+Aa-
    Zalo

    Hai giờ trải nghiệm trong lớp học theo mô hình “định tính năng lực”

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Khoảng 1.600 trường trung học cơ sở (THCS) trên cả nước đang rục rịch đổi sang mô hình mới (VNEN), bỏ chấm điểm thường xuyên như ở bậc tiểu học.

    (ĐSPL) - Khoảng 1.600 trường trung học cơ sở (THCS) trên cả nước đang rục rịch đổi sang mô hình mới (VNEN), bỏ chấm điểm thường xuyên như ở bậc tiểu học.

    PV báo ĐS&PL đã trực tiếp tham dự tiết học theo mô hình này để trải nghiệm học sinh, giáo viên dạy và học ra sao? Và, khi năng lực không được đo đếm bằng con số thường xuyên, liệu học sinh lấy thước đo nào làm cơ sở để tiến bộ?

    Ôn bài bằng... trò chơi!

    Tại lớp 6A7, trường THCS Nghĩa Tân (Cầu Giấy, Hà Nội) trong phần ôn bài tiết học Toán, Chủ tịch hội đồng tự quản của lớp hướng dẫn các bạn trong lớp ôn bài về bội chung nhỏ nhất của hai hay nhiều số bằng trò chơi “Thỏ tìm chuồng”. Năm học sinh cầm những tấm bảng chứa các số tự nhiên và một số học sinh khác cầm bảng là các bội số khác nhau. Sau hiệu lệnh của Chủ tịch hội đồng tự quản về bội chung nhỏ nhất của 2, 3 số tự nhiên, những “chú thỏ” lần lượt tìm về “chuồng” bằng các cặp bảng phù hợp. Một chú “thỏ” không có “chuồng” ngậm ngùi đứng phía dưới bục giảng.

    Học sinh lớp 6A7, trường THCS Nghĩa Tân (Cầu Giấy, Hà Nội) trong tiết học Toán (ảnh Thành Long).

    Phía dưới lớp học, các nhóm hào hứng cổ vũ cho thành viên nhóm mình tìm về đúng “chuồng”. Kết thúc phần trò chơi, giáo viên chủ nhiệm còn nêu câu hỏi về phương pháp tìm bội chung nhỏ nhất cho học sinh trong lớp ôn bài. Có lẽ, với cách ôn bài này, phần nào khiến học sinh “nhẹ nhõm” hơn trước kia.

    Sau phần ôn bài cũ đầu giờ bằng một trò chơi vận động, Phó Chủ tịch hội đồng tự quản, Trưởng ban học tập lần lượt đề nghị nhóm trưởng các nhóm báo cáo việc làm bài tập của các thành viên. Lớp học được chia làm 8 nhóm, mỗi nhóm 6 người, gồm một trưởng nhóm và một thư ký. Vị trí này được các thành viên trong nhóm luân phiên đảm nhiệm. Những cái tên dễ thương như Bạch Dương, Hạt tiêu, Trà sữa... được các em học sinh chọn đặt tên cho nhóm mình.

    Sau phần nhắc tên các bạn chưa làm bài tập ở nhà của Trưởng ban học tập, nhóm trưởng có học sinh vừa bị nhắc tên lập tức đứng dậy “thanh minh” là thành viên trong nhóm chưa làm phần bài tập đại số chứ không phải chưa làm tất bài tập ở nhà! 15 phút đầu giờ của tiết học Toán trôi qua khá nhẹ nhàng và hứng thú với các em học sinh lớp 6A7 và với cả bản thân PV. Sau đó, giáo viên bắt đầu vào tiết giảng tiếp theo về cách tìm bội chung nhỏ nhất của hai hay nhiều số lớn hơn 1.

    Theo tìm hiểu của PV, trường THCS Nghĩa Tân hiện có 2 lớp thí điểm mô hình VNEN là 6A6, 6A7. THCS Nghĩa Tân cùng với trường THCS Mai Dịch, THCS Nguyễn Siêu là 3 trường của quận Cầu Giấy thí điểm mô hình VNEN bắt đầu từ năm nay. Hai em Hà Thu, Hà Linh lớp 6A6 (trường THCS Nghĩa Tân) vui vẻ cho biết: “Em rất thích học theo mô hình mới. Giờ em có thể trình bày các vấn đề một cách mạch lạc hơn. Mỗi tiết học bây giờ cũng thú vị hơn so với hồi học lớp 5. Em cũng tự tin hơn khi nói trước đông người vì ngày nào chúng em cũng được luyện nói trước cả lớp rất nhiều”.

    Trao đổi với PV, bà Nguyễn Mỹ Hảo – Hiệu trưởng trường THCS Nghĩa Tân cho biết: “Năm 2014, cơ sở vật chất mới của trường được đưa vào hoạt động, diện tích mỗi lớp là 68m2. Đây là một trong những điều kiện thuận lợi khi thí điểm mô hình VNEN. Vào đầu năm học, nhà trường có gửi thông báo đến các phụ huynh lớp 6 về việc mở lớp dạy theo VNEN. Số lượng phụ huynh đăng ký cho con học lớp này khá đông nên hiện tại hai lớp dạy theo mô hình trên có sĩ số một lớp 46, một lớp 48 em”.

    Chỉ còn điểm cuối kỳ lưu hồ sơ

    Mô hình VNEN không chỉ khác biệt so với lớp học cũ về cách thức tổ chức lớp học (học sinh ngồi theo nhóm thay vì dãy bàn như cũ) mà ở cách thức kiểm tra, đánh giá. Việc bỏ chấm điểm thường xuyên được áp dụng gần giống với bậc tiểu học. Theo cách đánh giá cũ, môn Toán một học kỳ ít nhất phải có 3 điểm kiểm tra 15 phút, 2 điểm miệng (trả bài), 3 điểm kiểm tra 45 phút, 1 điểm kiểm tra học kỳ... Còn cách đánh giá mới, chỉ có 1 bài kiểm tra học kỳ vào sổ điểm, còn lại giáo viên chủ yếu đánh giá qua các hoạt động hằng ngày để biết điểm mạnh – yếu của học sinh.

    Bà Nguyễn Mỹ Hảo phân tích: “Trong đánh giá thường xuyên, giáo viên không đánh giá bằng cho điểm mà bằng nhận xét, quá trình và kết quả học tập của học sinh. Giáo viên có thể ghi điểm trên một số sản phẩm học tập để học sinh tham khảo nhưng không lưu điểm trên các loại hồ sơ”. Trong khi đó, một giáo viên chia sẻ, cách thức đánh giá này không phải “dễ” với giáo viên. Cái khó ở chỗ, với cách đánh giá bằng nhận xét, giáo viên phải rất quan tâm đến từng học sinh và khi nhận xét cũng phải hết sức thận trọng. Theo giáo viên này, học sinh khá giỏi thì không sao nhưng học sinh yếu phải làm sao để động viên chứ không phải cứ chê thoải mái được.

    Nhìn nhận về mô hình này, TS. Lê Viết Khuyến, Trưởng ban Hỗ trợ chất lượng giáo dục đại học (Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ Việt Nam), nguyên Phó Vụ trưởng vụ Giáo dục đại học (bộ GD&ĐT) chia sẻ: “Có một kinh nghiệm từ giáo dục đại học tôi thấy trung học phổ thông nên rút kinh nghiệm. Hiện nay, nếu đóng cửa không học tập kinh nghiệm quốc tế mà “tự biên tự diễn” trong xu hướng hội nhập quốc tế là điều không ổn. Nhưng, tiếp thu kinh nghiệm nước ngoài, nguyên tắc là phải thận trọng, xem xét xem có phù hợp với nước mình không. Có khi rất nhiều cái hay ghép vào với nhau lại dẫn đến “tẩu hỏa nhập ma” nên phải đảm bảo tính hệ thống của chương trình”.

    Chưa phụ huynh nào xin cho con khỏi lớp thí điểm

    Bà Nguyễn Mỹ Hảo (ảnh trên) – Hiệu trưởng trường THCS Nghĩa Tân (Cầu Giấy, Hà Nội) cho hay, đến thời điểm này, chưa phụ huynh nào xin cho con ra khỏi lớp thí điểm mô hình giáo dục mới tại trường. Đặc biệt, không chỉ phụ huynh, giáo viên nhà trường mà các em học sinh cũng hào hứng với mô hình mới. Đánh giá học sinh bây giờ dựa vào 3 phẩm chất, 8 năng lực. Ba phẩm chất là sống yêu thương, sống tự chủ, sống trách nhiệm. Tám năng lực gồm: Năng lực tự học, giải quyết vấn đề, sáng tạo, thẩm mỹ, thể chất, giao tiếp, hợp tác, tính toán, công nghệ thông tin và truyền thông.

     Bộ GD&ĐT đang theo dõi sát sao quá trình thí điểm

    Trao đổi với PV báo ĐS&PL, ông Vũ Đình Chuẩn – Vụ trưởng vụ Giáo dục Trung học (bộ Giáo dục & Đào tạo) cho biết: “Mô hình trường học mới vừa đòi hỏi giáo viên phải chuyển đổi vai trò thành người định hướng, theo dõi, động viên và hướng dẫn hoạt động học của học sinh. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho giáo viên thực thi phương pháp dạy học tích cực, từng bước nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ sư phạm. Trong quá trình triển khai thí điểm, Bộ đang có những theo dõi sát sao”.

     Đỗ Thơm

     Xem thêm vieo tin tức:

    [mecloud]mUTHOhJKqM[/mecloud]

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/hai-gio-trai-nghiem-trong-lop-hoc-theo-mo-hinh-dinh-tinh-nang-luc-a119277.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.