+Aa-
    Zalo

    Bùng nổ dịch vụ giao đồ ăn ở Trung Quốc và những rủi ro không tưởng

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Ngành giao đồ ăn phát triển tạo ra nhiều cơ hội việc làm cho các lao động trình độ thấp, nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro và nguy hiểm đối với họ.

    Ngành giao đồ ăn phát triển tạo ra nhiều cơ hội việc làm cho các lao động trình độ thấp, nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro và nguy hiểm đối với họ.

    Ngành cung cấp đồ ăn tại nhà ở Trung Quốc có sự phát triển ấn tượng với doanh thu khủng. Ảnh: Reuters

    Ngành công nghiệp trị giá hàng chục tỷ USD

    Abey Lin, một sinh viên tại Học viện Phim ảnh Bắc Kinh cho biết cậu có thể đặt một đĩa vịt quay trên ứng dụng Meituan với giá chỉ khoảng 2,99 USD, rẻ hơn giá gốc tại tiệm đến 80%.

    Khắp Trung Quốc có hàng triệu người giống như Lin, đang đặt món ăn cho 2-3 bữa mỗi ngày, cộng thêm cả thực phẩm, đồ dùng văn phòng, chăm sóc tóc hay bất cứ thứ gì họ cần.

    Ngành cung cấp đồ ăn tại nhà ở Trung Quốc hiện đang bùng nổ với doanh thu lên tới 36 tỷ USD. Ước tính có tới 400 triệu người sử dụng các ứng dụng đặt đồ ăn ở đất nước tỷ dân này.

    Meituan đang dẫn đầu trong mảng bán lẻ dịch vụ. Doanh nghiệp này có khoảng 600.000 nhân viên giao hàng phục vụ 400 triệu khách hàng mỗi năm, tại tổng cộng 2.800 thành phố toàn Trung Quốc.

    Trí tuệ nhân tạo (AI) được cho là công cụ đã giúp Meituan theo dõi hành trình của tài xế giao hàng. Một tài xế trung bình giao 25 đơn hàng mỗi ngày. Ba năm trước, con số này là 17 đơn hàng. Tổng cộng mỗi ngày toàn hệ thống Meituan xử lý 20 triệu đơn giao hàng.

    Đánh cược cả mạng sống

    Một nhân viên giao hàng của Meituan. Ảnh: TechCrunch.

    Ngành giao đồ ăn phát triển tạo ra nhiều cơ hội việc làm cho các lao động trình độ thấp. Anh Liu là một người trong số đó. Nam thanh niên này có thể kiếm được kiếm được gần 1.400 USD/tháng, tương đương với mức lương trung bình của người dân Thượng Hải và quan trọng hơn là sự thoải mái trong công việc.

    Tuy nhiên, công việc này cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro và nguy hiểm.

    Một trong số các tài xế là Cao Rong, 36 tuổi, sống cùng vợ và con gái trong một căn hộ chật hẹp và tối tăm ở Thâm Quyến. 

    Cứ 10 giờ mỗi ngày, Cao lái chiếc xe tay ga của mình di chuyển giữa nhà hàng và khách hàng. Anh thường lái xe lấn sang làn đường chỉ dành cho xe hơi và vượt đèn đỏ.

    Những vết sẹo, vết trầy xước trên da hoặc tệ hơn nữa là minh chứng cho rủi ro lẫn sự liều lĩnh của họ khi làm công việc này.

     “Tôi biết như vậy là nguy hiểm”, anh Cao Rong nói. “Nhưng nếu không nhanh thì không có tiền”.

    Để kiếm được nhiều tiền hơn trong thời gian cao điểm, các tài xế cho biết họ thường nhận nhiều đơn hàng cùng một lúc. Kết quả của sự vội vã này là tỷ lệ tai nạn giao thông cao.

    Chưa có con số thống kê về tất cả vụ tai nạn liên quan tới tài xế giao đồ ăn ở Trung Quốc, nhưng theo cảnh sát Thượng Hải, trung bình cứ 60 phút có một người giao đồ ăn bị thương nặng. Tại Thâm Quyến, số vụ tai nạn này chiếm 12%, và ở Nam Kinh, phía đông bắc Thượng Hải, trung bình mỗi ngày có ba tài xế bị thương. 

    Hầu hết tài xế đều xác định đây không phải là công việc lâu dài. Ảnh: Reuters

    Trong 18 tháng qua, truyền thông Trung Quốc ghi nhận tổng cộng 18 ca tử vong và 125 vụ tai nạn nghiêm trọng liên quan tới công việc đầy rủi ro này.

    Anh Shun, một người lao động nhập cư 19 tuổi, vừa chuyển đến Thâm Quyến năm 2018, nói rằng anh trở thành tài xế giao đồ ăn vì công việc này không yêu cầu bất kỳ kỹ năng nào.

