Quay clip đánh bạn tung lên mạng: Gieo rắc bạo lực đến trường


Thứ 7, 25/11/2017 | 00:36


Một đoạn clip bạo lực học đường lại vừa được tung lên mạng, được các bạn trẻ chuyền tay nhau với cảnh 3 học sinh nữ liên tiếp đánh, dẫm vào đầu một nữ sinh khác.

Một đoạn clip bạo lực học đường lại vừa được tung lên mạng, được các bạn trẻ chuyền tay nhau với cảnh 3 học sinh nữ liên tiếp đánh, dẫm vào đầu một nữ sinh khác.

Sự việc được cho là xảy ra tại huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái. Các học sinh nữ tham gia được xác định là học sinh lớp 10 của Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Văn Yên.

Chuyện hành xử kiểu giang hồ “dằn mặt”, trả thù nhau của học sinh từ lâu đã có, thậm chí đâm chém tử thương cũng không hiếm, nhưng đó là bên ngoài trường học.

Lần này là trong lớp học, trong giờ ra chơi, dưới sự chứng kiến của rất nhiều học sinh khác. Ngoài việc lăng mạ, những học sinh nữ này còn đánh liên tiếp bằng tay thậm chí bằng cả chân vào đầu nữ sinh kia. Điều đáng nói hơn, sau khi sự việc có dấu hiệu hạ nhiệt thì một nam sinh lại tiếp tục đẩy nữ sinh kia vào để tiếp tục chịu đòn.

Các học sinh nữ liên tục đánh, đạp vào đầu "nạn nhân"

Có thể thấy đây là một hành động có dự tính trước và rất nhiều em xem nó như là một sự thể hiện bản thân, một chuyện đáng để tự hào nào đó, vì các em đã chuẩn bị sẵn việc quay clip và đưa lên mạng.

Sau sự việc, đại diện nhà trường cho biết đã có hình thức kỷ luật đình chỉ 1 tuần đối với các học sinh nữ đánh bạn. Tuy nhiên, tương lai các em sẽ ra sao và sẽ còn bao nhiêu cảnh như thế diễn ra trong thời gian tới?

Những học sinh, chúng đánh nhau đa phần từ những lý do nhỏ nhặt, từ chuyện nhìn đểu, liếc xéo cho đến chuyện che bài, mách cô…Hay có những học sinh, vì xinh xắn hơn một chút cũng trở thành bia đỡ đạn, hứng chịu những lời miệt thị, những áp lực về tinh thần.

Quan trọng hơn, từ sự việc này không chỉ nhìn thấy hành động dã man và bạo lực của những học sinh trong độ tuổi đúng ra là ngây thơ, nhút nhát mà còn cho thấy rất nhiều những “bức xúc”, “căm phẫn” của cộng đồng mạng thông qua việc chia sẻ video nói trên. Họ chia sẻ, chửi, rồi… thôi.

Việc nguy hiểm nhất là các em không hề ý thức được hành động quay và phát tán clip bạo lực này. Nó vô tình khiến các em cảm thấy “kích thích” hơn, đánh người khác chỉ vài người chứng kiến là điều bình thường, nhưng được hàng triệu người xem mới là “chất”? Chính những đoạn clip tung lên mạng đã “dẫn dắt” nhiều lứa học sinh bắt chước theo và khiến vấn nạn bạo lực học đường không có dấu hiệu hạ nhiệt.

Vấn nạn bạo lực học đường luôn là đề tài nóng của giáo dục

Rồi những lý do, những lý do người lớn khó lòng hiểu được khi những đứa trẻ mới lớn cố tìm cách “bắt lỗi” nhau để có cớ đưa lên mạng. Đơn cử như hồi năm 2016, tại huyện Kinh Môn (Hải Dương) xảy ra vụ việc, 5 em học sinh đánh 1 nam sinh khiến em này khóc lóc van xin chỉ vì nạn nhân không nộp “tô” 5.000 đồng tiền ăn sáng/ ngày cho nhóm học sinh đánh mình. Những em học sinh ngoan ngoãn bị dồn vào thế yếu, nhịn từng bữa ăn sáng để có tiền nộp cho những học sinh hư, còn nếu không nộp tiền đồng nghĩa với việc bị đánh.

Bên cạnh việc lạm dụng internet, sự thiếu thốn tình cảm từ những người thân gia đình cũng khiến tâm sinh lý của các em, nhất là lứa tuổi dạy thì dễ bị thay đổi. Và đôi khi, chúng tìm đến bạo lực từ những gì chúng thấy trên mạng hay đơn giản là hùa theo đám bạn khi bên cạnh không có người lớn định hướng.

Gia đình là tế bào của xã hội, một gia đình tốt (cử xử có văn hóa, dạy dỗ con biết làm người tử tế..) sẽ góp phần làm cho xã hội tốt đẹp lên. Do đó, để sạch hóa môi trường học đường, ngoài việc nâng cao hành xử trong mỗi gia đình, còn cần định hướng cho những đứa trẻ khi sử dụng mạng xã hội.

Khi được giáo dục một cách rõ ràng, có lẽ những đoạn clip về học sinh đánh nhau sẽ không còn tràn lan trên mạng xã hội và vấn nạn bạo lực học đường sẽ dần được loại bỏ.

Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả. Đồng thời, không đăng tải lại đoạn clip về bạo lực học đường nói trên.

Hoàng Giang

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/quay-clip-danh-ban-tung-len-mang-gieo-rac-bao-luc-den-truong-a210312.html