Vui ăn Tết, bạn đừng quên những bệnh thường gặp này!


Thứ 2, 12/02/2018 | 01:44


Vào dịp tết, sự thiếu điều độ trong đi lại, ăn uống, nghỉ ngơi... là nguy cơ phát sinh bệnh tật, làm tiến triển bệnh mạn tính và phát sinh bệnh cấp tính.

Vào dịp tết, mọi người thường mắc một số triệu chứng về tiêu hóa do việc ăn uống thiếu điều độ và sinh hoạt bất thường gây nên.

Trong những ngày lễ tết, số ca cấp cứu tại các bệnh viện thường tăng 20- 30% so với ngày thường. Ngoài các tai nạn giao thông do uống bia rượu thì các trường hợp cấp cứu phổ biến dịp này đều là các bệnh liên quan đến tiêu hóa.

Các vấn đề về sức khỏe có thể chỉ là cảm cúm, nhức đầu, rối loạn tiêu hóa..., nhưng cũng có thể là các tai biến nguy hiểm. Do đó, mỗi người cần chuẩn bị một sức khỏe tốt để an tâm ăn Tết và chào đón một năm mới tràn đầy sinh lực.

Đầy hơi chướng bụng

Ngày Tết, có một số loại thức ăn khi tiêu hóa, sản sinh ra nhiều khí hơn những thức ăn khác như đậu, hạt khô. Một số thức ăn khác cũng sản sinh ra nhiều hơi là bắp cải, súp lơ, cải xoong, cải xoăn, hành tây, tỏi, các loại quả có hạt (mơ)... Ngoài ra, uống các loại nước giải khát có gas, hay do ăn quá nhanh, nuốt thức ăn lẫn với hơi cũng có thể gây ra đầy hơi.

Để tránh hiện tượng đầy hơi, sôi bụng, khi ăn chúng ta cần ăn chậm, nhai kỹ và ngậm miệng, tránh nói chuyện nhiều trong khi ăn. Điều này, giúp chúng ta không phải nuốt một lượng khí đáng kể trong khi ăn. Chúng ta nên hạn chế uống nước khoáng, thức uống có gas, nếu có thói quen nhai kẹo cao su, cần phải bỏ. Chỉ ăn đậu đã loại bỏ vỏ và giảm ăn các loại rau sản sinh nhiều khí như nói trên.

Ngoài ra, cũng có nhiều thực phẩm giúp bộ máy tiêu hóa hoạt động tốt hơn như sữa chua chẳng hạn. Men được sử dụng để làm loại sữa này giúp bảo vệ môi trường sống của vi khuẩn có lợi trong ruột và giúp cho bộ máy tiêu hóa được trơn tru.

Húng tây, thì là bẹ, quế… là những loại gia vị không chỉ mang lại hương thơm cho các món ăn, chúng còn giúp bộ máy tiêu hóa hoạt động tốt trở lại khi bị đầy hơi. Hơn nữa, những loại gia vị này còn giúp phòng bệnh đầy hơi.

Ngộ độc thực phẩm

Nguyên nhân ngộ độc thực phẩm là do dùng những loại thức ăn kém vệ sinh, ôi thiu, món ăn lạ không quen hoặc ăn những món kỵ nhau cùng lúc.

Khi người bị ngộ độc thường có biểu hiện nôn ói và đi tiêu chảy. Tùy theo tác nhân gây ngộ độc mà triệu chứng nôn ói nổi bật hơn hay tiêu chảy nhiều hơn.

Xử lý:

- Tìm cách nôn hết số thực phẩm đó ra vì cơ thể không hấp thu được.

- Cần bổ sung orezol để bù lại lượng nước và muối đã mất.

- Tuyệt đối không dùng thuốc cầm tiêu chảy trừ khi đi quá nhiều lần và kéo dài, vì cơ thể cần thải ra các chất độc đã xâm nhập.

- Bệnh nhân tiêu chảy không nên uống nước ép trái cây đậm đặc vì có thể làm tình trạng tiêu chảy nặng hơn do làm tăng áp lực thẩm thấu trong ruột.

Trường hợp nặng hơn cần đưa đi bệnh viện ngay và nhớ mang theo mẫu thực phẩm để các bác sĩ dễ dàng xác định nguyên nhân và điều trị cho đúng.

Ợ chua

Nguyên nhân bị ợ chua thường do vừa ăn xong đã đi nằm ngay, vì thế dạ dày - thực quản nằm ngang, chất chua lan qua cuống thực quản. Ăn uống no, mặc quần quá chật, ép vào dạ dày làm áp suất lên cao, cũng có thể đẩy thực phẩm dội ngược lên.

Trong trường hợp này, ợ chua không nguy hiểm. Tuy nhiên, cần phải lưu ý nếu ợ chua xảy ra thường xuyên bởi đó có thể là dấu hiệu dạ dày bị bệnh như: viêm loét, xuất huyết, co thắt... Dịch dạ dày cũng có thể tràn vào cuống phổi, nhất là khi người bệnh nằm, và dẫn tới khó thở, viêm phế quản và phổi.

Tình trạng ợ chua không dễ chữa, nhưng bạn có thể loại bỏ bằng cách xem lại thói quen ăn uống ngày Tết của mình. Tránh những thực phẩm giàu chất béo vì chất béo chậm tiêu sẽ nằm trong dạ dày lâu hơn, đồng thời chất béo cũng làm tăng áp suất trong dạ dày..

Vài loại trái cây và rau xanh cũng có thể gây rắc rối, đặc biệt là quả chua. Trái cây được chế biến thì đỡ hơn nhưng cũng không nên ăn lúc bụng trống rỗng. Tránh uống quá nhiều trước và trong bữa ăn, nó sẽ làm bạn đầy bụng và thức ăn bị dồn lên. Tránh dùng các thức uống chứa nhiều caffeine như: cà-phê, trà, coca-cola, chocolate… Các thức này khiến van thành ruột yếu và làm thức ăn ợ lên.

Hạn chế các loại thức uống có gas, thực phẩm nhiều chất chua như: chanh, cam, nước cà chua, giấm hay mù tạt, gia vị có nhiều bạc hà.

Bên cạnh việc lựa chọn thực phẩm, cách ăn uống cũng tạo nên sự khác biệt. Ăn quá nhanh nghĩa là bạn phải nuốt những miếng to khiến dạ dày khó tiêu hóa. Bạn cũng sẽ nuốt vào nhiều không khí lúc ăn, nên khi bạn ợ, luồng không khí sẽ mang theo a-xít gây cảm giác chua đắng. Tránh ăn vặt liên tục những thứ không nhiều chất bổ.

Tiêu chảy

Bệnh tiêu chảy xuất hiện quanh năm, nhưng vào những ngày lễ, tết bệnh này càng đáng được chú ý. Trong những ngày tết, nhiều người bị dị ứng thức ăn (thịt rừng, hải sản), vệ sinh ăn uống hoặc môi trường nhiễm bẩn (ăn rau quả sống không rửa kỹ, nguồn nước bị ô nhiễm, thức ăn bị ruồi nhặng bâu...). Do ăn uống những đồ ăn cũ, đun đi đun lại nên vi khuẩn, virus, ký sinh trùng, các chất độc xâm nhập đường tiêu hóa và gây tiêu chảy

Trẻ em và người cao tuổi là đối tượng dễ mắc bệnh nhất. Để phòng bệnh, cách tốt nhất là kiểm soát chặt chẽ việc ăn uống của bé, không để bé tự ý mua thức ăn hàng quán không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Không nên cho bé ăn nhiều bánh kẹo, đặc biệt bánh kẹo chảy nước, mốc ẩm cần phải vứt bỏ.

Trẻ em và cả người lớn cũng cần ăn chín, uống sôi, rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Đối với rau quả sống, phải rửa kỹ (tốt nhất rửa trực tiếp dưới vòi nước). Thức ăn phải đậy kỹ để tránh ruồi nhặng, không ăn thức ăn bị ô nhiễm.

Khi trẻ có dấu hiệu tiêu chảy, cần xử trí bằng cách bù nước, nếu có Oresol là tốt nhất, nếu không thay bằng cháo muối. Cho uống Oresol ngay lần tiêu chảy đầu tiên và đưa bé đến cơ sở y tế nếu thấy bé "đi" nhiều lần không giảm hoặc kèm theo nôn, sốt.

Viêm dạ dày cấp

Nguyên nhân chủ yếu là do uống nhiều rượu, bia và sử dụng các chất kích thích như cà phê, ớt…

Người bị viêm dạ dày sẽ thấy đau bụng cồn cào, nóng rát vùng thượng vị, kèm theo ợ hơi, ợ chua, có thể có cảm giác buồn nôn hoặc nôn. Trường hợp nặng có thể có biểu hiện xuất huyết tiêu hóa là nôn ra máu và đại tiện phân đen, phải được đưa đến bệnh viện.

Bệnh nhân viêm loét dạ dày, tá tràng hay viêm tuyến tụy tuyệt đối không uống các loại nước ép trái cây có vị chua như: chanh, cam, táo, nho, dâu... vì loại trái cây này có nhiều chất hữu cơ làm tăng axít dạ dày, gây ợ nóng.

Bệnh táo bón

Nguyên nhân: chế độ ăn ít chất xơ và thiếu vận động; lạm dụng cà phê và các loại nước giải khát có chứa cafein càng làm cho cơ thể mất nước.

Tránh bị táo bón nên:

- Ăn đủ chất xơ: lớn hơn hoặc bằng300g rau/ngày (rau quả, trái cây, các loại đậu, bột ngũ cốc nguyên vỏ cám).

- Uống nhiều nước: từ 6-8 cốc nước mỗi ngày (tương đương từ 1,5-3 lít). Uống nước vào buổi sáng sớm, trước khi ăn, sẽ kích thích nhu động ruột khiến việc đi tiêu dễ dàng hơn.

- Các loại nước trái cây, nước rau luộc cũng rất tốt.

Cảm lạnh và bệnh đường hô hấp

Ngày Tết, thời tiết thường rét lạnh mà mọi người lại hay ra ngoài đi chơi, thăm viếng lẫn nhau nên nếu không giữ ấm cẩn thận có thể sẽ bị viêm họng, cúm, viêm phế quản, viêm xoang, cảm lạnh. Khi cảm lạnh kéo dài quá một tuần thì có khả năng đã bị cúm, có thể dẫn đến viêm phổi, phế quản, viêm xoang...

Nếu bị cảm lạnh, nên dùng nước đường nóng có vài lát gừng nướng chín, đồng thời bổ sung vitamin C và ăn cháo gà nóng để nâng cao sức khỏe.

Bệnh nhân bị sốt không nên uống nước ép trái cây ngọt vì dễ làm tăng đường huyết, khi đó các tế bào bạch cầu sẽ diệt khuẩn chậm chạp hơn.

Tóm lại, để tránh tất cả các chứng bệnh trên, chúng ta cần giữ nếp sinh hoạt, vui chơi điều độ. Không nên thức đêm quá khuya, dậy quá muộn, cần ngủ đủ giấc. Phải đảm bảo mỗi ngày ăn đủ 3 bữa chính vào giờ cố định.

Không cho trẻ em ăn quá nhiều bánh kẹo, người lớn tránh hút thuốc, uống nhiều rượu bia. Người bình thường uống 300-400ml bia hoặc 60ml rượu nhẹ (rượu vang)/ngày là tốt cho sức khỏe.

Minh Minh (T/h)

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/vui-an-tet-ban-dung-quen-nhung-benh-thuong-gap-nay-a219311.html