+Aa-
    Zalo

    Chồng bất ngờ trở về sau 10 năm nhận giấy báo tử

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Câu chuyện xảy ra cách đây gần 40 năm, nhưng nhớ lại giây phút trở về đẫm nước mắt ấy, bà Nguyễn Thị Nghĩa và ông Đậu Xuân Sơn (SN 1932) vẫn còn nguyên xúc động.

    (ĐSPL) - Dẫu câu chuyện xảy ra cách đây gần 40 năm, nhưng mỗi lần nhớ lại giây phút trở về đẫm nước mắt ấy, bà Nguyễn Thị Nghĩa và ông Đậu Xuân Sơn (SN 1932) ở thôn Tam Đa, xã Quảng Lưu, huyện Quảng Trạch (Quảng Bình) vẫn còn nguyên xúc động. Lòng chung thủy, niềm tin và tình yêu son sắt của ông bà đã chiến thắng tất cả.
    Câu chuyện tình yêu thời chiến
    Tiếp chúng tôi trong căn nhà mà đồng đội giúp ông xây dựng cách đây không lâu, ông Đậu Xuân Sơn bồi hồi kể lại câu chuyện của cuộc đời mình. Ông Sơn vốn sinh ra trong gia đình bần nông. Do vậy, ngay từ năm 8 tuổi, mẹ mất, cha mù lòa, ông đã phải đi ở đợ cho người ta để có miếng ăn qua ngày. Năm 10 tuổi, ông Sơn dẫn cha đi khắp nơi để xin ăn. Khi đó, trong làng có người đàn bà thương cảm đã dẫn cha con ông về và xem cha ông như chồng mình. Không lâu sau, cha ông Sơn cũng qua đời vì bệnh tật hành hạ. Năm 15 tuổi, mặc dù chưa đủ tuổi đi bộ đội nhưng ông khai thêm tuổi để được tham gia chiến đấu.
    Thế là chàng trai mồ côi Đậu Xuân Sơn tình nguyện tham gia quân ngũ và được phân công vào chiến đấu tại chiến trường Vĩnh Linh (Quảng Trị). Trong những lần hành quân, ông Sơn vô tình gặp cô y tá xinh xắn, nhanh nhẹn cùng quê là bà Nguyễn Thị Nghĩa. Bà Nghĩa là y tá của xã Quảng Lưu được điều đi khắp nơi để cứu chữa cho các chiến sỹ ở chiến trường. Qua nhiều câu chuyện từ bà Nghĩa, ông Sơn càng yêu và cảm mến cô y tá cùng quê.
    Chồng bất ngờ trở về sau 10 năm hy sinh
    Bằng sự chung thủy son sắt, tình yêu của ông bà đã vượt qua tất cả
    Bà Nghĩa mồ côi cả cha và mẹ khi mới 2 tuổi. Lớn lên một chút, bà cũng phải đi ở đợ cho nhà người ta. Vì ham học, bà đã tham gia vào lớp bình dân học vụ và không lâu sau, bà được xã gửi đi học lớp quân y. Sau đó, bà được trở lại địa phương để phục vụ nhân dân và sẵn sàng ra trận khi tiền tuyến cần. Dường như sự đồng cảm cùng hoàn cảnh, cùng quê đã làm cho ông bà thêm gắn bó và yêu nhau từ lúc nào không hay.
    Bắt đầu từ những lá thư chiến trận và hậu phương, ông bà kể cho nhau nghe những trận đánh ở vĩ tuyến 17, hay những câu chuyện đổi thay của làng mình, của những bệnh nhân được bà chăm sóc. Đến tháng 10/1959, khi thấy tình cảm đã chín muồi, ông bà quyết định tổ chức lễ cưới. Cưới nhau chưa được 10 ngày, ông Sơn nhận lệnh tiếp tục vào chiến trường miền Nam chiến đấu, đóng quân tại tỉnh Phú Yên. Trong một lần hành quân, cả trung đoàn của ông bị quân địch tập kích. Giây phút hỗn loạn, mỗi người di tản một nơi và có nhiều người bị thương nặng, nhưng cũng không ít người đã hy sinh phải nằm lại với đất mẹ.
    Còn bà Nghĩa, sau ngày cưới bà vẫn tiếp tục công việc của một y tá ở địa phương. Vẫn biết chiến tranh là phải chia ly, nhưng bà vẫn thấy hụt hẫng khi thời gian gần chồng quá ít. Và khi bà phát hiện đang mang trong mình giọt máu của ông Sơn, bà càng mong mỏi hơn bao giờ hết được nhìn thấy gương mặt hạnh phúc của chồng, khi biết mình sắp làm bố. Nhưng lúc đó, chiến trường miền Nam rất ác liệt, tin tức về ông Sơn im bặt.
    Cho đến một ngày vào năm 1965, một người đồng đội cũ của ông Sơn cho bà Nghĩa biết tin, phần lớn những người tham gia trận chiến ở Phú Yên đều hy sinh và khuyên bà hãy chấp nhận sự thật. Cầm giấy báo tử của chồng, bà không thể đứng vững. Tất cả sụp đổ dưới chân bà, bà không tin đó là sự thật, dẫu trong giấy báo tử ghi rõ họ tên của ông. Bà Nghĩa nhớ lại: “Lúc nghe tin xong, tôi tưởng mình sẽ chết nhưng nghĩ đến đứa con, tôi tự an ủi rằng, biết đâu họ báo tin nhầm, mình phải nuôi con khôn lớn, biết đâu…”.
    Phép màu của niềm tin
