+Aa-
    Zalo

    Chế tài nào xử lý hội, nhóm “anti vắc-xin”?

    ĐS&PL Điều mà dư luận quan tâm, ai sẽ “quản” những hội, nhóm đăng thông tin sai lệch, có động cơ xấu, đi ngược lại mục tiêu tiêm chủng mở rộng quốc gia?

    Khuynh hướng anti vắc-xin xuất hiện từ lâu và gần đây tiếp tục rộ lên, lan truyền theo tâm lý đám đông, nó làm cho nhiều bậc phụ huynh nhất quyết không chịu cho con tiêm ngừa. Điều mà dư luận quan tâm, ai sẽ “quản” những hội, nhóm đăng thông tin sai lệch, có động cơ xấu, đi ngược lại mục tiêu tiêm chủng mở rộng quốc gia?

    Những thông tin một chiều

    “Anti vắc-xin”, cụm từ đang khiến ngành y tế đau đầu, bởi nó có thể khiến nỗ lực ngăn ngừa bệnh nguy hiểm của ngành y tế trở nên khó khăn hơn.

    Theo tìm hiểu của PV, trên trang face- book “Vaccine nên hay không?” đã đưa ra rất nhiều topic liên quan đến vấn đề tiêm chủng khiến các bậc phụ huynh đắn đo suy tính.

    Nhiều trẻ bị viêm não Nhật Bản vì phụ huynh không tiêm vắc-xin cho con.

    Bên cạnh việc đưa ra topic: “CDC đã chỉ ra rằng: Sự lây lan bệnh sởi phát triển mạnh trong những cộng đồng đã tiêm vắc-xin, 95% trường hợp lây sởi đều từ những người đã tiêm vắc-xin”, trang facebook này còn dẫn chứng bài viết mang tính “định hướng” với nội dung: “Sởi, mặc kệ sởi”. Theo đó, nick- name Manh Cuong Nguyen viết: “... Trên thực tế, tổ chức y tế thế giới WHO đã cảnh báo nguy cơ biến thể của vi rút sởi (mạnh hơn vi rút sởi 15 lần) có xu hướng xuất hiện nhiều hơn trên các cơ thể đã tiêm vắc-xin, so với các cơ thể không tiêm vắc-xin”...

    Cũng trên trang facebook “Vaccine nên hay không?”, ngay sau khi các chuyên gia y tế có khuyến cáo chị em phụ nữ tiêm HPV thì trên trang này đã “đính kèm” bài viết: “Nhiều thiếu nữ Nhật gặp tai biến sau tiêm vắc-xin”. Bài viết dẫn chứng, gia đình của 8 nạn nhân gặp tai biến sau khi tiêm hai loại vắc-xin ngừa ung thư cổ tử cung và đòi tẩy chay vắc-xin.

    Trên một nhóm có xu hướng cổ vũ việc “Anti vắc-xin” khác đã đăng tải thông tin: “5 lý do để bạn chọn sởi thay vì nguy cơ tự kỷ đang phổ biến và không được quảng cáo trên ti vi”. Chủ topic dẫn lại dịch sởi 2014 và cho rằng nếu tiêm chủng an toàn thì cần gì phải đối phó với lực lượng ngày càng đông những người phản đối tiêm chủng?

    Những câu chuyện “mồi” của thành viên kiểu như “Cứ tiêm vắc-xin đi rồi cái đứa chết yểu là con trẻ, các mẹ có chịu không?" được đưa lên là lập tức có hàng nghìn chia sẻ. Kèm theo đó là các bình luận cực đoan “chích nhỡ có chuyện gì là xong đời” hay “chích làm gì... Xưa ông bà nuôi có tiêm chủng gì đâu mà tụi mình cũng phây phây ra đây này”.

    Trước thực trạng trên, nhiều bác sĩ chuyên khoa đã phải lên tiếng và cho rằng, đó là sự ấu trĩ, nhiều bà mẹ đang tự tay đẩy con mình đến cái chết. BS.Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm thần kinh, bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM nêu quan điểm: “Những người lập hội, nhóm Anti vắc-xin là tội đồ với dân tộc!”.

    “Tội ác” chưa có chế tài xử phạt?

    Theo BS.Khanh, hơn 20 năm làm trong ngành nhiễm, ông thấu hiểu tầm quan trọng của vắc-xin. Nhìn thấy một đứa trẻ ho gà ho sặc sụa xanh mặt; nhìn một đứa trẻ bị viêm màng não đến yếu tay yếu chân hay thậm chí động kinh; một đứa trẻ mắc bạch hầu viêm cơ tim phải sống đời sống thực vật... mới có thể hiểu được nỗi đau của việc không tiêm vắc-xin nặng nề như thế nào.

    Trao đổi với PV báo ĐS&PL, ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng vụ Pháp chế, bộ Y tế chia sẻ: “Thực tế là hiện nay chưa có chế tài nào xử lý được thực trạng nguy hiểm này. Các diễn đàn, các mạng xã hội, các fanpage đưa các thông tin một chiều mang tính tiêu cực về vắc-xin hoặc các vấn đề liên quan đến sức khỏe thì lại được điều chỉnh bởi các quy định về thông tin xuất bản, mạng xã hội, còn bộ Y tế không có quy định chuyên môn nào về vấn đề này.

    Tôi thấy rất nhiều thông tin bài viết liên quan đến sức khỏe, vắc-xin không có bằng chứng khoa học và thậm chí là vô lý nhưng vẫn được chia sẻ ầm ĩ. Những người chia sẻ thông tin này chỉ là những “anh hùng bàn phím”, bình luận loạn cả lên như chuyên gia nhưng kiến thức thì nông cạn.

    Một thực tế không thể phủ nhận là tỷ lệ bệnh tật của Việt Nam đã giảm và khá hơn rất nhiều các nước đang phát triển khác chính là thành quả của công tác tiêm chủng. Các phụ huynh cứ anti vắc -xin là rước họa cho chính con cái mình”.

    Ông Quang chia sẻ thêm: “Nhiều phụ huynh dùng smartphone nhưng nói thật tôi chẳng thấy họ thông minh đâu mà chỉ thấy sự nông cạn trong hiểu biết. Tôi nghĩ chính các bà mẹ đọc các thông tin tiêu cực, các bài viết “mồi” kể lể trên các diễn đàn liên quan đến sức khỏe phải cảnh giác bởi chắc gì người viết đã có con”.

    Cùng quan điểm là còn hạn chế trong việc xử lý vấn đề trên, LS.Phạm Văn Phất (đoàn Luật sư Quảng Ninh) cho biết, các hội, nhóm có xu hướng anti vắc-xin hiện nay đang thiên về đưa thông tin một chiều, lấy sự cố về vắc- xin để nhiều người có cách nhìn sai lệch về nó. Vì vậy, cần xem động cơ đăng tải thông tin của họ là gì? Việc đưa thông tin một chiều, dẫn lại báo chí thì không có chế tài nào xử lý. Còn với những người có hành vi tung tin đồn thất thiệt có thể bị xử lý riêng theo quy định của pháp luật trong từng lĩnh vực cụ thể. Tuy nhiên, các nhóm, trang mạng xã hội “chọn” đưa các bài tiêu cực và phần “nguy hiểm” nhất lại là ở các bình luận, chia sẻ cực đoan. Chính vì thế việc xử lý cũng không đơn giản.

    Thơm Lan

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/che-tai-nao-xu-ly-hoi-nhom-anti-vac-xin-a196855.html
    Sự kiện: Y tế sức khỏe
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    vtc.vn
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan