Bắc Ninh: Phát hiện thêm 67 học sinh mắc sán lợn


Chủ nhật, 17/03/2019 | 11:42


Cùng sự kiện

Ngày 17/3, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương và Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng Trung ương cho biết đã phát hiện số trẻ bị nhiễm sán lợn đã lên 124 cháu.

Ngày 17/3, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương và Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng Trung ương cho biết đã phát hiện số trẻ bị nhiễm sán lợn đã lên 124 cháu.

Theo ông Nguyễn Quang Thiều - Phó Viện trưởng Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng Trung ương, Viện đã khám và xét nghiệm cho 692 trẻ đến từ huyện Thuận Thành – Bắc Ninh, phát hiện 75 trường hợp dương tính với sán lợn chỉ trong 2 ngày 15/3 và 16/3. Trước đó, ngày 12/3 và 14/3, Viện đã phát hiện 5 cháu bé ở xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành mắc sán lợn.

Lấy máu xét nghiệm cho trẻ tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương - Ảnh: Viettimes.

Còn tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, đã có hơn 800 trẻ đến khám, trong đó đã phát hiện 44 cháu mắc sán lợn trong số 200 cháu đã được xét nghiệm. Hiện Bệnh viện đang tiếp tục xét nghiệm cho gần 600 trẻ còn lại sau khi phát hiện một số trường hợp dương tính với cả sán chó, sán lá gan. Dự kiến, hết ngày 17/3, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương sẽ có các kết quả xét nghiệm.

Như vậy, đến ngày 17/3, 2 bệnh viện đã phát hiện 124 trẻ mắc sán lợn. Tuy số trẻ mắc sán lợn tăng cao nhưng các chuyên gia cho biết chưa đủ cơ sở để khẳng định đây là một vụ dịch.

Bất chấp chi phí đắt đỏ và phải đi lại xa xôi, nhiều phụ huynh vẫn tiếp tục đưa con đi khám tại Hà Nội vào sáng 17/3. Song số lượng này đã giảm hơn so với 2 ngày trước.

Theo bác sĩ Thiều, hiện tại, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương vẫn đang thực hiện điều tra sàng lọc bệnh nhân. Trường hợp dương tính sẽ được làm thêm xét nghiệm để xác định nhiễm sán trưởng thành hay ấu trùng sán.

Đối với người nhiễm sán trưởng, việc điều trị rất đơn giản, bệnh nhân sẽ được bác sĩ kê thuốc uống một lần để tiêu diệt sán.

Tuy nhiên, nếu nhiễm ấu trùng sán, việc điều trị sẽ khó khăn hơn, đặc biệt là sán ký sinh ở não, cơ. Khi đó, người bệnh sẽ phải điều trị làm nhiều đợt, mỗi đợt thường kéo dài 21 ngày.

“Trẻ có xét nghiệm ELISA dương tính với sán lợn sẽ phải tiến hành thêm các xét nghiệm khác để hỗ trợ và xác định bị nhiễm ấu trùng hay sán trưởng thành. Muốn biết ấu trùng sán có ký sinh ở não hay không, người bệnh phải chụp CT hoặc cộng hưởng từ”, bác sĩ Thiều cho biết.

Con số trẻ bị nhiễm sán lợn đang không ngừng tăng lên - Ảnh: Dân việt.

Được biết, Công ty Hương Thành - đơn vị cung cấp thực phẩm cho Trường mầm non Thanh Khương đã bị phụ huynh phát hiện sử dụng thịt có nhiễm sán lợn và thịt gà hỏng cho trẻ ăn bán trú - còn cung cấp cho 19 trường học khác trên địa bàn. Vì vậy, nhiều phụ huynh lo lắng, đổ dồn lên Hà Nội để xét nghiệm sán lợn cho con.

Trước đó, chiều 16/3, ông Nguyễn Nhân Chiến- Bí thư tỉnh Bắc Ninh đã chỉ đạo các ngành chức năng cùng vào cuộc và giao cho Sở Y tế phối hợp với các chuyên gia Bộ Y tế làm rõ nguyên nhân số trẻ mắc sán cao bất thường ở Thuận Thành.

