+Aa-
    Zalo

    Hàng lậu “đột nhập” toa hàng, ai đứng sau bảo kê?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Chỉ trong thời gian ngắn, các lực lượng chống buôn lậu đã phát hiện và bắt giữ hàng chục tấn hàng lậu được luân chuyển từ Bắc vào Nam trên những chuyến tàu.

    (ĐSPL) - Chỉ trong thời gian ngắn, các lực lượng chống buôn lậu đã phát hiện và bắt giữ hàng chục tấn hàng lậu được luân chuyển từ Bắc vào Nam trên những chuyến tàu Bắc - Nam. Câu hỏi đặt ra, số lượng hàng lớn như vậy sao vẫn “lọt” qua các khâu kiểm tra tại các ga xuất phát? Phải chăng có sự bảo kê của ngành chức năng trên những chuyến hàng này?

    Hàng không hoá đơn vẫn lên toa an toàn

    Mới đây nhất, theo thông tin từ cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan và chi cục Quản lý thị trường TP.Đà Nẵng đã phối hợp bắt giữ 40 tấn hàng lậu trong 2 toa hàng của đoàn tàu SE 19 đi từ Hà Nội đến Đà Nẵng. Kiểm tra ban đầu cho thấy có gần 200 kiện hàng với khoảng 40 tấn hàng nhập lậu gồm quần áo, vải vóc và giày dép, ước tính giá trị lô hàng lên đến hàng chục tỷ đồng. Hầu hết hàng hóa đều không có giấy tờ, hóa đơn hợp lệ.

    Một vụ kiểm tra, bắt giữ lô hàng nghi hàng lậu trên một chuyến tàu Bắc - Nam.

    Trước đó, cũng qua công tác nắm tình hình, các lực lượng chống buôn lậu đã dừng và phát hiện hơn 70 tấn hàng lậu trên một chuyến tàu sắt Bắc – Nam. Số hàng hóa này phần lớn là điện thoại di động, đồng hồ, quần áo, giày dép, thuốc tân dược, đa số không có hóa đơn chứng từ. Điều đáng nói, đây lại là lô hàng được bắt giữ trên tuyến vận chuyển đường sắt - một tuyến giao thông hàng hóa được kiểm tra khá gắt gao trước khi lên tàu.

    Sở dĩ các cơ quan chức năng bắt được lô hàng nói trên là do sự cố sập cầu Ghềnh, hàng buôn lậu không thể đi thẳng về TP.HCM mà buộc phải chuyển hướng đi tạm về Đồng Nai. Điều này đang đặt ra câu hỏi, liệu có hoạt động “bảo kê” hàng buôn lậu trên tuyến đường sắt Hà Nội, TP.HCM và nếu đi đúng tuyến thì hàng buôn lậu kia có được vận chuyển trót lọt?

    Theo nhận định của các cơ quan chức năng, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại diễn ra phức tạp trên các tuyến đường bộ, đường sắt, nhất là địa bàn các tỉnh biên giới phía Bắc như Lạng Sơn, Quảng Ninh... Thủ đoạn chủ yếu của các đối tượng là tổ chức mang vác hàng qua khu vực đường biên vào ban đêm. Khi hàng “vượt biên” trót lọt, các đối tượng sử dụng xe tải, xe khách hoán cải vận chuyển vào sâu trong nội địa các tỉnh như chợ Ninh Hiệp, chợ Đồng Xuân (Hà Nội); Bắc Ninh.

    Sau đó, hàng hóa lại được trung chuyển từ Bắc vào Nam qua nhiều tuyến đường bộ, đường sắt, nhưng tập trung chủ yếu là tuyến đường sắt. Hầu hết hàng hóa đã lên xe ô tô, tàu hỏa được hợp lý hóa bằng các hóa đơn, chứng từ. Các loại chứng từ hợp pháp này lại được chính các đối tượng mua trôi nổi trên thị trường chợ đen, các doanh nghiệp có hành vi mua, bán trái phép hóa đơn, đặc biệt là khu vực huyện Cao Lộc (Lạng Sơn).

    Khó quản lý hay… có sự “bảo kê”

    Ngay sau khi nhận được thông tin về việc bắt giữ 40 tấn hàng lậu trong 2 toa hàng của đoàn tàu SE 19 đi từ Hà Nội đến Đà Nẵng nói trên, PV đã liên lạc trực tiếp với bà Phùng Thị Lý Hà - Phó Tổng giám đốc công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội. Bà Hà cho biết: “Những thông tin này phía công ty cũng mới nắm được và đang cho các phòng ban phối hợp với lực lượng chức năng trong đó làm rõ thông tin”. Theo bà Hà, với toa hàng trên đoàn tàu SE 19 thì không thể chứa tới hơn 40 tấn mà chỉ có thể là 14 tấn hàng.

    Bà Hà cũng nói thêm rằng, đây không phải là bắt giữ lô hàng mà các lực lượng chức năng tạm giữ lô hàng để kiểm tra thông thường. Trước câu hỏi của PV về quy trình nhận và vận chuyển hàng hóa có kẽ hở nào khiến hàng lậu “xâm nhập” được vào các toa hàng không, bà Hà khẳng định: “Quy trình nhận chuyển hàng hóa trước khi lên toa rất chặt chẽ”.

    Cụ thể, khách hàng, chủ hàng khi gửi hàng phải tự kê khai đầy đủ và cam đoan thông tin hàng gửi là đúng, nhất là về chủng loại, hàng có đủ hóa đơn giấy tờ hợp pháp, không phải hàng quốc cấm, hàng cấm lưu thông, dễ cháy, chất nổ, hóa chất độc hại... Quy trình quản lý hàng hóa trước khi lên tàu cũng được thực hiện rất nghiêm ngặt. Cụ thể, khách đến nhà ga gửi hàng hóa sẽ phải xuất trình hóa đơn hàng hóa. Sau đó, khách phải làm tờ khai hàng hóa gồm những loại nào và chịu trách nhiệm pháp lý về hàng hóa. Sau đó, nhân viên sẽ kiểm tra thùng hàng nếu phát hiện nghi vấn. Tiếp theo, hàng hóa được chuyển đến kho và phân bổ đến các toa”.

    Tuy nhiên, trước việc hàng chục tấn hàng lậu trên các tuyến tàu Bắc –Nam bị các lực lượng chống buôn lậu phát hiện trong thời gian qua, bà Hà khẳng định: “Không có việc hàng nhập lậu vận chuyển qua đường sắt (?!)”. Theo bà Hà, những lần trước các lực lượng chức năng chống buôn lậu cũng đưa ra các thông tin về giữ các lô hàng lậu tuy nhiên sau đó không có thông báo lại với ga về thông tin sai phạm về các lô hàng này. Hầu hết các chủ hàng sau đó đều có hóa đơn cho các lô hàng (?!)”.

    Một nhân viên làm việc tại kho bãi ga Hà Nội cũng chia sẻ, thực tế, khó có thể kiểm tra tất cả các bao, kiện hàng hóa do khối lượng hàng hóa lớn, hàng hóa được đóng trong bao kiện chắc chắn. Kể cả có mở bao kiện ra, nhân viên hành lý cũng không có nghiệp vụ hay thiết bị hỗ trợ để xác định hàng gửi có phải là hàng lậu hay gian lận thương mại hay không. Đó là chưa kể, vì là hàng gửi dưới dạng hành lý, số lượng, khối lượng không lớn nên nếu yêu cầu khách hàng đáp ứng mọi thủ tục giấy tờ mới nhận vận chuyển, không khéo sẽ bị khách hàng cho là gây khó dễ, không tạo thuận lợi, phản ánh lên lãnh đạo cấp trên lại bị khiển trách...

    Tuy nhiên, thực tế vẫn cho thấy, chỉ trong thời gian ngắn các lực lượng chức năng chống buôn lậu vẫn phát hiện được nhiều vụ vận chuyển hàng lậu qua tuyến đường sắt Bắc-Nam. Hàng chục tấn hàng không có hóa đơn, chứng từ được đưa lên các toa tàu “ngon lành” trước giờ lăn bánh thì không thể không đặt câu hỏi nghi ngờ về có sự cho phép của... nhà tàu?

    Nhân viên nào dính líu sẽ kỷ luật, đuổi việc

    Theo đại diện công ty CP Vận tải hành khách đường sắt Hà Nội, trước đây, ga Hà Nội đã phát hiện nhiều trường hợp hàng hóa có vấn đề và đã xử lý theo hướng không nhận hàng. Riêng, đối với vấn đề có hay không việc nhân viên đường sắt cố tình để hàng lậu lên tàu, vị Phó Tổng giám đốc công ty CP Vận tải hành khách đường sắt Hà Nội cho biết là không có. “Chúng tôi đã nhiều lần kiểm tra tại ga thì nhân viên đều làm đúng thủ tục, giấy tờ. Nếu phát hiện sai phạm, nhân viên nào dính líu đến việc vận chuyển hàng hóa nhập lậu sẽ bị kỷ luật, thậm chí đuổi việc”, vị này nói.

    VI HẬU 

    [mecloud]hJ8VWhKumD[/mecloud]

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/hang-lau-dot-nhap-toa-hang-ai-dung-sau-bao-ke-a167591.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.