+Aa-
    Zalo

    Bức tranh “loạn màu” thật – giả của thế giới bia Việt

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Hàng nghìn lon bia nhập lậu bị triệt phá gần đây gióng lên hồi chuông báo động về chất lượng chưa hề được "dán" tem thẩm định của thị trường bia Việt Nam.

    (ĐSPL) - Chưa có thống kê nào chỉ ra, hàng năm Việt Nam tiêu thụ bao nhiêu triệu lít bia không rõ nguồn gốc xuất xứ. Nhưng thực tế, hàng loạt cơ sở sản xuất bia giả và hàng nghìn lon bia nhập lậu bị triệt phá đang gióng lên hồi chuông báo động về chất lượng thực của các sản phẩm bia đóng mác các thương hiệu nổi tiếng. Sự thật - giả lẫn lộn của thị trường bia tạo nên chất “men” độc, đánh thẳng vào sức khỏe người tiêu dùng nhưng không ai lưu tâm quản lý.

    Vô vàn bia giả và bia lậu đang tung hoành trên thị trường, đầu độc người tiêu dùng


    Bia giả tràn lan

    Xin được bắt đầu loạt bài viết này bằng một thông tin không hay ho gì về cách “nghiền” bia của người Việt với con số 3 tỉ lít bia tiêu thụ một năm. Hẳn với những bợm nhậu thì con số này là điều tất yếu, nhưng với các chuyên gia y tế thì đây là sự báo động cho sức khỏe con người khi bia đã trở thành “món khoái khẩu” khó thiếu trong thực đơn hằng ngày của người dân.

    Chẳng thế mà tại một hội thảo của ngành mới đây, thạc sỹ Vũ Minh Hạnh, Phó viện trưởng viện Chiến lược và Chính sách y tế (bộ Y tế) phải thảng thốt: Mức tiêu thụ trung bình một năm của nam giới nước ta là 27,4 lít; gấp hơn 4 lần mức trung bình toàn cầu. Gần một nửa nam giới Việt Nam có rượu bia. Trong khi các nước khác tiêu thụ chủ yếu là rượu bia chính thống (do các nhà máy quy mô lớn sản xuất), Việt Nam thì ngược lại.

    Điều khiến cánh PV còn giật mình hơn khi thạc sỹ Hạnh bật mí: “Chúng tôi từng đi một số nơi để tìm hiểu cách sản xuất rượu bia của người dân như thế nào. Hiện rất ít nơi còn sản xuất truyền thống theo kiểu chưng cất mà sử dụng cồn công nghiệp. Ví dụ ở Sơn La, người dân mua men Trung Quốc về ngâm gạo sống 2 ngày là đã có bia rượu uống. Ở phía Nam người ta thường cho cồn vào can nước 20 lít, phơi dưới ánh nắng 8-9 tiếng là được. Tác hại của những loại này rất lớn”.

    Trong khi đó, nguồn thông tin từ Công an TP. Hồ Chí Minh cho biết, trong 3 năm trở lại đây, cơ quan này đã triệt phá hàng loạt cơ sở sản xuất bia giả. Điển hình mới đây nhất, một “lò” sản xuất bia giả với quy mô hàng ngàn chai mỗi ngày đã sa lưới pháp luật. Theo thông tin ban đầu, ngày 10/4/2015, trinh sát của Đội 7, PC46 phối hợp cùng đội Cảnh sát điều tra tội phạm kinh tế, Công an quận Tân Phú bất ngờ ập vào kiểm tra nhà 378/1A đường Thoại Ngọc Hầu, phường Phú Thạnh, quận Tân Phú (TP. Hồ Chí Minh).

    Tại thời điểm đột kích, cơ quan công an bắt quả tang 4 đối tượng đang sản xuất bia giả, gồm Trần Văn Nam (30 tuổi), Phan Văn Lý Em (29 tuổi), Trần Văn Nghiêm (19 tuổi) và Trần Thị Mỹ Tiên (17 tuổi, cùng ngụ tại tỉnh An Giang). Đây là cơ sở sản xuất bia giả do Trần Phú Long (SN 1982, ngụ tại tỉnh An Giang) làm chủ. Tang vật thu được gồm 6.800 vỏ chai bia các loại, hơn 1.600 chai bia thành phẩm, 6,8kg nắp chai bia, 1 máy đóng nắp chai, 1 xe tải và nhiều máy móc, thiết bị phục vụ việc sản xuất bia giả...

    Trước đó, Công an TP. Hồ Chí Minh cũng đã triệt phá đại lý bia giả (số 144/12 Hồng Lạc, P.11, Q.Tân Bình) do Võ Thành Công (ngụ tại Bình Phước) làm chủ, thu giữ 17 két bia Heineken, 20 két bia Tiger, 18 két bia Tiger Crystal, 2 két bia Sài Gòn Lager, 1 máy dập nắp chai bia, vỏ chai, nắp chai bia các loại cùng nhiều tài liệu liên quan đến việc sản xuất bia giả. Trước đó, vào giữa năm 2012, PC46 cũng triệt phá cơ sở sản xuất bia Heineken giả ở huyện Bình Chánh do anh em Võ Đông Sơ (42 tuổi), Võ Hoàng Giang, Võ Ngọc Ẩn tổ chức.

    Phép trà trộn, chia đôi lấy nửa...

