Người phụ nữ ném con xuống giếng: Luật sư bào chữa rơi nước mắt


Thứ 2, 24/04/2017 | 03:49


Cùng sự kiện

"Người mẹ phải có vấn đề về tinh thần mới có thể ra tay tước đoạt tính mạng đứa con trai mới sinh ra được vài tháng tuổi", luật sư Nguyễn Anh Thơm tâm sự.

"Tôi biết, đây là nỗi đau rất lớn cho cả gia đình. Nhưng chính sự đờ đẫn của người đang mắc bệnh về tâm thần, nhất là khi còn rất trẻ mà giết đi đứa con trai độc nhất khiến tôi càng trăn trở. Tôi thấy thương cô ấy. Lúc đối diện với người mẹ trẻ ấy, tôi đã khóc", Luật sư Nguyễn Anh Thơm kể.

“Hổ dữ còn không nỡ ăn thịt con”, huống chi đây là người mẹ. Chắc chắn trong vụ án này, người mẹ phải có vấn đề về tinh thần mới có thể ra tay tước đoạt tính mạng đứa con trai mới sinh ra được vài tháng tuổi”, luật sư Nguyễn Anh Thơm tâm sự.

Những điều trăn trở về vụ án

Luật sư Nguyễn Anh Thơm, văn phòng luật sư Nguyễn Anh, đoàn Luật sư TP.Hà Nội đã có những phút giây đầy tâm tư khi trải lòng với PV báo ĐS&PL về vụ án đau lòng: Mẹ trầm cảm giết con trai 5 tháng tuổi rồi tự tử.

Trước đó, ngày 3/2, Công an huyện Quốc Oai (TP.Hà Nội) đã khởi tố bị can, tạm giam Đỗ Thị Hạnh (27 tuổi) để điều tra hành vi giết người. Hạnh đã nhẫn tâm ra tay sát hại đứa con trai mới 5 tháng tuổi hôm mùng 3 Tết âm lịch. Sau khi lén ném con xuống giếng, người phụ nữ này đã nhảy theo để tự tử nhưng được người thân phát hiện, cứu sống.

Luật sư Nguyễn Anh Thơm, đoàn Luật sư TP.Hà Nội trải lòng về vụ án mẹ hại con.

Khi sự việc đau lòng xảy ra, nhiều người dân xung quanh cảm thấy rất ngỡ ngàng, thương xót bởi trước đó, Hạnh đã mắc chứng trầm cảm sau sinh, phải điều trị và uống thuốc.

Chia sẻ với PV, đôi mắt luật sư Thơm ánh lên nhiều nỗi niềm. Trước khi đi vào câu chuyện, luật sư Thơm trầm tư nhớ: “Ban đầu, khi nhận được hồ sơ vụ án, tôi rất bàng hoàng không tin rằng cô ấy là thủ phạm giết con. Tôi có linh cảm mãnh liệt là chắc chắn người mẹ này có nhược điểm rất lớn về tâm thần. “Hổ dữ còn không nỡ ăn thịt con” huống chi đây là người mẹ. Tôi tin rằng, không có người mẹ nào đứt ruột sinh con ra mà lại nhẫn tâm giết con cả. Nếu cuộc sống có khổ sở, khó khăn thì còn có nhiều lựa chọn: Mang con ra chùa, cho người khác nuôi... Nếu không muốn sinh con ra thì ngay từ ban đầu đã không cho nó có cơ hội chào đời rồi”.

Kể đến đây, giọng luật sư chùng xuống: “Khi gặp cô này tại trại tạm giam, tôi khá bất ngờ trước khuôn mặt đờ đẫn, hỏi cái gì cũng chỉ nhớ lờ mờ, nhìn rất tội nghiệp. Biểu hiện của cô ấy giống như của người bị bệnh tâm thần. Điều đó ám ảnh tôi. Đến giờ, khi nghĩ lại, tôi vẫn cảm thấy thương. Khi đó, cô ấy cũng không ý thức được việc mình đã làm, lúc tôi nhắc đến con, cô ấy vẫn ứa nước mắt nhưng không nhớ điều gì cụ thể. Tôi hỏi lý do tại sao cô ấy lại giết con, cô ấy lại càng khóc to hơn...”.

Bản án về lương tâm của người mẹ

Trước đó, những ngày đầu năm 2017, vụ án này xảy ra khiến dư luận không khỏi bàng hoàng, phẫn nộ. Nhưng khi biết một phần căn nguyên của vụ việc, Hạnh bị mắc chứng trầm cảm, có biểu hiện của bệnh rối loạn tâm thần thì sự việc không đơn giản chỉ là vấn đề liên quan đến pháp luật mà có phần trách nhiệm chăm sóc của gia đình.

“Cũng vì gia đình không cẩn thận, biết rõ cô ấy bị trầm cảm sau khi sinh nhưng chưa cho đi chữa trị triệt để nên dẫn đến sự việc này. Tôi biết, đây là nỗi đau rất lớn cho cả gia đình. Nhưng chính sự đờ đẫn của người đang mắc bệnh về tâm thần, nhất là khi còn rất trẻ mà giết đi đứa con trai độc nhất khiến tôi càng trăn trở. Tôi thấy thương cô ấy. Lúc đối diện với người mẹ trẻ ấy, tôi đã khóc. Tôi cảm thấy tội nghiệp cho người phụ nữ này, mặc dù đến giờ, hành vi của cô ấy vẫn đang được cơ quan điều tra làm rõ nhưng không ai biết được lý do tại sao cô ấy giết con, nhất là trong gia đình lại không hề xảy ra mâu thuẫn”, luật sư Thơm chia sẻ.

Theo thông tin từ cơ quan điều tra thì ngay cả chồng hung thủ cũng chưa hề trách móc vợ. Anh này rất lo lắng cho vợ, vì biết vợ bị bệnh nên mới như thế. Mặc dù gia đình rất đau buồn, khổ sở nhưng cũng không kiện tụng, chỉ mong cơ quan chức năng xử lý hợp lý, hợp tình.  

Về quan điểm bảo vệ cho bị can Đỗ Thị Hạnh, luật sư Nguyễn Anh Thơm cho biết: “Tôi cũng thống nhất với cơ quan điều tra đưa bị can đi trưng cầu giám định tâm thần. Quan điểm bào chữa của tôi là nếu có căn cứ chứng minh cô ấy bị bệnh tâm thần, mất khả năng nhận thức thì sẽ đình chỉ vụ án. Trước đây, tôi cũng có tham gia bào chữa miễn phí cho một số vụ án tương tự và biết rằng, bản án về pháp luật không quan trọng bằng bản án về lương tâm của người mẹ, đó là sự mất mát quá lớn. Mặc dù chính họ ra tay giết con mình nhưng đó không phải ý muốn chủ quan, vì mắc bệnh, họ không còn đủ khả năng nhận thức và cũng không thể kiềm chế được hành vi của mình. Chẳng có một người mẹ bình thường nào lại đi sát hại chính đứa con mình mang nặng đẻ đau. Chỉ khi người mẹ đó bị bệnh.

Vì vụ án đang trong quá trình điều tra nên tôi mong rằng, cơ quan chuyên môn sẽ xác định rõ năng lực hành vi của người phụ nữ này để có biện pháp xử lý thích đáng. Thực tâm, tôi cũng tin là cô ấy phạm tội do mất khả năng nhận thức”.

Đồng tâm trạng với một người cũng đã làm chồng, làm cha, luật sư Thơm tiếp lời: “Nỗi đau này quá lớn, nhưng rất may mắn, trong vụ án này, cả người chồng đang công tác trong quân đội cũng như gia đình nhà chồng của cô ấy vẫn rất lo lắng, quan tâm đến vợ. Họ mất con, mất cháu nhưng họ biết chính bản thân Hạnh cũng mất đi đứa con của mình. Tuy nhiên, vì đứa trẻ đã thiệt mạng nên vụ việc vẫn phải được điều tra, làm rõ theo quy định.

Việc Hạnh được đưa đi giám định tâm thần là phù hợp và cần thiết. Với lương tâm nghề nghiệp, tôi sẽ làm hết trách nhiệm của mình để tìm ra công lý”.

Dương Nhung

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nguoi-phu-nu-nem-con-xuong-gieng-luat-su-bao-chua-roi-nuoc-mat-a187992.html