Những cách làm đẹp không ngờ của phụ nữ thời xưa


Chủ nhật, 12/11/2017 | 07:26


Cùng sự kiện

Thời nào phụ nữ cũng có thể vì làm đẹp mà cắn răng chịu mọi đau đớn, khó khăn bất tiện thậm chí nguy cơ bị tàn tật, mất mạng chỉ vì đạt được vẻ đẹp theo đúng chuẩn.

Từ Tây sang Đông, thời nào phụ nữ hầu như cũng có thể vì làm đẹp mà cắn răng chịu mọi đau đớn, khó khăn bất tiện thậm chí nguy cơ bị tàn tật, mất mạng chỉ vì đạt được vẻ đẹp theo đúng chuẩn.

Tục bó chân của người Trung Quốc

Được manh nha từ thời nhà Tống nhưng phổ biến nhất ở thời nhà Thanh, tục bó chân của người Trung Quốc được xem là phương thức làm đẹp dã man nhất đối với người phụ nữ. Chỉ vì "tam tấc kim liên" mà người ta có thể khiến một cô gái trở thành kẻ tàn tật bằng cách bẻ cong làm gãy xương chân từ khi còn rất nhỏ rồi bó chặt khiến xương ngón chân chạm tới gót chân.

Cô gái sau đó sẽ mất khả năng lao động nặng, đi lại hạn chế thậm chí đứng lên cũng rất khó nên điều này chỉ áp dụng cho giới quý tộc, nhà giàu có người hầu hạ.

Chỉ vì làm vui lòng những người đàn ông, những phụ nữ bó chân phải chịu bao đau đớn khổ sở, biến chứng nhiễm trùng thậm chí mất cả mạng sống. Hủ tục nãy đã bị nghiêm cấm sau năm 1949.

Ngày nay, người ta chỉ còn thấy những chứng tích ít ỏi của tập tục này trên bàn chân của một số bà cụ già.

Nhuộm răng đen

Nhuộm răng là một trong những phong tục xưa của nhiều dân tộc ở Đông Á, như Việt Nam, Nhật Bản, Malaysia và miền Nam Trung Quốc. Nhưng phổ biến nhất vẫn là ở Việt Nam.

Nếu như thời nay một hàm răng chắc khoẻ và trắng bóng là chuẩn mực của cái đẹp thì thời trước lại chuộng hàm răng đen bóng. Nhuộm răng là tục cổ của dân tộc Việt, có từ thời Hùng Vương cùng với tục ăn trầu đã trở thành nét văn hóa đặc trưng của bộ tộc người Việt để phân biệt với các sắc dân khác.

Không chỉ người Việt mới có tục nhuộm răng mà các dân tộc khác như Mường, Thái, Si La... cũng có tục này nhưng mỗi nơi, mỗi dân tộc đều có cách nhuộm răng khác nhau về ý nghĩa, thời gian, cách nhuộm và chất liệu sử dụng.

Biểu tượng sắc đẹp của thời ấy chính là da trắng, răng đen. Nên các cô gái rất chuộng hàm răng có màu đen này. Cô nào có răng càng đen, càng bóng và nước da càng trắng thì càng được các đáng mày râu theo đuổi.

Quá trình nhuộm răng đen và gìn giữ hàm răng ấy cũng rất công phu và mất công

Tục nhuộm răng từ đó đã trở thành một nét văn hóa không thể thiếu trong cộng đồng người Việt. Ai không nhuộm răng thì nhất định bị coi là đi ngược lại tập tục và không được đón nhận. Những người không nhuộm răng thì không được đến cưới hỏi.

Còn ở Nhật Bản người phụ nữ Nhật Bản lại nhuộm răng đen để được xem là một biểu tượng của vẻ đẹp và sự cam kết trong hôn nhân ở suốt thế kỷ thứ 19

Móng tay dài thời nhà Thanh

Móng tay người phụ nữ thời xưa càng dài càng chứng tỏ họ có một cuộc sống vô cùng sung túc và giàu sang

Nếu như những thợ làm móng xuất hiện ở thời nhà Thanh ắt hẳn sẽ có công ăn việc làm vô cùng bận rộn nhưng cũng không kém phần vất vả. Bởi cả đàn ông và phụ nữ thời nhà Thanh đều để móng tay dài tới 20 – 25 centimet.

Nhiều phụ nữ còn đeo móng vàng ở ngoài để bảo vệ bộ móng thật không mấy gọn gàng bên trong. Móng dài chứng tỏ họ đủ giàu có để không phải lao động chân tay, thậm chí có người hầu thay quần áo và phục vụ ăn uống.

Ép ngực cho phẳng thời trung cổ

Thời trung cổ ở Châu Âu, những đặc điểm giới tính nữ bị coi là đồi trụy và thiếu đạo đức, một điều cấm kị với tôn giáo. Vì vậy những phụ nữ đức hạnh cần phải che dấu bộ ngực của mình. Thay vì để nó phát triển tự nhiên, họ phải mặc những loại áo ngực bó cho nó phẳng bớt đi.

Thậm chí có những thiếu nữ quý tộc ở Tây Ban Nha còn phải đeo những tấm kim loại trước ngực nhằm hạn chế sự phát triển tự nhiên của bộ ngực.

Vầng trán cao và đôi mắt không lông mi

Bạn đã bao giờ bạn xem những bức họa thời Phục hưng và tự hỏi sao phụ nữ thời ấy trông là lạ? Không riêng gì bạn, hầu hết mọi người đều nhận thấy như vậy. Đó là do vầng trán của họ. Độ cao và rộng của trán là một chỉ số quan trọng của vẻ đẹp. Nhiều phụ nữ cạo bớt phần tóc phía trước để tăng kích thước trán. Cho nên, không phải thời ấy người ta bị hói đầu, mà cố ý để được như vậy.

Chưa hết đâu, quan sát kĩ hơn chút bạn sẽ phát hiện các cô gái thời kỳ này còn không có lông mi, lông mày. Thời bấy giờ, lông mi bị coi như là một biểu tượng của sự vô đạo đức, nên phụ nữ thường nhổ sạch chúng.

Cổ dài

Một số dân tộc thiểu số ở châu Á và châu Phi vẫn duy trì kiểu làm đẹp kéo dài cổ nhờ những chiếc vòng đồng. Do ảnh hưởng của cách làm đẹp này, cổ của những người phụ nữ này yếu ớt đến mức không nâng nổi đầu và gần như sẽ gãy cổ nếu tháo bộ vòng ra.

Ngực ngăn đôi lên ngôi vào thế kỉ 19

Thay vì chèn ép vòng 1, thời này phụ nữ lại "chia đôi cơn mơ" vòng 1

Áo nịt ngực là sản phẩm làm đẹp nổi tiếng và thông dụng nhất suốt từ thế kỉ 16 đến 19 giúp chị em có thể khoe đôi gò bông đào hấp dẫn với thiết kế bó sát đến ngạt thở. Nhưng từ thế kỉ 19, áo ngực bắt đầu được cải tiến và tạo ra một phong cách mới không kém phần lạ lùng: Ngăn đôi gò bồng đào thành hai phần cách nhau càng xa càng tốt.

Hàm răng ngắn tỏa nắng trong thời kì Phục hưng

Người bấy giờ lại thấy những hàm răng này hay hay theo một cách nào đó

Nhiều quan niệm về vẻ đẹp nổi lên trong thời Phục hưng vẫn còn quen thuộc với chúng ta đến tận bây giờ như chân dài, hông rộng, eo thon… Nhưng có một xu hướng chúng ta khó mà "yêu" nổi: răng ngắn. Người bấy giờ yêu thích những nụ cười với một hàm răng được mài ngắn cũn cỡn trong khi ở thời hiện tại răng thỏ lại là mốt răng được lên ngôi và ưa chuộng.

Đôi má phúng phính thời nhà Đường

Đôi má phúng phính được tô điểm thật hồng thế này khiến các chàng trai thời Đường "say như điếu đổ".

Những cô gái khuôn mặt Vline hay L-line ắt hẳn sẽ khóc ròng, còn các cô nàng phúng phính sẽ mừng thầm biết mấy nếu sống ở thời nhà Đường. Ở Trung Quốc thời nhà Đường (618 – 907), những phụ nữ có khuôn mặt tròn trịa, bầu má phúng phính mới được coi là đẹp nhất.

Vòng eo càng bé càng tốt

Để có được vòng eo con kiến, phụ nữ thời xưa không quản đau đớn và thậm chí là khó thở.

Thời trang phụ nữ thời kì Edward tập trung tôn vinh cơ thể trưởng thành của người con gái. Họ sử dụng áo nịt để tạo ra thân hình đồng hồ cát. Tuy nhiên, một số loại áo bó quá chặt, quá sát gây khó thở cho người mặc, thậm chí dồn ép các cơ quan nội tạng gây chảy máu trong. Người mặc đi đứng khó được tự nhiên, thậm chí bị để lại những hậu quả lâu dài.

Những hủ tục làm đẹp không phù hợp qua thời gian đã bị loại bỏ. Phụ nữ ngày càng được giải phóng về mặt hình thể và họ đang hướng tới cách làm đẹp theo xu hướng tự nhiên, gợi cảm và thoải mái nhất. Tuy vậy, tinh thần hy sinh vì cái đẹp của họ thì vẫn "bất hủ với thời gian".

Bằng chứng là các cô gái chàng trai thời nay có thể cam chịu những cuộc phẫu thuật thẩm mỹ đẽo xương gọt da đầy đau đớn, cùng nhiều biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra nhằm sở hữu những đường nét đẹp hoàn mỹ.

Minh Minh (T/h)

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nhung-cach-lam-dep-khong-ngo-cua-phu-nu-thoi-xua-a208865.html