dự thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội cho rằng, mỗi phương án Chính phủ đưa ra đều có ưu điểm, nhược điểm nhất định. Cơ quan thẩm tra kiến nghị Chính phủ cần thông tin tuyên truyền, giải thích đầy đủ, nâng cao nhận thức về ý nghĩa và tầm quan trọng của việc đóng góp, tích lũy cho chế độ hưu trí khi về già trong bối cảnh Việt Nam đang có tốc độ già hóa dân số rất nhanh.

    Cơ quan thẩm tra cũng đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát, đề xuất rõ hơn chính sách BHXH một lần, đồng thời, cần có quy phạm tương ứng cho từng phương án để làm căn cứ trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến theo hướng bảo đảm tốt nhất quyền lợi lâu dài của người lao động tham gia bảo hiểm, nhưng cũng hài hòa với nguyên tắc đóng - hưởng, có chia sẻ của BHXH.

    ĐBQH thảo luận sôi nổi, đưa ra quan điểm về dự thảo luật sửa đổi

    Cũng trong khuôn khổ phiên thảo luận chiều 2/11, bàn về các vấn đề liên quan đến Luật BHXH sửa đổi, nhiều ĐBQH bày tỏ sự quan tâm và có nhiều ý kiến đóng góp.

    Báo Người lao động đưa lại ý kiến phát biểu của Đại biểu Trần Thị Nhị Hà (Đoàn ĐBQH TP Hà Nội, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội), bà Hà cho biết, năm 2022, có gần 1 triệu người được giải quyết hưởng BHXH một lần, con số này tăng 3,7% so với cùng kỳ năm 2021. 

    "Tôi cho rằng cần phải có biện pháp để người lao động ở lại hệ thống lâu hơn và tạo điều kiện để họ có đủ điều kiện hưởng lương hưu. Tôi ủng hộ đề xuất giảm lợi ích từ việc rút BHXH một lần theo phương án 2 của điểm đ tại Điều 77. Tuy nhiên, tôi kiến nghị mức rút BHXH không phải là 50%, mà tương ứng với mức đóng bảo hiểm của người lao động, để người lao động chỉ có thể rút khoản tiền họ đóng vào quỹ, còn khoản tiền mà người sử dụng lao động đóng sẽ được giữ lại để chi trả một phần lương hưu sau này" - đại biểu Trần Thị Nhị Hà góp ý.

    bao cao ket qua tham tra phan tich uu va nhuoc diem cua 2 phuong an rut bhxh mot lanjpg4
    Đại biểu Tạ Thị Yên (bìa trái) và đại biểu Trần Thị Nhị Hà có nhiều góp ý cho dự thảo luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Ảnh: Báo Người lao động

    Liên quan đến vấn đề hưởng BHXH một lần, đại biểu Tạ Thị Yên (Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên) cho rằng đây là một nội dung luôn được thảo luận, tranh luận khá gay gắt vì xung đột lợi ích. Trong đó, người đã đóng BHXH mong muốn được rút tiền ngay khi mất việc để giải quyết những nhu cầu tài chính cấp bách của mình, còn Nhà nước thì lại muốn bảo vệ quyền lợi lâu dài cho người lao động, nhất là khi họ hết tuổi lao động, già yếu, không còn thu nhập nữa, không muốn họ trở thành gánh nặng tài chính cho bản thân gia đình họ, cho xã hội. Mong muốn của cả 2 bên đều rất chính đáng.

    Bà Tạ Thị Yên thiên về vế sau của vấn đề "bảo đảm lâu dài, bền vững an sinh xã hội cho mọi người dân". Các quy định để tăng quyền lợi, tăng tính hấp dẫn khuyến khích người lao động bảo lưu thời gian đóng để hưởng lương hưu thay vì nhận BHXH một lần như trong dự án luật là rất cần thiết và hợp lý, nhân văn.

    Cũng nếu ý kiến về vấn đề này, đại biểu Võ Mạnh Sơn (Đoàn ĐBQH Thanh Hoá), cho rằng đây là quyền lợi chính đáng của người tham gia BHXH. Các phương án mà dự thảo Luật BHXH sửa đổi đang thể hiện cơ bản hướng đến việc hạn chế người lao động hưởng BHXH một lần. Mỗi phương án đều có những ưu điểm và nhược điểm nhất định như tờ trình của Chính phủ đã xác định.

    Bên cách đó, đại biểu Sơn cũng trình bày quan điểm về quy định sửa đổi điều kiện hưởng lương hưu theo hướng giảm dần số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí từ 20 năm xuống 15 năm.

    Tuy nhiên, đại biểu Sơn cho rằng, do cách tính mức lương hưu dựa trên thời gian đóng góp và mức tiền lương, thu nhập làm căn cứ đóng BHXH nên việc giảm điều kiện về thời gian đóng BHXH sẽ làm xuất hiện thêm nhiều trường hợp người lao động nghỉ hưu với mức lương hưu rất thấp (lao động nam chỉ hưởng mức 33,75%), tương đương hơn 2 triệu đồng.

    Đại biểu đề nghị cần xem xét thiết kế cách tính lương hưu có tính chia sẻ để hỗ trợ cho những người có tiền lương hưu quá thấp. Theo đó, mức lương hưu tối thiểu của người lao động nam ở mức 40%, lao động nữ ở mức 50%, tin trên VTC News.

    Bảo An(T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/bao-cao-ket-qua-tham-tra-phan-tich-uu-va-nhuoc-diem-cua-2-phuong-an-rut-bhxh-mot-lan-a597866.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan
    ĐBQH đề xuất lương giáo viên ở mức cao nhất trong khối hành chính sự nghiệp

    ĐBQH đề xuất lương giáo viên ở mức cao nhất trong khối hành chính sự nghiệp

    Tại phiên thảo luận các vấn đề kinh tế-xã hội trong chương trình làm việc Kỳ họp thứ 6, ĐBQH Hà Ánh Phượng, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Thọ đã đưa ra những đề xuất về việc tăng lương và phụ cấp đối với giáo viên, nhân viên trường học nhằm đảm bảo cuộc sống, giúp giáo viên yên tâm cống hiến với nghề.