Phó chủ tịch tỉnh Hòa Bình: Nghi vấn gian lận điểm thi bắt nguồn từ lá đơn của người dân


Thứ 7, 04/08/2018 | 13:40


Liên quan đến vụ việc điểm thi cao bất thường ở địa phương, Phó chủ tịch tỉnh Hòa Bình cho biết mọi nghi vấn đều bắt nguồn từ lá đơn của người dân.

Liên quan đến vụ việc điểm thi cao bất thường ở địa phương, Phó chủ tịch tỉnh Hòa Bình cho biết mọi nghi vấn đều bắt nguồn từ lá đơn của người dân.

Chiều hôm nay (4/8), ông Bùi Văn Cửu (Phó chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình, Trưởng ban chỉ đạo thi THPT quốc gia 2018 ở Hòa Bình) đã trao đổi với VOV về nguồn gốc của việc phát hiện gian lận điểm thi trong kỳ thi vừa qua.

Ông Bùi Văn Cửu Phó chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình, Trưởng ban chỉ đạo thi THPT quốc gia 2018 ở Hòa Bình. Ảnh: VOV

Theo ông Cửu, sau khi có kết quả thi THPT Quốc gia 2018, lãnh đạo tỉnh Hòa Bình nhận được một lá đơn của người dân liên quan đến kết quả thi. Lúc này, Chủ tịch UBND tỉnh đã tổ chức cuộc họp với sự tham gia của lãnh đạo Sở Nội vụ, ngành công an, giáo dục. Trong cuộc họp tại văn phòng UBND, chủ tịch tỉnh chỉ đạo bàn giao sự việc cho Sở GD&ĐT tỉnh Hòa Bình làm rõ các vấn đề liên quan.

Sau đó, Sở GD&ĐT kiểm tra và báo cáo đến Bộ GD&ĐT. Bộ GD&ĐT sau đó cử đoàn về chấm thẩm định các bài thi THPT ở Hòa Bình. Sau khi chấm thẩm định, kết quả điểm chấm thẩm định công bố ngày 23/7 trùng khớp với điểm công bố ngày 11/7. Tuy nhiên, thực hiện theo chỉ đạo theo công văn 3060 của Bộ GD&ĐT, Hòa Bình vẫn tiếp tục cho kiểm tra và ngành công an vào điều tra nên có kết quả ban đầu như đã công bố.

Ông Cửu cho rằng, biến cố chỉ xảy ra ở một bộ phận nào đó và mong các cơ quan chức năng làm việc và sớm trả lại công bằng cho các em học sinh và phụ huynh bị ảnh hưởng.

Cũng liên quan đến vụ việc điểm thi cao bất thường tại Hòa Bình, chia sẻ với PV Tiền Phong với trách nhiệm của một người Trưởng ban chỉ đạo thi THPT quốc gia 2018, ông Cửu cho rằng bản thân cảm thấy rất buồn và thất vọng vì đã quá tin tưởng mọi người.

“Là người chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh về chỉ đạo thi, khi nhận được thông tin, chúng tôi rất buồn và thấy trong quá trình tổ chức thi ở Hòa Bình có khâu nào đó chưa thể kín kẽ hết được. Dù chúng tôi đã cố gắng lắm. Trước kỳ thi, chúng tôi đã chỉ đạo, dặn dò anh em không được chủ quan. Tất cả khâu phải làm đúng quy trình, quy định.

Khi có thông tin ban đầu tôi đã gọi giám đốc Sở GD&ÐT, trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng để trao đổi. Các anh ấy sang báo cáo là đã kiểm tra lại và không có khâu nào bất cập. Trưởng phòng khảo thí cũng khẳng định đã làm rất chặt chẽ, quân của em không làm bậy, làm sai trong quá trình chấm thi. Rồi trong quá trình chấm thẩm định, Bộ GD&ÐT cũng có đoàn về kiểm tra và đánh giá rất cao. Vì thế chúng tôi yên tâm hơn, tin tưởng hơn. Về sau, theo tinh thần trách nhiệm chung, thực hiện yêu cầu của Bộ GD&ÐT là rà soát lại,  thấy báo cáo lại là có bất cập như phó giám đốc Sở GD&ÐT đã nói thì cũng chỉ đạo bên Sở GD&ÐT tiếp tục thực hiện”, Phó chủ tịch tỉnh Bùi Văn Cửu cho hay.

Ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng giáo dục thông báo về vụ việc điểm thi cao bất thường ở Hòa Bình. Ảnh: VietNammoi

Như đã đưa tin trước đó, ngay sau khi Bộ GD&ĐT công bố điểm thi THPT quốc gia 2018, dư luận đã đặt câu hỏi về tỷ lệ điểm cao bất thường tại Hòa Bình. Nghi vấn điểm thi bất thường ở Hòa Bình được đặt ra khi kết quả phân tích điểm thi của tỉnh Hòa Bình cho thấy, với 27 trong tổng số 8.900 thí sinh dự thi môn toán đạt từ 9 điểm trở lên, chiếm 0,3%, Hòa Bình chỉ xếp sau Hà Giang (điểm giả, công bố lần đầu), còn vượt xa các tỉnh khác về tỷ lệ thí sinh đạt mức điểm này.

Cụ thể, tỷ lệ này của Hòa Bình cao gấp 5 lần tỷ lệ chung của cả nước là 0,06%, gấp 3 lần ở Hà Nội (là 0,1%), gấp hơn 7 lần ở TPHCM (là 0,04%) và Nam Định. Nếu xét điểm thi theo khối chính (A00, A01, B00, C00, C03, D01), trong 324 thí sinh cả nước được tổng điểm 27, Hà Giang có 67, Sơn La 26, Hòa Bình 22 em. Ở tổ hợp C03 (Toán, Ngữ văn, Lịch sử), cả nước có 10 thí sinh được 27 điểm trở lên, Hòa Bình có 2 thí sinh.

Ngày 2/8, trao đổi với báo chí, ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng giáo dục (Bộ GD&ĐT) cho biết, thực hiện kế hoạch của kỳ thi THPT 2018, Bộ GD&ĐT đã tổ chức chấm thẩm định tại một số hội đồng thi, trong đó có hội đồng thi tỉnh Hòa Bình. Qua việc chấm thẩm định và rà soát quy trình, Bộ GD&ĐT phát hiện một số dấu hiệu bất thường. Đặc biệt là dấu hiệu bất thường ở khâu chấm thi bài thi trắc nghiệm.

Đến sáng ngày 3/8, Công an tỉnh Hòa Bình đã tiến hành khởi tố vụ án "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ", theo Điều 365 Bộ luật Hình sự. 

Ngày 3/8, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã tiếp nhận vụ án và ra Quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam 4 tháng hai đối tượng liên quan đến kỳ thi THPT quốc gia 2018 tại tỉnh Hòa Bình gồm:  Đỗ Mạnh Tuấn (sinh 1979), hiện là Phó hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc nội trú Trung học cơ sở và Trung học phổ thông huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình và Nguyễn Khắc Tuấn (sinh 1981), hiện là Chuyên viên Phòng Khảo thí Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hòa Bình để điều tra về hành vi "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ".

Nguyễn Phượng (T/h)

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/pho-chu-tich-tinh-hoa-binh-nghi-van-gian-lan-diem-thi-bat-nguon-tu-la-don-cua-nguoi-dan-a238907.html