Biến chứng bệnh sởi: 10 năm sau sẽ có những đứa trẻ “ngơ ngơ”


Chủ nhật, 20/04/2014 | 14:34


(ĐSPL) – Theo thống kê, đến nay đã có 119 trẻ tử vong do dịch sởi khiến các bậc phụ huynh lo sợ, hoang mang. Trẻ bị biến chứng bệnh sởi có thể để lại hậu quả đáng tiếc.

(ĐSPL) – Theo thống kê, đến nay đã có 119 trẻ tử vong do dịch sởi khiến các bậc phụ huynh lo sợ, hoang mang. Một thực tế đáng lo ngại là trẻ bị biến chứng sởi có thể để lại hậu quả đáng tiếc như viêm não bán cấp.

>> Bệnh sởi bùng phát: Trăm dâu lại đổ đầu tằm!

>> BS. Quỳnh Anh: Báo chí ''đừng đâm chúng tôi nữa"

Vậy bệnh sởi có thể gây biến chứng gì?

Các biến chứng thường gặp của sởi là bệnh nhân có thể bị viêm tai giữa, viêm phổi, viêm phế quản, viêm thanh quản, tiêu chảy, bùng phát lao tiềm ẩn. Người lớn, trẻ lớn có thể gặp biến chứng viêm cơ tim, viêm não...

BS Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm, bệnh viện Nhi Đồng 1 cho biết; bệnh sởi có 3 dạng biến chứng: nhóm thứ nhất diễn ra nhanh xuất hiện ở các em bé dưới 12 tháng với biểu hiện viêm phổi; nhóm thứ hai biến chứng viêm não, viêm cơ tim ở trẻ sau 10 tuổi; nhóm thứ ba biến chứng cực kỳ muộn khoảng 10 năm sau khi mắc bệnh, trong y khoa gọi là do cơ chế miễn dịch khiến bệnh nhân bị viêm não bán cấp, Dân trí đưa tin.

Sức khoẻ - Làm đẹp - Biến chứng bệnh sởi: 10 năm sau sẽ có những đứa trẻ “ngơ ngơ”

Với trường hợp thứ 3, bệnh nhân sẽ nhập viện với biểu hiện rối loạn tâm thần, rối loạn hành vi, rối loạn vận động… việc cứu chữa rất khó khăn. Dù tỷ lệ bệnh nhân mắc phải biến chứng này rất thấp nhưng BS Khanh khẳng định: “Mười năm sau dịch sẽ có những đứa trẻ ngơ ngơ do biến chứng viêm não bán cấp của bệnh sởi. Đây sẽ là hậu quả nặng nề, ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc sống của bệnh nhân, để lại gánh nặng cho gia đình và xã hội”.

Cách điều trị, chăm sóc

Khi bệnh nhân bị bệnh cần được nghỉ ngơi tại giường, tăng cường dinh dưỡng, vệ sinh da, mắt, miệng họng, uống thuốc giảm ho, hạ sốt theo chỉ định của bác sĩ, hoặc áp dụng các biện pháp hạ nhiệt vật lý như lau nước ấm, chườm mát.

Cho trẻ uống nhiều nước, bổ sung điện giải qua đường uống. Chỉ truyền dịch duy trì khi người bệnh nôn nhiều, có nguy cơ mất nước và rối loạn điện giải.

Ngoài ra, cần bổ sung vitamin A nếu trẻ suy dinh dưỡng và có dấu hiệu khô mắt do thiếu vitamin A.

Những trẻ mắc sởi không gặp biến chứng, khi chăm sóc tại nhà cần được cách ly để phòng lây bệnh cho cộng đồng. Người nhà lưu ý giữ gìn vệ sinh cơ thể cho trẻ luôn sạch sẽ, vệ sinh đường hô hấp (súc rửa mũi) cho trẻ, vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, thoáng mát, người chăm sóc cũng cần đảm bảo sức khỏe, vệ sinh sạch sẽ cơ thể đặc biệt là đôi bàn tay, mang khẩu trang khi tiếp xúc với trẻ… để tránh trở thành trung gian phát tán mầm bệnh cho người khác.

Biện pháp phòng ngừa bệnh sởi

Cần cách ly người bệnh trong suốt giai đoạn có biểu hiện bệnh cho đến ít nhất bốn ngày sau khi bắt đầu phát ban để tránh lây lan. Để phòng bệnh sởi hữu hiệu nhất, phụ huynh cần cho cho trẻ đi tiêm chủng phòng bệnh sởi hai mũi theo chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia lúc trẻ được 9 tháng tuổi và lúc 18 tháng tuổi. Mũi tiêm này chỉ chứa vắcxin sởi.

Ngoài ra, hiện nay cũng có các vắcxin phối hợp với sởi (chích một mũi phòng được ba bệnh là sởi, quai bị và rubella).

Hạ Vy (Tổng hợp)

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/bien-chung-benh-soi-10-nam-sau-se-co-nhung-dua-tre-ngo-ngo-a30022.html