    Chưa biết có bao nhiêu chai bia giả đang lưu thông trên thị trường và càng không thể biết đã có bao nhiêu người xài phải bia “lởm”, nhưng chỉ cần nghe lời khai của những ông chủ lò bia giả, ắt các bợm nhậu phải té ngửa.

    Tại trụ sở công an, bước đầu Trần Phú Long khai nhận đã thu mua vỏ chai, nắp chai bia cũ ở các vựa ve chai, nhà hàng về cho công nhân súc rửa phục vụ cho việc sản xuất bia giả. Trung bình mỗi ngày Long cho ra lò khoảng từ 30-40 két bia các loại. Do bia giả không thể để lâu, nên Long thường bỏ mối cho các nhà hàng, quán ăn và cách vài ngày cung cấp một lần.

    Trong khi đó, biên bản lời khai của Võ Thành Công tại trụ sở công an cho thấy, phương thức sản xuất bia giả bằng cách mua bia Sài Gòn nhãn xanh, cho nhân viên súc rửa vỏ chai bia Heineken, Tiger đã qua sử dụng, chiết bia chính hãng vào 1/2 chai và rót bia Sài Gòn xanh vào đầy chai, sau đó đưa qua máy dập nắp.

    Mỗi ngày Công sản xuất được từ 60 két bia giả trở lên với các nhãn hiệu Heineken, Tiger, đem bỏ mối cho nhiều nhà hàng, quán ăn trên địa bàn thành phố với giá: Bia Tiger 235.000 đồng/két, bia Tiger bạc 255.000 đồng/két, bia Heineken 310.000 đồng/két. Còn với cơ sở sản xuất bia giả ở huyện Bình Chánh thì cũng cùng một công thức như “lò” của Công vì các đối tượng này có anh em họ hàng với Công.

    Theo một số công nhân từng làm việc ở cơ sở của Công, số nắp chai bia Heineken, Tiger này được cơ sở thu mua tại các quán nhậu, nhà hàng, sau đó mang về ngâm hóa chất mua ở chợ để tẩy rửa, sấy khô. Vỏ chai bia cũng được thu gom từ các nhà hàng, quán nhậu về, dùng dung dịch cồn tráng sơ, phơi khô sử dụng.

    Thậm chí, thông tin còn cho thấy: “Có một đầu mối chủ động cung cấp đồ khui cho nhà hàng để nhân viên khui bia nhưng nắp chai không bị móp méo, sau đó đến thu mua số nắp chai này cung cấp cho các cơ sở sản xuất bia giả”.

    Các chuyên gia kỹ thuật của các hãng bia lớn nhận định, do trước khi làm giả, bia được ướp lạnh nên hơi lạnh bốc ra đọng nước ngoài vỏ chai, trong lúc pha trộn có thể chảy vào chai bia dẫn đến không đảm bảo chất lượng như các dòng bia thật.

    Thêm vào đó, trong quá trình súc rửa chai có thể lau chùi không kỹ, vẫn còn tạp chất bám bên trong. “Các nguyên nhân trên khiến bia không thể để lâu được cho nên cơ sở này làm bao nhiêu là tiêu thụ hết bấy nhiêu. Có không ít lần, khách hàng (nhà hàng, quán nhậu) đem bia bị chua, bốc mùi hôi, có cả giòi, lên đại lý đổi lại. Chủ cơ sở sẵn sàng đổi mà không phản ứng gì”, một chuyên gia cho biết.

    Nguồn tin mà cánh PV thu thập được cho hay, các loại bia giả gắn mác các hãng nổi tiếng sẽ được trà trộn vào bia thật để mang đi bỏ mối cho các quán nhậu, nhà hàng, karaoke ở các quận lớn TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận. Một nguồn tin khác chưa kiểm chứng cho rằng, các dòng bia giả này còn vươn vòi bạch tuộc ra nhiều tỉnh thành phía Bắc.        

    Bia nhập lậu tung hoành

    Ông Lê Thế Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam (VATAP) cho biết, trong số hơn 30 nhóm hàng bị làm giả, làm nhái mà VATAP thống kê được thì rượu - bia là một trong những nhóm nằm trong “top” đầu. Chỉ tính riêng TP. Hồ Chí Minh, từ đầu năm 2015 đến nay, chi cục QLTT đã kiểm tra, thu giữ tổng cộng 33.465 chai, lon bia.

    Theo điều tra sơ bộ, lượng bia ngoại nhập lậu đường bộ vào Việt Nam chủ yếu đến từ các cửa khẩu tiếp giáp Lào và Campuchia, đặc biệt là tại Lao Bảo (Quảng Trị), Tịnh Biên (An Giang), Móng Cái (Quảng Ninh). Trước đó, một con số nổi bật còn cho thấy, chỉ trong 3 tháng đầu năm 2013, các lực lượng chức năng đã bắt giữ 187.280 chai, lon bia các loại tại Nghệ An, 21.109 chai, lon tại Hà Tĩnh, 98.445 chai, lon tại Quảng Trị và 10.600 chai, lon tại Kon Tum. Thậm chí, đã phát hiện và xử lý 117.475 chai, lon được nhập lậu chuyển qua đường hàng không.

    TRẦN QUYẾT - VĂN CHƯƠNG 


     


    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/buc-tranh-loan-mau-that-gia-cua-the-gioi-bia-viet-a97763.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.