    Cũng trong năm đó, bà Nghĩa sinh được một cậu con trai kháu khỉnh. Bà đặt tên con là Thủy, như một điều khẳng định cho lòng chung thủy, son sắt của bà. Hàng ngày, bà vẫn tiếp tục công việc của một y tá. Cũng may, lúc đó bên cạnh bà vẫn có người mẹ kế của ông Sơn, làm điểm tựa cho mẹ con bà .
    Thời gian trôi đi, có lúc mẹ chồng động viên bà đi bước nữa, khi thấy bà đi về thui thủi một mình. Trong xã cũng có nhiều người đàn ông xin tìm hiểu và lấy bà làm vợ nhưng bà Nghĩa cương quyết từ chối, vì trong lòng bà còn rất yêu ông Sơn. Hơn nữa, linh cảm của người vợ luôn mách bảo bà, rằng ông vẫn còn sống và một ngày nào đó sẽ trở về với mẹ con. Niềm tin không hề lung lay và bà coi đó là động lực để bà nuôi con khôn lớn..
    Còn về ông Sơn, sau trận đánh ác liệt ở Phú Yên, ông may mắn thoát chết nhờ sự chi viện của trung đoàn. Sau đó, ông lại nhận nhiệm vụ mới và tiếp tục ra chiến trường. Ông Sơn nhớ lại: “Lúc bấy giờ mới cưới nhau nên tôi nhớ vợ lắm. Năm nào, tôi cũng viết thư để báo tin cho vợ, nhưng có lẽ chiến tranh ác liệt nên thư bị thất lạc, lại thêm đơn vị cũ gửi giấy báo tử nên gia đình nghĩ tôi đã hy sinh. Suốt 10 năm, tôi hết vào chiến trường này lại sang chiến đấu ở chiến trường khác. Nhiều khi về gần đến Quảng Bình rồi nhưng không có cách nào để mà báo tin cho vợ tôi hay nữa”.
    Cho đến năm 1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng, ông Sơn được đơn vị cử ra Hà Nội thì ông mới có cơ hội về thăm nhà. Suốt cả hành trình ông cứ thấm thỏm, hồi hộp ngày gặp lại vợ và  mẹ. Ông Sơn bồi hồi: “Lúc trở về tôi già đi, gầy gò, xanh xao lắm, tôi đi dọc đầu làng mà không ai nhận ra. Khi tôi đi vào sân, thấy 4 đứa trẻ ở sân chừng 9 - 10 tuổi đang chơi bắn súng cao su. Tôi cũng không hề biết là một trong 4 đứa đó có con trai của mình. Khi tôi vào đến bộc cửa, có một đứa gầy gò, đen nhẻm đến hỏi tôi, hỏi ra thì nó trả lời là ba con đi bộ đội, mẹ đi họp ở huyện, còn bà nội đang nấu ăn trong bếp”. Ông Sơn vội vàng đi vào nhà, thấy một người đàn bà khắc khổ đang nấu ăn quay lưng về phía mình, ông nhận ra đó chính là người mẹ thân yêu, ông cất tiếng thưa: “Thưa mạ, con về rồi”. Bà cụ quay lưng lại, đưa mắt sững sờ nhìn ông nhưng vẫn không nhận ra: “Con là thằng mô đó, ngày mô cũng có chú bộ đội đến chào mạ, mạ cũng không biết thằng mô lại thằng mô cả”.
    Nhìn thái độ của bà cụ, ông Sơn chực trào nước mắt: “Con là thằng Sơn, con trai của mạ, có vợ tên là Nghĩa đây mà”.“Trời ơi, có phải là thằng Sơn đây không, răng họ nói mi chết rồi cơ mà, cám ơn trời”. Chỉ chờ có thế, vậy là hai mẹ con ông ôm nhau khóc. Đứa con trai chưa biết chuyện gì xảy ra trong căn bếp, nhưng nghe tiếng bà nội khóc cũng chạy vào khóc theo. Cả ba cùng ôm nhau khóc to, hàng xóm xung quanh nghe thấy tiếng khóc cũng chạy sang hỏi han. Ngay cả những người hàng xóm cũng nghẹn ngào khi thấy ông trở về.
    Hai ngày sau khi có người báo tin, bà Nghĩa đang đi họp ở huyện liền vội vàng đi bộ về nhà trong đêm. Thật không nói hết cái cảm giác của bà Nghĩa lúc đó. “Tôi luôn hy vọng là ông ấy sẽ trở về, nhưng khi nghe tin ông ấy về mà tôi nghĩ mình đang mơ. Trên đường về tôi cứ sợ là người ta đùa, nên bước thật nhanh để về đến nhà. Đến khi nhìn thấy ông, lòng tôi mới thấy tin đó là sự thật”, bà Nghĩa kể lại.
    Mặc dù, ngày trở về ông không còn lành lặn như xưa, trong đầu còn vướng một mảnh đạn chưa lấy ra. Đến khi trái gió trở trời, ông đau dữ dội và không còn được tỉnh táo. Nhưng điều đó không làm cho gia đình nhỏ của ông bà thiếu đi những tiếng cười hạnh phúc. Ông bà vẫn luôn thương yêu nhau và sinh hạ được thêm 2 người con gái nữa đặt tên Ngân và Nga. Những đứa con của ông bà giờ cũng đã trưởng thành và hết lòng yêu thương cha mẹ. Dường như điều đó là quá đủ để minh chứng cho bài ca tình yêu đầy ngọt ngào của vợ chồng ông bà trong những năm tháng chiến tranh và cuộc sống đời thường hôm nay.
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/chong-bat-ngo-tro-ve-sau-10-nam-nhan-giay-bao-tu-a69620.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan