Vì con, bố mẹ đừng hút thuốc


Thứ 6, 04/08/2017 | 01:00


Đừng để bản thân bị tốn kém vô bổ vì hút thuốc lá: Hút thuốc rất tốn kém. Hãy giúp con bạn làm phép tính chi phí hàng tuần, hàng tháng.

Đừng để bản thân bị tốn kém vô bổ vì hút thuốc lá: Hút thuốc rất tốn kém. Hãy giúp con bạn làm phép tính chi phí hàng tuần, hàng tháng. Bạn có thể so sánh chi phí cho hút thuốc với chi phí cho đồ dùng, quần áo hoặc những nhu cầu cần thiết khác của cuộc sống hàng ngày và làm cho cơ thể mắc bệnh dễ dàng làm tăng thêm chi phí hàng ngày khiến cuộc sống càng khó khăn hơn. Đặc biệt, hút thuốc lá không chỉ gây hại cho chính người hút mà còn gây hại cho những người xung quanh, theo các bác sĩ và chuyên gia nghiên cứu về sự độc hại của thuốc lá, trẻ em đặc biệt dễ bị tác động bởi khói thuốc thụ động.

Thuốc lá có nhiều tác hại rõ rệt đến sức khoẻ trẻ em dù rằng các cháu chỉ hít phải khói thuốc lá do người lớn thải ra một cách thụ động. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ước tính có khoảng 50% số trẻ em trên thế giới bị hít khói thuốc lá thụ động. Tại Việt Nam, có tới 60-80% trẻ em dưới 5 tuổi bị phơi nhiễm khói thuốc lá, trong đó vùng Đông Nam Bộ tỉ lệ này lên tới 80%. Khói thuốc lá không chỉ gây hại trực tiếp cho người hút, gián tiếp cho người hít phải, mà còn có thể bám lâu vào đồ vật trong nhà và trẻ nhỏ nhiễm độc do tiếp xúc với các đồ vật này.

Hút thuốc lá thụ động đặc biệt nguy hiểm cho trẻ em, bởi phổi của trẻ chưa phát triển hoàn thiện và sức đề kháng chưa cao. Trẻ em rất nhạy cảm với các chất kích thích và chất độc trong khói thuốc. Những chất này có thể tồn tại rất lâu trong không khí sau khi đã ngừng hút thuốc. Trẻ có bố mẹ hút thuốc sẽ bị giảm các chức năng của phổi và dễ gặp các vấn đề sức khỏe. Và khi trẻ tiếp xúc lâu dài với khói thuốc, chúng sẽ bị nhiễm độc thuốc lá, không chỉ ảnh hưởng đến phổi, mà còn ảnh hưởng đến não, tim, đường ruột, có thể gây viêm đường hô hấp, hen suyễn, viêm tai giữa, đột tử ở trẻ sơ sinh và làm tăng nguy cơ mắc nhiều loại bệnh khác

Các chuyên gia ước tính rằng, mỗi năm, Việt Nam có 150.000 - 300.000 trẻ em dưới 18 tháng tuổi bị viêm phế quản, hoặc viêm phổi có liên quan đến môi trường có khói thuốc. Những trẻ dưới 1 tuổi có bố, hoặc mẹ hút thuốc bị viêm phế quản hoặc viêm phổi cao gấp đôi trẻ có bố mẹ không hút thuốc. Khói thuốc lá còn có thể gây tổn hại tới hệ thần kinh, tác động tiêu cực tới quá trình phát triển kỹ năng lập luận và kỹ năng nhận thức ở trẻ như suy giảm chức năng nhận thức của não, giảm trí nhớ và tăng nguy cơ mắc chứng tâm thần phân liệt gấp 3 lần, chỉ số IQ của trẻ tiếp xúc với khói thuốc thấp hơn những đứa trẻ cùng tuổi không tiếp xúc với khói thuốc lá thụ động. Trẻ sẽ có kết quả học tập yếu kém hơn đặc biệt là khả năng đọc và làm toán. Điều này vô cùng nguy hại đối sự phát triển tương lai của trẻ, cũng như tương lai của đất nước.

Từ những hiểu biết về tác hại, ảnh hưởng của khói thuốc đến sức khỏe của trẻ, bạn hãy chủ động cùng người thân, bạn bè và những người xung quanh đảm bảo cho trẻ một môi trường “không khói thuốc”, an toàn để trẻ có thể phát triển khỏe mạnh. Hãy chấm dứt tình trạng: “Cha hút, con hít”.

Xin đừng đốt cuộc đời trẻ thơ

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/vi-con-bo-me-dung-hut-thuoc-a198023.html