+Aa-
    Zalo

    Bắt rắn cạp nia bỏ vào cặp, bé trai 7 tuổi phải thở máy, liệt toàn thân

    (ĐS&PL) - Bé trai 7 tuổi bắt được một con rắn cạp nia đã bỏ vào cặp. Khi đến lớp, bé bị rắn cắn vào ngón út tay trái trái gây liệt cơ hô hấp, liệt toàn thân... và phải thở máy.

    Báo VietNamNet đưa tin, một bệnh nhi 7 tuổi ở huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn, được chuyển từ trung tâm y tế huyện vào bệnh viện đa khoa tỉnh sáng 17/10 ở giờ thứ 3 sau khi bị rắn độc cắn.

    bat ran cap nia bo vao cap be trai 7 tuoi phai tho may liet toan than
    Bệnh nhi phải thở máy sau khi bị rắn độc cắn. Ảnh: Báo Pháp Luật

    Theo lời giáo viên, bé trai này bắt được con rắn cạp nia bỏ vào cặp. Khi đến lớp, bé bị cắn vào ngón út tay trái. Cô giáo phát hiện đưa ngay cháu đi viện.

    Vào bệnh viện tỉnh, bệnh nhi có biểu hiện sụp mi mắt, yếu tay chân, có dấu hiệu yếu liệt cơ hô hấp, thở khó khăn, liệt hầu họng. Các bác sĩ và điều dưỡng Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc đã nhanh chóng đánh giá, cấp cứu, đặt ống nội khí quản, thở máy cho bệnh nhi.

    Cháu bé hiện đang thở máy, liệt toàn thân, đồng tử giãn, rối loạn điện giải. Bệnh viện không có huyết thanh kháng nọc rắn cạp nia để điều trị đặc hiệu cho bệnh nhi. Do vậy, các bác sĩ quyết định chuyển bệnh nhi lên tuyến trên, báo Dân Trí đưa tin.

    Bác sĩ khuyến cáo trẻ nhỏ hiếu động, hiểu biết về thế giới xung quanh còn nhiều hạn chế, rất dễ gặp nguy hiểm khi chơi đùa, tiếp xúc với loài vật có độc. Do vậy, các bậc phụ huynh cần chú ý trang bị, cung cấp cho trẻ những kiến thức, kỹ năng, đảm bảo an toàn cho trẻ và kịp thời phát hiện khi trẻ có những hành động nguy hiểm để tránh trường hợp đáng tiếc xảy ra.

    XEM THÊM: Ngã úp mặt vào chảo dầu chiên xôi gà, người phụ nữ không qua khỏi

    Xử trí nhanh khi bị rắn cắn:

    Các biện pháp sơ cứu khi bị rắn độc cắn hoặc nghi ngờ rắn độc cắn như sau:

    - Để người bị rắn cắn nằm yên, đặt nơi bị cắn thấp hơn so với tim để hạn chế hấp thu nọc độc.

    - Rửa sạch vết thương bằng xà phòng và nước muối sinh lý.

    - Dùng một miếng gạc khô và sạch để băng kín vùng bị cắn.

    - Băng ép tại chỗ rắn cắn lên tới gốc chi, băng tương đối chặt nhưng vẫn còn sờ thấy mạch đập, không garo động mạch.

    - Dùng nẹp cứng để cố định chi.

    - Duy trì băng ép, bất động chi và vận chuyển kịp thời người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất.

    - Nên chụp hình, mô tả con rắn để bác sĩ để dễ dàng nhận biết loại rắn, nhằm có biện pháp cấp cứu kịp thời.

    Người dân không sử dụng các biện pháp như cố gắng hút nọc độc của rắn, chích, rạch, nặn, bóp tại vùng vết cắn, không tìm kiếm các phương pháp dân gian, vì mất đi thời gian vàng sơ cứu bệnh nhân.

    Để phòng nguy cơ rắn cắn, nên tránh tới những nơi có thể có rắn như những khu vực có cỏ cao, bụi cây um tùm, hang có nhiều gạch đá, khu vực gần chuồng gia cầm. Khi đi trên cỏ rậm hoặc vườn cây có nhiều lá khô nên mang giày ống cao và mặc quần dài phủ ra ngoài giày. Tránh ra vườn sau mưa rào, trời tối.

    Thục Hiền(T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/bat-ran-cap-nia-bo-vao-cap-be-trai-7-tuoi-phai-tho-may-liet-toan-than-a595725.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan