+Aa-
    Zalo

    Sai phạm tại phòng khám tư: “Con voi chui lọt lỗ kim”

    ĐS&PL Mỗi khi rủi ro y khoa xảy ra tại các cơ sở y tế tư nhân không phép như trong vụ ở Hưng Yên, cơ quan chức năng mới giật mình nhập cuộc và loay hoay xác định trách nhiệm.

    Hàng chục trẻ bị sùi mào gà sau khi cắt bao quy đầu tại một cơ sở y tế tư ở Hưng Yên có lẽ là thông tin y tế nóng nhất tuần qua. Phòng khám không phép, chủ cơ sở chỉ có chứng chỉ về… bông băng vẫn ung dung hành nghề mà cơ quan chức năng không hay biết.

    Khi rủi ro y khoa xảy ra, họ mới giật mình… nhập cuộc và loay hoay xác định trách nhiệm. GS. TS Đặng Hanh Đệ - nguyên Chủ nhiệm bộ môn Ngoại, trường ĐH Y Hà Nội thẳng thắn đặt câu hỏi: Vậy, với những trường hợp này, trách nhiệm thuộc về ai?

    GS. TS Đặng Hanh Đệ - nguyên Chủ nhiệm bộ môn Ngoại, trường ĐH Y Hà Nội.

    PV: Sự việc 39 trẻ bị sùi mào gà ở Hưng Yên không phải lần đầu tiên phát lộ sai phạm tại các phòng khám tư. Giáo sư đánh giá như thế nào về thực trạng cơ sở y tế tư nhân hiện nay ở nước ta?

    Các bác sĩ bệnh viện da liễu đang chăm sóc cho trẻ bị sùi mào gà ở Hưng Yên.

    GS. TS Đặng Hanh Đê: Trước tiên, nhắc tới sự việc phòng khám tư nhân ở Hưng Yên đang là nghi vấn nhiều nhất cho việc hàng chục trẻ em ở tỉnh này bị sùi mào gà. Hiện, chưa thể kết luận có đúng là hoạt động cắt bao quy đầu cuả cơ sở này đã khiến các trẻ em đó bị như thế hay không.

    Tuy nhiên, những sai phạm ban đầu được phát hiện cũng cho thấy bất cập trong công tác quản lý hoạt động cuả các cơ sở y tế tư nhân tại địa phương. Trong khi đó, không ít người dân thiếu hiểu biết vẫn tìm đến các cơ sở không phép để điều trị. Từ đó, tôi mở rộng vấn đề ra các cơ sở y tế tư nhân khác. Việc mở phòng khám tư đã có từ lâu và Nhà nước cho phép. Tuy nhiên, Nhà nước đã cho phép thì phải kiểm tra xem cơ sở đó có đủ điều kiện để mở và hoạt động hay không.

    Thực tế cho thấy, bên cạnh những cơ sở chất lượng vẫn còn những cơ sở “chui” cả trong lĩnh vực Đông lẫn Tây y. Và, khi bị báo chí phanh phui mới vỡ lẽ, những cơ sở như thế hoạt động tấp nập, đón nhiều lượt khách mỗi ngày nhưng chính quyền địa phương lại... không biết gì. Trong khi chúng ta đã từng biết tới câu chuyện, ở một tỉnh vùng núi, người dân chưa xây chuồng gà mà chính quyền địa phương còn biết. Vậy trách nhiệm thuộc về ai? Tôi xin trả lời, trách nhiệm này thuộc về Thanh tra sở Y tế địa phương đó. Bởi lẽ, cơ sở y tế tư nhân đâu phải con kiến để có thể... “chui”. Bên cạnh đó, một vấn đề chúng ta cũng phải đặt ra đó là yếu tố bác sĩ nước ngoài trong các cơ sở y tế tư nhân.

    PV: Như Giáo sư nói, vấn đề hành nghề của các bác sĩ nước ngoài tại một số cơ sở y tế tư nhân cũng đang bộc lộ không ít vấn đề. Vậy, Giáo sư có thể chia sẻ sâu hơn những băn khoăn của mình về yếu tố nước ngoài tại các cơ sở y tế tư nhân ở nước ta hiện nay?

    GS. TS Đặng Hanh Đệ: Thực tế vẫn tồn tại những cơ sở đầy đủ giấy phép hoạt động nhưng lại xuất hiện yếu tố bác sĩ nước ngoài không đủ điều kiện hoạt động. Lúc đó, ai đứng ra mở cơ sở khám chữa bệnh thì phải chịu trách nhiệm và phải trả lời câu hỏi mà nhiều người quan tâm: “Tại sao lại cho những người ấy vào khám, chữa bệnh?”. Thật ra, những cơ sở như thế không phải quá nhiều nhưng “con sâu làm rầu nồi canh”. Hậu quả để lại người bệnh phải chịu khi tâm lý của họ vẫn là “có bệnh thì vái tứ phương”. Quay trở lại câu chuyện của những trẻ em bị sùi mào gà ở Hưng Yên, chúng ta không thể biết được tương lai các em rồi sẽ như thế nào.

    PV: Nếu để chia sẻ về chữ “Tâm” trong ngành y đối với các cơ sở khám chữa bệnh tư nhưng lại không đăng ký giấy phép hoạt động, Giáo sư muốn chia sẻ điều gì?

    GS. TS Đặng Hanh Đệ: Những người đó, họ cũng hoạt động trong ngành y nhưng lại không có tâm với người bệnh cũng như với chính ngành nghề mình đang gắn bó, họ coi trọng đồng tiền hơn cả. Tôi nhấn mạnh lại, các cơ sở y tế tư nhân muốn hoạt động chân chính phải đăng ký với chính quyền địa phương và chịu sự quản lý của họ.

    PV: Xin cảm ơn Giáo sư về cuộc trò chuyện này!

    LUẬT SƯ PHẠM CÔNG ÚT, GIÁM ĐỐC CÔNG TY LUẬT PHẠM NGHIÊM, ĐOÀN LUẬT SƯ TP.HCM:

    Làm rõ trách nhiệm quản lý của sở Y tế địa phương

    Chủ trương xã hội hóa ngành y tế là điều tốt, giải cứu cho hoạt động y tế khám chữa bệnh mang tính bao cấp. Điều đó được xã hội đồng tình và nó thể hiện qua sự sống còn của các cơ sở y tế tư nhân.

    Hiện nay, các cơ sở y tế tư nhân phát triển như nấm sau mưa thể hiện nhu cầu có thật của người bệnh. Họ không muốn xếp hàng dài, không muốn nằm 2 - 3 người chung 1 giường bệnh, không muốn nằm ở những bệnh viện với trang thiết bị y tế lạc hậu, dịch vụ chăm sóc bệnh nhân không tốt khiến họ không an tâm... Y tế tư nhân nở rộ, những bệnh viện tư, những cơ sở y tế khám, chữa bệnh tư nhân xem khách hàng là thượng đế chứ không phải sự ban phát, nên người bệnh trả tiền thỏa đáng theo sự chăm sóc đó. Tất nhiên trong y khoa, trên thế giới lúc nào cũng có tai biến, rủi ro, có thể là một phần rất nhỏ.

    Thông tin trên báo chí cho thấy, có nhiều cơ sở khám chữa bệnh không phép, trong đó nhiều hơn là phòng khám Đông y ở khu vực phía Bắc. Trách nhiệm quản lý ở đây thuộc về sở Y tế địa phương và chính quyền sở tại - nơi cơ sở y tế tư nhân đó hoạt động. Họ phải chịu trách nhiệm cho việc để những loại hình khám chữa bệnh tư nhân không giấy phép nhưng vẫn hoạt động, trưng bảng hiệu rất to, hoành tráng và thu hút nhiều người tới khám chữa bệnh.

    Nguyễn Huệ

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/sai-pham-tai-phong-kham-tu-con-voi-chui-lot-lo-kim-a197368.html
    Sự kiện: Y tế sức khỏe
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    vtc.vn
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan