+Aa-
    Zalo

    Cuộc giáp mặt với "bà trùm" môi giới và những hiểm họa ẩn khuất sau cột mốc vùng biên

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Việc tự thỏa thuận cho, nhận con nuôi qua mạng xã hội, qua những nhân vật “cò mồi”, hoặc những kẻ khoác tấm áo “đạo đức” giúp người nhưng thực chất là trục lợi.

    Việc tự thỏa thuận cho, nhận con nuôi qua mạng xã hội, qua những nhân vật “cò mồi”, hoặc những kẻ khoác tấm áo “đạo đức” giúp người nhưng thực chất là trục lợi tiềm ẩn mối họa nhãn tiền. Hành vi lôi kéo, dụ dỗ “xuất ngoại chui” để cho con cũng là mầm họa của những “cái bẫy” đã được giăng sẵn. Việc này vừa nguy hiểm đến tính mạng của người mẹ, rủi ro khi trẻ em rơi vào tay những kẻ buôn bán người qua biên giới...


    Ngõ nhỏ mà Mai đón PV và hình ảnh bà bầu được nuôi dường chờ ngày sinh nở. 

    Phóng viên vào vai để đến “hang cọp”

    Sau nhiều ngày “bắt mối” với những người muốn nhận con nuôi qua các hội nhóm trên mạng, PV đã có cuộc giáp mặt với “bà mối” có tên Mai A. đang thuê trọ tại con hẻm nhỏ trên đường Lê Đức Thọ (Hà Nội).

    Theo thỏa thuận ban đầu, trưa 1/7, người phụ nữ này sẽ đón chúng tôi ở bến xe Mỹ Đình. Song không hiểu sao đến phút cuối chúng tôi lại bị từ chối tiếp cận.

    Tuy nhiên, sau đó người phụ nữ này chia sẻ chính xác định vị “ổ bà bầu” qua Zalo cho chúng tôi. Thế nhưng, cũng phải mất gần 20 phút chúng tôi mới tìm được chính xác địa chỉ cần đến. Theo đó, Mai A. thuê trọ trên tầng 3, của một ngôi nhà, căn phòng khép kín khá rộng rãi. Hiện có một bà bầu đang sống cùng Mai A.

    Đón chúng tôi từ ngoài ngõ, Mai A. khá niềm nở và không mảy may nghi ngờ vì chúng tôi “nhập vai” ngọt như một diễn viên. PV trong vai một bà bầu kể lể về cuộc sống khốn khó, gặp bi kịch số phận và muốn bán con, nên chúng tôi đã qua được “cửa ải” của sự nghi ngờ. Trong khi “mẹ bầu” của chúng tôi khệ nệ leo cầu thang thì “bà mối” liến thoắng hỏi về dự định của chúng tôi trong những ngày sắp tới.

    Vừa mở cửa phòng, hình ảnh đập vào mắt chúng tôi là một mẹ bầu (tầm 8 tháng) đang ngồi trên tấm thảm dưới nền đất. Chị này khá nhút nhát, nét mặt phúc hậu và có phần e ngại trước sự xuất hiện của người “đồng cảnh ngộ”.

    Chỉ về phía người phụ nữ đó, Mai A. nói: “Chị ấy sinh ở Hà Nội chứ không sang Trung Quốc, tiền bồi dưỡng chỉ 20 triệu đồng thôi. Chị ấy đang chờ đến ngày sinh để bàn giao con cho nhà người ta. Chị ấy quê Quảng Nam, bầu 34 tháng”. Nghe Mai A. nói vậy, trong đầu tôi lóe lên suy nghĩ, người phụ nữ này có lẽ nào là “chim mồi” chứ không phải mẹ bầu có nhu cầu cho con? Những thương lượng của chúng tôi với Mai A. cũng bắt đầu từ đây. Mai A. ngã giá, nếu chúng tôi sang Trung Quốc sẽ được bồi dưỡng sau sinh 80 triệu đồng. Số tiền đó không hề nhỏ đối với những cô gái mang thân phận công nhân khu công nghiệp một nắng hai sương, nhà nghèo gặp cảnh éo le mà chúng tôi đang đóng vai.

    “Nếu cho con nuôi ở Việt Nam, đầu mối khác hỗ trợ chứ không phải bên em, em chỉ làm bên Trung Quốc thôi. Em có hợp tác với một chị làm ở bệnh viện nên vẫn giúp đỡ được người muốn cho con ở trong nước. Em bên kiếm người, ai muốn đi Trung Quốc thì đưa đi thôi”, A. tiếp thị thêm về công việc của mình và cũng để củng cố niềm tin cho chúng tôi trong hành trình “bán con”.

    Cũng theo lời Mai A., cô đã đưa được hơn 10 người đi và trở về bình an. Vừa nói, Mai A. vừa chìa điện thoại ra cho chúng tôi xem đoạn tin nhắn kèm hình ảnh mẹ bầu đang chờ... “qua biên”. Mai A. bảo: “Hôm nay, 2 người đang đi mà biên khó đang chờ ở ngoài đó”.

    Nghiệt ngã phận mẹ bầu nơi vùng biên

    Trong cuộc trò chuyện với Mai A., chúng tôi luôn lo ngại về những rủi ro khi sang đất khách quê người mà không có người đảm bảo an toàn cho những phụ nữ đang mang bầu, Mai A. cam kết: “Chị yên tâm, có nhà xe đưa đi, chứ một người như vậy chị biết tốn kém bao nhiêu tiền đi không? 20 triệu tiền xe đó. Bên em đưa đi đảm bảo đi đến nơi, về đến chốn”.

    Để tiếp thêm cho “ý chí quyết tâm” của chúng tôi, Mai A. nói: “Bà bầu chỉ sang đó ở, chờ đẻ, đẻ xong xuất viện, con được nhận là về. Thích cầm tiền mặt hay chuyển khoản về Việt Nam đều được hết. Hôm qua mình có gửi ảnh đó, một bạn mới đẻ hôm kia, vài hôm là xuất viện. Theo mình, nếu bạn quyết đi, sinh xong nên ở lại ít ngày cho khỏe rồi về. Cũng giống như ở Việt Nam mình, sinh xong rồi xuất viện, bế con về sau đó gia đình hiếm muộn người ta đến nhận”...

    Mai A. bật mí, đưa người qua biên cho con nuôi đơn giản hơn ở trong nước. Bé gái hay bé trai người ta đều nhận hết và đi theo đoàn “Hiện bên Trung Quốc có người sắp sinh đôi, tháng 11 mới sinh nhưng họ đã sang bên đó rồi. Những bà bầu sang ở tập trung tại chung cư và có người Việt Nam lo cho. Lúc đi thường một xe có 5-6 người nên không lo bị bỏ rơi đâu”, người này ngon ngọt nói.

    “Bên chị đi biên (đi chui-PV) em nhé, đứa nào nói đi hộ chiếu là nói láo, để giữ giấy tờ của em đấy. Trong lúc đi từ Việt Nam sang Trung Quốc là phải đi bộ nữa, đi bộ chừng 3-4 tiếng đồng hồ. Bên nào nói đi qua cửa khẩu là nói xạo, lừa người khác. Trên nhóm có nhiều đứa đăng láo lắm luôn, thậm chí có đứa nói đi sang Campuchia rồi sang Thái Lan xong mới sang Trung Quốc, nghe đã thấy lừa đảo rồi”, Mai A. nói về phương thức đi lại khi chúng tôi ngỏ ý muốn biết cách di chuyển.

    Nghĩ đến cảnh bà bầu phải đi bộ 3-4 tiếng đồng hồ “băng rừng, lội suối”, tôi rùng mình khi nghĩ đến tình huống người mẹ sinh non, cả đứa trẻ và người mẹ sẽ bị đe dọa tính mạng hoặc gặp rủi ro, tôi nói: “Đi như vậy nguy hiểm lắm, không có con đường nào khác sao?”, Mai A.gạt đi và trấn an: “Có chị gần giáp ngày sinh mới đi, có sao đâu”.

    Tuy nhiên, Mai A. cũng xoay sang dụ chúng tôi: “Nếu em muốn sinh trong nước cũng được. Sẽ có đầu mối làm hồ sơ ở bệnh viện giờ bầu vào sinh bằng tên của người nhận. Còn qua Trung Quốc vẫn lấy tên của bà bầu đàng hoàng. Giờ chị bầu cùng phòng mình đang ngồi học tên của người nhận, chị ấy 36 tuổi mà người nhận có 28 tuổi”.

    Theo lời Mai A. cô nhận những “thương vụ” này là “thuận tình” nhưng cũng đã bị nhiều người lừa gạt. Sau một thời bao ăn, bao ở nhưng gần đến ngày sinh thì bặt vô âm tín và cô phải ăn quả đắng khi hủy kèo với “đầu mối”.

    (còn nữa)

    “Chị ở cùng mình bây giờ, người ta “đặt gạch” từ Tết rồi chứ mình không làm ở Việt Nam. Mình không muốn nhận, nhận rắc rối lắm vì tiền hỗ trợ ít, người nhận luôn yêu cầu bé phải đẹp, mẹ phải xinh nhưng tiền hỗ trợ thì ít”, Mai A. chia sẻ.

    Nhóm PV

    Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật số 118

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/cuoc-giap-mat-voi-ba-trum-moi-gioi-va-nhung-hiem-hoa-an-khuat-sau-cot-moc-vung-bien-a332110.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan