Trị bệnh khớp bằng Đương Quy – hiệu quả bất ngờ!


Thứ 3, 21/08/2018 | 03:19


Đương Quy là một dược liệu quý, có tác dụng rất lớn trong việc hỗ trợ điều trị các bệnh đau nhức xương khớp, phong tê thấp… Đồng thời được dùng nhiều trong các đơn thuốc

Đương Quy là một dược liệu quý, có tác dụng rất lớn trong việc hỗ trợ điều trị các bệnh đau nhức xương khớp, phong tê thấp… Đồng thời được dùng nhiều trong các đơn thuốc bổ, có thể coi như là nhân sâm dành cho vẻ đẹp của phụ nữ. Để hiểu thêm về công dụng chữa bệnh xương khớp hiệu quả của Đương Quy cũng như một số công dụng khác, mời quý vị tham khảo bài viết sau.

1. Đặc điểm chung của Đương Quy

Cây Đương Quy còn được gọi là Tần Quy, Can Quy. Tên khoa học là: Anglelica sinensis (Oliv) Diels, thuộc họ hoa tán: Apiacaeae (Umbellierae).    Đây là 1 loại cây nhỏ, sống lâu năm, cao khoảng 40 đến 80 cm, thân cây có màu tím và có rãnh dọc. Lá cây mọc so le nhau, 2 đến 3 lần xẻ lông chim, cuống dài khoảng 12 cm, ba đôi lá chét – đôi lá chét phía dưới có phần cuống dài, đôi lá chét nằm phía trên đỉnh không có cuống; lá chét lại xẻ 1 đến 2 lần nữa, phần mép có răng cưa, phía dưới cuống phát triển dài gần bằng nửa cuống, ôm lấy thân.

Hoa Đương Quy rất nhỏ, có màu xanh trắng hợp thành cụm hoa hình tán kép gồm có 12 đến 40 hoa. Hoa của bông trung tâm sẽ nở trước, tiếp sau đó lần lượt đến các hoa ở cành cấp một, cấp hai, cấp ba. Các cấp cành nở hoa thường cách nhau từ 4 đến 6 ngày. Mùa hoa Đương Quy vào khoảng tháng 3 đến 4. Mùa quả thường vào khoảng tháng 6 đến tháng 7. Quả bế đôi, có hình thuôn dài (khoảng 4 đến 5 mm), hẹp dần về phía gốc. Tâm bì có gân, có 4 đến 5 ống dẫn ở phần lưng, 4 chiếc ở mặt bụng. Rễ đương quy là dạng rễ cọc – có rễ phụ, toàn thân có mùi thơm khá đặc biệt.

Đương Quy được sử dụng đầu tiên ở Trung Quốc, cây thường phát triển ở các vùng núi có độ cao từ 2000-3000m, nơi khí hậu ẩm mát. Ở Việt Nam Đương Quy được trồng vào đầu những năm 60. Hiện nay cây được trồng nhiều ở các tỉnh vùng Tây Bắc như: Lào Cai, Hòa Bình, Lai Châu và ở Tây Nguyên như: Đà Lạt (Lâm Đồng).

Bộ phận dùng và phương pháp chế biến: Rễ đào vào cuối thu. Loại bỏ rễ xơ rễ được chế biến hoặc xông khói với khí sufur và cắt thành lát mỏng. Cây Đương Quy thu hoạch về sẽ được cắt bỏ phần lá, giữ lại phần rễ, phơi khô hoặc sao khô để sử dụng.

Có thể sử dụng các bộ phận của Đương Quy để trị bệnh như: Lấy một phần phía đầu; Bỏ đầu và đuôi ; Lấy phần rễ nhánh.

Đương Quy có chứa nhiều tinh dầu (0.02%) và các loại vitamin như: vitamin B12, vitamin nhóm B, vitamin E, vitamin A rất tốt cho sức khỏe. Trong đó, vitamin B12 đóng vai trò trong các hoạt động của các tế bào xương, hình thành xương và sản xuất tế bào máu đỏ, tất cả đều ảnh hưởng sức khỏe của xương.

2. Đương Quy có tác dụng gì? Một số bài thuốc tốt từ Đương Quy

Theo Đông y, Đương Quy có vị ngọt cay, tính ôn, vào 3 kinh: tâm, can, tỳ có tác dụng trị đau nhức xương khớp, bổ huyết, hoạt huyết, nhuận táo, hoạt trường, điều huyết…

  • Chữa đau nhức xương khớp

– Bài thuốc 1: Đương Quy 12g, Độc Hoạt 12g, Khương Hoạt 12g, Thiên Niên Kiện 10g, Hồng Hoa 8g, Tô Mộc 12g, Nhục Quế 8g, Tần giao 12g, Huyết Giác 12g, Ngải Cứu 6g, Mộc Qua 10g. Các vị tán vụn, ngâm với 1000 ml rượu trắng, sau 7 ngày là có thể dùng được. Chỉ dùng để xoa ngoài khớp hoặc nơi đau, không được uống.

– Bài thuốc 2: Hồng Hoa 12g, Đào Nhân 20g, Xuyên Khung 50g, Đương Quy 50g, Thảo Ô 20g, hạt tiêu 50g. Các vị tán vụn, ngâm với 1000 ml rượu trắng, sau 3 ngày thì dùng được. Chỉ dùng để xoa ngoài khớp hoặc nơi đau mà da không có tổn thương, tuyệt đối không được uống.

– Bài thuốc 3: Hồng Hoa 6g, Đào Nhân 6g, Nhũ Hương 6g, Đương Quy 12g, Sinh Nam Tinh 12g, Sinh Bán Hạ 12g, Sinh Xuyên Ô 9g, Khương Hoạt 9g, Độc Hoạt 9g, Bạch Giới tử 3g, Băng Phiến 3g, Tế Tân 4,5g, Tạo Giác 4,5g. Các vị tán vụn, ngâm với 1000 ml rượu trắng trong bình kín, sau 7 – ngày là có thể dùng được. Chỉ dùng để xoa ngoài khớp hoặc nơi đau mà da tại chỗ không có tổn thương. Tuyệt đối không được uống.

– Bài thuốc 4: Khương Hoạt 15g, Độc Hoạt 15g, Quế Chi 15g, Tần Giao 15g, Đương Quy 15g, Dây Đau Xương 15g, Nhũ Hương 15g, Một Dược 15g, Mộc Hương 15g, Tang Chi 30g. Các vị tán vụn, ngâm với 1500 ml rượu trong bình kín, sau 7 ngày thì dùng được. Dùng để xoa ngoài khớp hoặc nơi đau, không được uống.

  • Chữa viêm đa khớp

– Bài thuốc 1: Đương Quy 16g, Dây Chiều 12g, Cỏ Xước 16g, Thục Địa 16g, Tật Lê 10g, Kê Huyết Đằng 12g. Những vị thuốc trên ngâm trong 3l rượu, ngâm trong vòng 20 ngày. Ngày uống 3 lần, mỗi lần 1 ly nhỏ.

– Bài thuốc 2: Đương Quy 16g, Dây Chiều 12g, Cỏ Xước 16g, Thục Địa 16g, Tật Lê 10g, Kê Huyết Đằng 12g, Lạc Thạch Đằng 12g, Ngưu Tất 12g, Ý Dĩ 16g, Phòng Phong 10g, Thương Truật 10g, Ngũ Gia Bì, 10g, Lạc Tiên 10g. Sắc uống ngày 1 thang.

– Bài thuốc 3: Đương Quy, Tục Đoạn, Thục địa, Bạch Thược, Đảng Sâm, Tần Giao, mỗi vị 10g. Rễ Cỏ Xước 15g, Độc Hoạt 12g, Tang Ký Sinh 16g, Dây Đau Xương 16g. Tất cả các vị sắc với 700ml nước, còn 200ml. Uống trong ngày, nên uống khi thuốc còn ấm. Dùng trong 15 ngày. Lưu ý: Không dùng cho người có thai.

  • Đau do chấn thương ngoài:

Dùng phối hợp Đương Quy với Hồng Hoa, Táo Nhân, Nhũ Hương và Một Dược.

  • Ứ trệ phong thấp

Dùng phối hợp Đương Quy với Quế Chi, Kích Huyết Đằng và Bạch Thược.

Đương Quy 12g, Quế Chi 8g, Thương Thuật 10g, Cúc Hoa 6g, Ngưu Tất 10g, nước vừa đủ sắc còn 1/3, chia uống 2 lần sáng và tối trước khi đi ngủ.

  • Trị vấp ngã gây đau:  

Đương Quy 12g, Tục Đoạn 10g, Ngưu Tất 10g, Đỗ Trọng 12g, Địa Hoàng 10g, vảy sừng hươu 2g, quế bột một thìa cà phê, nước vừa đủ, sắc uống nóng.

  • Trị bại liệt tứ chi và đau cột sống:  

Đương Quy 40g, Tế Tân 4g, Tục Đoạn 12g, Đỗ Trọng 12g, Độc Hoạt 12g, Lưu Kỳ Nô 8g, Chỉ Xác 12g, Cam Thảo 4g, nước 300ml, sắc còn 100ml, uống 2 lần sáng và tối.

3. Cao khô Đương Quy chữa bệnh gì?

Cao khô Đương Quy có màu nâu, nâu nhạt, thường được sử dụng theo tỷ lệ chiết xuất. Chức năng chính của cao khô Đương Quy:

– Hoạt huyết, dưỡng huyết, tăng cường sinh lý.

– Chữa kinh nguyệt không đều, đau bụng khi thấy kinh. bế kinh, hoặc ứ huyết sau sinh.

– Giảm đau: đau bụng, đau khớp

Cao khô Đương quy  được ứng dụng rộng rãi trong các sản phẩm hiện đại. Chúng được sử dụng để sản xuất:

– Dược phẩm.

– Thực phẩm chức năng.

4. Lưu ý khi sử dụng Đương Quy

Chú ý sử dụng:  Đầu rễ có tác dụng bổ máu hơn. Phần cuối rễ tốt cho hoạt huyết. Phần thân rễ: hoạt huyết và bổ máu. Khi dùng phối hợp Đương Quy với rượu có thể làm tăng tác dụng bổ máu. Không dùng Đương Quy cho các trường hợp thấp quá mức ở tỳ và vị và ỉa chảy hoặc phân lỏng.

Trên đây là những thông tin cần thiết về đặc điểm cũng như tác dụng chữa bệnh của Đương Quy. Hy vọng bài viết sẽ hữu ích đối với mọi người.

Chuyên gia cơ xương khớp

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tri-benh-khop-bang-duong-quy-hieu-qua-bat-ngo-a240992.html