Mắc bệnh từ ruột gối, chăn quá cũ


Thứ 6, 24/11/2017 | 01:32


Nhiều gia đình chỉ quan tâm tới việc thay vỏ của gối, chăn, còn ruột chăn, gối thì tuyệt nhiên dùng cả chục năm trời không thay mới. Thói quen này có thể gây hại sức khỏe

Nhiều gia đình chỉ quan tâm tới việc thay vỏ của gối, chăn, còn ruột chăn, gối thì tuyệt nhiên dùng cả chục năm trời không thay mới. Thói quen này có thể gây hại sức khỏe vì tác dụng của nguyên liệu làm ruột gối, chăn.
 
Dùng từ đời con truyền sang đời cháu

Phóng viên ĐS&PL tiến hành khảo sát nhanh nhiều hộ gia đình ở quận 12, quận Gò vấp, quận Tân Bình, TP.HCM, tới 70 % hộ gia đình cho biết, có những ruột gối, chăn sử dụng nhiều năm nay không thay mới, chỉ thay vỏ bọc bên ngoài. Nhiều người còn cho hay họ không để ý tới ruột gối mua đã bao lâu, thỉnh thoảng đem phơi ruột và chỉ thay vỏ gối cũ, rách.

Tại nhà bà Trần Thu Hoài (ngụ Căn cứ 26, Q.Gò Vấp), những chiếc gối có ruột bằng bông tổng hợp đã ố vàng, có chỗ đen lại, và cả những chiếc gối có ruột tạp nham vật liệu như vải vụn, mút lót cầu vai áo, cổ áo… là phế liệu trong ngành may mặc.

Bà Hoài cho hay: “Một số gối sử dụng lâu lắm rồi, có gối từ thời các con tôi dùng nay lại đến các cháu dùng, vẫn tận dụng được thì chỉ cần thay vỏ gối bên ngoài, thường xuyên phơi ruột gối ra trời nắng là được”.

Ruột gối vón lại và chuyển màu do dùng quá lâu

Sinh bệnh từ ruột gối chăn cần thải bỏ

Để khuyến cáo, tư vấn rõ hơn đối với người tiêu dùng, phóng viên đã trao đổi với TS Bùi Mai Hương - Chủ nhiệm Bộ môn Kỹ thuật Dệt may, trường ĐH Bách khoa (TPHCM) về vấn đề trên.

Chất liệu bông nhân tạo dùng làm ruột gối, thú nhồi bông… có hạn sử dụng không, hay dùng bao lâu cũng được, thưa bà?

Từ trước đến nay không có quy định hạn sử dụng nào cho vật liệu trên, nên nó vẫn được sử dụng nhiều năm. Với bông gòn nhân tạo, khi không sử dụng vào các sản phẩm có tính ẩm, độ bụi bẩn cao thì không sao, nhưng khi nó được dùng làm nguyên liệu sản phẩm, đồ dùng phục vụ sinh hoạt hằng ngày như ruột gối, chăn thì đều bị bám bụi bẩn, đặc biệt là dễ bị nhiễm khuẩn từ không khí, mồ hôi,…Do đó nó có thể bị lão hóa, chỉ cần cắt ruột gối ra sẽ thấy rất rõ là bông gòn nhân tạo đã chuyển màu vàng hoặc ngà vàng. Đáng lo ngại nhất là ruột gối thành phần phế liệu từ ngành may mặc, hoặc bông gòn nhân tạo sản xuất từ nguồn nguyên liệu lẫn tạp, thì tốc độ lão hóa ngả màu của nó còn nhanh hơn nữa. Do đó, khuyến nghị chỉ nên sử dụng 2-3 năm phải thay mới ruột gối, chăn không nên để dùng quá lâu.

Việc tận dụng sử dụng những ruột gối, chăn trong thời gian nhiều năm như vậy, có gây hại gì tới sức khỏe không?

Do tính chất của vật liệu là hút nước, khó khô, nên hầu như không ai đem giặt chúng, và không phải hộ gia đình nào cũng có điều kiện đem sấy, hoặc mang ra tiệm hấp giặt, chỉ mang phơi nắng thì vẫn có thể gây các bệnh đường hô hấp, dị ứng, ngứa da, lâu dần thành bệnh mãn tính viêm hô hấp, hen suyễn, nhất là với cơ địa mẫn cảm…Chưa kể tới việc đem giặt ruột gối, chăn nhưng không thể phơi khô, lại vô tình tạo mầm nấm mốc phát tán gây bệnh. Khi bị dị ứng, hay viêm hô hấp thì lại không ai nghĩ tới nguyên nhân gây bệnh từ ruột gối, chăn cần thải bỏ.

 Những loại ruột gối, chăn như thế nào mới đạt chất lượng, dùng được lâu dài, tốt cho sức khỏe?

Tốt nhất là dùng gối có ruột sơ gòn đúng của cây bông gòn, hoặc sợi bông nhân tạo không thấm nước, nếu dùng cao cấp hơn nữa là bằng lông vũ. Tuyệt đối không nên sử dụng gối có ruột bằng mút xốp, vải vụn, không đảm bảo sức khỏe. Bằng cảm quan rất khó có thể nhận biết được ruột gối đó đúng là sơ gòn từ cây bông gòn, bởi bông gòn nhân tạo hiện nay có nhiều loại có độ trắng, bông, độ dai như nhau, còn sản phẩm bị lẫn tạp chất độc hại hoặc nguồn nguyên liệu không an toàn thì khó có thể nhận biết. Gối, chăn, đệm liên quan đến sức khỏe con người, liên quan đến không khí hít thở trong khi ngủ, do đó người tiêu dùng đừng quá ham rẻ với những sản phẩm chăn, gối lề đường, quảng cáo chất lượng cao nhưng giá rẻ đến không ngờ, có khi chỉ 20.000đ/cái gối. Nên biết chọn mua sản phẩm từ những hãng có uy tín trên thị trường.

Xin cảm ơn bà!

Bông gòn nhân tạo cũng được sản xuất như vải từ cenlulo, nhưng chúng có tính hút nước hơn và không bền. Chăn, gối, nệm bằng vải sợi hay vải tổng hợp, bằng bông nhân tạo hay bông tự nhiên,...khi làm nguyên liệu thì sản phẩm phải xử lý sạch, khô ráo, mềm. Sau một thời gian sử dụng chúng đều có thể bị nhiễm khuẩn từ không khí, đặc biệt là mồ hôi,...Do đó, trong quá trình sử dụng phải giặt, hấp, sấy khô. Có thể dùng gối có ruột nguyên liệu thảo dược từ một số vỏ hạt, tốt cho sức khỏe. PGS.TS Hồ Sơn Lâm -Viện Vật liệu ứng dụng, Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam

                                                                                             

                                           Quỳnh Hương

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/mac-benh-tu-ruot-goi-chan-qua-cu-a210540.html