Đặc biệt, ông Chiến đề nghị các ngành xem xét, hỗ trợ chi phí xét nghiệm cho toàn bộ các học sinh ăn thịt lợn của Công ty Hương Thành. Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh khẳng định sẽ kiên quyết làm rõ vụ việc.

Sán lợn nguy hiểm như thế nào?

Bác sĩ Nguyễn Ngọc Ánh, chuyên khoa Ký sinh trùng, cho biết nhiễm sán dây lợn (ấu trùng sán gạo heo) có thể xảy ra khi ăn thịt lợn sống, chưa nấu chín hoặc quản lý phân chưa tốt.

Bác sĩ Ánh phân tích sau khi lợn ăn phải ấu trùng sán, ấu trùng chui qua thành ruột vào hệ thống tuần hoàn và đi khắp cơ thể lợn. 24-72 giờ kể từ khi ăn phải, ấu trùng sẽ cư trú ở các mô liên kết hoặc các cơ, sau 2 tháng ấu trùng tạo thành một nang có vỏ bọc ngoài.

Lợn mắc ấu trùng sán được gọi là lợn gạo. Sau thời gian phát triển 2,5-4 tháng, ấu trùng có khả năng lây nhiễm.

“Nếu người ăn phải kén sán chưa chết vào dạ dày, dưới tác dụng của dịch vị, ấu trùng thoát khỏi vỏ kén để phát triển thành sán trưởng thành ký sinh ở ruột non. Thời gian hoàn thành chu kỳ khoảng 5-7 tháng. Tuổi thọ của sán dây lợn 20-30 năm, có thể rất lâu tới 70 năm”, bác sĩ Ánh thông tin.

Sán gạo heo là bệnh mạn tính có tổn thương ở da, cơ, não... Chúng có thể tồn tại trong cơ thể người rất lâu. Tùy từng vị trí sẽ có các biểu hiện khác nhau.

Ở da: Các nang nhỏ, bằng hạt đỗ hoặc hạt dẻ, tròn, chắc, không đau, di động trên nền sâu và lăn dưới da, màu da ở trên bình thường. U nang sán thường nổi ở mặt trong cánh tay, sau nhiều năm sẽ bị vôi hoá, lúc này có thể phát hiện được bằng X quang.

Ở não: Biểu hiện như một u nang trong não hoặc có thể gây nên nhiều triệu chứng lâm sàng đa dạng không đặc hiệu như tăng áp lực sọ não, cơn động kinh, suy nhược trí năng, rối loạn tâm thần. Bệnh nhân có thể bị liệt, có thể bị đột tử.

Ở mắt: Nang ấu trùng có thể nằm trong hốc mắt, mi mắt, trong kết mạc, thuỷ tinh thể, tiền phòng gây giảm thị lực hoặc bị mù tuỳ theo vị trí của ấu trùng trong mắt.

Ở cơ tim: Làm tim đập nhanh, tiếng tim biến đổi, bệnh nhân bị ngất xỉu.

Ấu trùng sán dây lợn sẽ ở dưới âm 20 độ C. Ở âm 20 đến O độ C, nó sống được gần 2 tháng và trong nhiệt độ phòng thí nghiệm sống được 26 ngày. Do đó, nếu muốn dùng thịt sống, người dùng phải ướp thịt ở âm 10 độ C trong 4 ngày mới bảo đảm. Nhiệt độ 50-60 độ C, ấu trùng sán sẽ chết sau 1 giờ.

Bác sĩ Ánh khuyến cáo người dân không ăn thịt lợn tái hoặc chưa nấu chín; nên ăn chín, uống sôi, ăn rau sống phải rửa sạch dưới vòi nước. Không nuôi lợn thả rông. Khi mua thịt ngoài chợ phải quan sát miếng thịt, nếu có các dấu hiệu lạ như nổi u, có đốm trắng, tuyệt đối không mua. Bệnh nhân nghi nhiễm sán cần được khám và điều trị càng sớm càng tốt.

Minh Minh (T/h)

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/bac-ninh-phat-hien-them-67-hoc-sinh-mac-san-lon-a266886.html