    Anh sẽ nghỉ việc ngay khi tìm thấy một công việc phù hợp hơn. Đối với anh, công việc lý tưởng nhất là làm môi giới bất động sản. “Nếu tôi tiếp tục làm việc này, một ngày nào đó tôi sẽ chết trên đường mất”, anh than thở.

    Anh Zhang, 27 tuổi, cũng là một trong 3 triệu tài xế giao đồ ăn, những người suốt ngày lái xe máy rong ruổi khắp mọi nẻo đường tuyến phố ở Trung Quốc.

    Giờ cao điểm đối với các tài xế giao đồ ăn như Zhang là 11h20 mỗi ngày, khi các nhân viên văn phòng nghỉ trưa ăn cơm. Zhang thường phải giao hơn 10 đơn hàng cùng thời gian đó, từ các món mì Sơn Tây, cà phê latte Starbucks cho đến bánh bao, dim sum.

    Lao vun vút trên xe máy điện, Zhang cắt qua dòng xe cộ, vọt qua giao lộ, rồi chạy như bay lên các tòa nhà cao tầng để kịp giao đồ ăn cho khách hàng. Chỉ khi nào đơn hàng được giao hết, Zhang mới có chút thời gian nghỉ ngơi.

    Áp lực thời gian rất lớn, bởi các ứng dụng không tính được vấn đề giao thông trên đường đi như cấm đường hay tắc đường. Nếu giao muộn và bị khách hàng khiếu nại qua ứng dụng Meituan, tài xế sẽ bị phạt như cắt thu nhập của ngày hôm đó hoặc bị đuổi việc. 

    Ngập ngụa trong rác nhựa

    Một khu tập kết rác ở Bắc Kinh. Sau khi nhân viên nhặt nhạnh những chất liệu có thể tái chế, hộp đựng đồ ăn bằng nhựa thường nằm lại. Ảnh: New York Times 

    Tốc độ phát triển nhanh như tên lửa của các ứng dụng giao đồ ăn ở Trung Quốc đang nhấn chìm đất nước này trong vỏ hộp đựng đồ ăn, đồ uống mang đi cùng túi nilon. 

    Tờ New York Times đưa tin các nhà nghiên cứu ước tính ngành kinh doanh giao đồ ăn trực tuyến ở đất nước châu Á này đã thải ra khoảng 1,6 triệu tấn rác bao bì năm 2017, tăng gấp 9 lần so với hai năm trước đó. Con số này bao gồm 1,2 triệu tấn vỏ hộp nhựa, 175.000 tấn đũa dùng một lần, 164.000 tấn túi nilon và 44.000 tấn thìa nhựa. 

    Hơn nữa, trong bối cảnh hệ thống tái chế rác thải còn lạc hậu, 3/4 rác thải nhựa của đất nước hơn 1,3 tỷ dân này bị đưa thẳng ra bãi chôn lấp hoặc vứt lộ thiên, nơi chúng có thể dễ dàng trôi ra biển.

    Rác thải trôi vào đại dương từ Trung Quốc nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào. Dưới môi trường biển, nhựa phải mất đến hàng trăm năm mới phân hủy được. 

    Sông Dương Tử đã cuốn trôi 367 triệu tấn mẩu, vụn nhựa vào biển năm 2015, nhiều hơn bất kỳ dòng sông nào trên thế giới, và gấp đôi lượng rác do sông Hằng ở Ấn Độ và Bangladesh cuốn đi. Hai con sông gây ô nhiễm thứ ba và thứ tư của Trái đất đều ở Trung Quốc. 

    Một người nhặt rác đang phân loại rác thải lấy từ một tòa văn phòng tại Bắc Kinh. Ảnh: New York Times 

    Chen Liwen, người sáng lập Zero-Waste Villages - tổ chức phi lợi nhuận khuyến khích tái chế ở nông thôn Trung Quốc - cho biết: “Bạn có ít người nhặt rác hơn, ít người vận chuyển nó hơn và ít người xử lý nó hơn. Tỷ lệ tái chế tổng thể chắc chắn đã giảm”.

    Trong nhiều năm, Mao Da, một nhà nghiên cứu môi trường, đã nghiên cứu ngành công nghiệp nhựa ở Wen Wuan. Công nhân ở đó thường phân loại chất thải thực phẩm và chất thải y tế bằng tay. Vật liệu không thể tái chế được chôn xuống hố gần khu đất nông nghiệp. Ông Mao nói: “Đó là một thảm họa cho môi trường và sức khỏe cộng đồng”.  

    Mộc Miên(T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/bung-no-dich-vu-giao-do-an-o-trung-quoc-va-nhung-rui-ro-khong-tuong-a302831.html
    Sự kiện: Thế giới 24h
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan