+Aa-
    Zalo

    Đức bác tin Nga triệu tập đại sứ sau vụ rò rỉ đoạn ghi âm

    (ĐS&PL) - Theo Bộ Ngoại giao Đức, Đại sứ Đức tại Moscow - ông Alexander Graf Lambsdorff đến trụ sở Bộ Ngoại giao Nga vì có cuộc gặp đã lên lịch từ trước.

    Ngày 4/3, truyền thông Nga đăng tải hình ảnh Đại sứ Đức tại Moscow - ông Alexander Graf Lambsdorff xuất hiện bên ngoài trụ sở Bộ Ngoại giao Nga và đưa tin rằng vị đại sứ đã bị Nga triệu tập để phản ứng vụ rò rỉ đoạn ghi âm.

    o tin nga trieu tap dai su duc vu ro ri doan ghi am berlin len tieng dspl
    Đại sứ Đức tại Nga Alexander Graf Lambsdorff xuất hiện bên ngoài trụ sở Bộ Ngoại giao Nga ngày 4/3. Ảnh: Reuters

    Tuy nhiên, ngay sau đó, Bộ Ngoại giao Đức đã lên tiếng bác bỏ thông tin này, đồng thời cho biết ông Lambsdorff đến trụ sở Bộ Ngoại giao Nga vì có cuộc gặp đã lên lịch từ trước.

    “Đại sứ của chúng tôi đã dự một cuộc họp đã được lên kế hoạch từ lâu tại Bộ Ngoại giao Nga vào sáng 4/3”, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Đức tuyên bố. 

    Đại sứ Lambsdorff cũng nói với hãng thông tấn DPA của Đức rằng ông không bị triệu tập và cuộc thảo luận tại Bộ Ngoại giao Nga xoay quanh “nhiều chủ đề song phương khác nhau”.

    Trước đó, ngày 1/3, tổng biên tập Đài RT (Nga) Margarita Simonyan công bố việc rò rỉ băng ghi âm trên kênh Telegram.

    Trong đoạn băng, có thể nghe thấy tiếng các sĩ quan Đức thảo luận về cung cấp tên lửa tầm xa Taurus cho Ukraine và khả năng tấn công của Kiev vào một cây cầu ở Crimea.

    Cụ thể, trong bản ghi âm, Tư lệnh không quân Đức Ingo Gerhartz yêu cầu cấp dưới chuẩn bị tài liệu thuyết trình cho Bộ trưởng Quốc phòng Boris Pistorius về khả năng chuyển tên lửa hành trình tầm xa Taurus KEPD 350 cho Ukraine, cũng như cách Kiev có thể dùng chúng để tập kích cầu Crimea.

    Đức đang sở hữu khoảng 600 tên lửa Taurus, trong đó 500 quả ở tình trạng sẵn sàng vận hành. Tướng Gerhartz nói rằng Berlin có thể chuyển 100 quả đạn cho Kiev theo hai đợt, thêm rằng Anh và Pháp đang gây áp lực để Đức viện trợ Taurus cho Ukraine vì kho dự trữ tên lửa Storm Shadow/SCALP-EG của hai nước đã cạn dần.

    Thông tin từ truyền thông Đức sau đó cho biết các quan chức nêu trên đã thảo luận qua nền tảng Webex của Mỹ, vốn là ứng dụng thường được dùng cho các cuộc họp trực tuyến. Đường dẫn (link) mời họp được gửi qua điện thoại di động của lực lượng vũ trang.

    Nội dung đoạn băng bị rò rỉ trên khiến Đức phải xem lại hệ thống tình báo và phản gián. Ngoài ra, về mặt đối ngoại Berlin đang phải đối mặt với áp lực giải thích cho phía Nga.

    Điện Kremlin cho biết băng ghi âm được tiết lộ cho thấy bộ máy quân sự Đức "đang thảo luận một cách thực chất và cụ thể về kế hoạch tấn công lãnh thổ Nga", Thư ký báo chí Nga Dmitry Peskov chia sẻ với báo giới hôm 4/3.

    "Bản thân [cuộc thảo luận nội bộ quân đội] cho thấy rằng trong nội bộ lãnh đạo quân đội Đức, kế hoạch tiến hành các cuộc tấn công vào lãnh thổ Liên bang Nga đang được thảo luận một cách thực chất và cụ thể... Mọi thứ ở đây đều quá rõ ràng", hãng TASS dẫn lời ông Peskov. 

    Người phát ngôn Điện Kremlin cho biết đoạn ghi âm đã đặt ra câu hỏi liệu kế hoạch mà các quan chức quân sự Đức đã thảo luận có nằm trong chính sách của nhà nước Đức hay không. Ông Peskov tuyên bố rằng đoạn ghi âm đã chứng minh "sự tham gia trực tiếp của các nước phương Tây vào cuộc xung đột xung quanh Ukraine."

    Quan chức Nga cũng bày tỏ hy vọng Đức sớm công bố kết quả điều tra về sự việc. "Thủ tướng Olaf Scholz cam kết tiến hành cuộc điều tra toàn diện, thận trọng và nhanh chóng. Chúng tôi mong sớm được tiếp cận kết luận điều tra, ngay cả khi phải thông qua truyền thông", ông Peskov nói thêm.

    Mộc Miên (Theo The Moscow Times)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/duc-bac-tin-nga-trieu-tap-dai-su-sau-vu-ro-ri-doan-ghi-am-a612913.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan