+Aa-
    Zalo

    Hành trình lạnh lẽo từ phòng khám tới nghĩa trang của những đứa trẻ "chưa một lần thấy ánh mặt trời"

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Chưa một lần được ngắm nhìn ánh mặt trời rực rỡ; chưa một lần được uống dòng sữa ngọt ngào thì những thai nhi xấu số đã mãi mãi “nằm” xuống tại nghĩa trang lạnh giá.

    Chưa một lần được ngắm nhìn ánh mặt trời rực rỡ, chưa một lần được uống dòng sữa ngọt ngào, mát trong, chưa một lần được mẹ ôm ấpyêu thương,... những thai nhi xấu số đã mãi “nằm” xuống tại nghĩa trang lạnh giá, u uất. Đông về rồi, các con tìm hơi ấm nơi đâu?

    Khi phố về khuya, ánh đèn vàng le lói lan toả khắp các ngõ hẻm, lác đác chỉ còn vài hàng ăn đêm cũng là lúc Đạo bắt đầu công việc của mình. Đó là việc mà người đời cho là quái gở, kỳ dị: Nhặt xác thai nhi.

    Chàng trai gắn bó với công việc kỳ quái trên là Nguyễn Trọng Đạo (SN 1998), quê quán ở tỉnh Nam Định. Đạo gắn bó với việc nhặt xác thai nhi từ khi còn học phổ thông, lúc ấy Đạo thường tới các phòng khám để xin thai nhi về chôn cất. Mọi vật liệu xây huyệt được chàng thanh niên đi xin các hộ gia đình. Đạo còn đi làm thêm để kiếm tiền trang trải các chi phí: Mua đồ cúng lễ, mua quần áo sơ sinh, xây mộ...

    Đến khi là sinh viên trường cao đẳng dược Hà Nội, Đạo lại tiếp tục hành trình thu nhặt xác thai nhi, mặc kệ ánh nhìn dị nghị của bạn bè. Biết việc làm nhân đạo, giàu ý nghĩa, CLB Sẻ chia sự sống đã hỗ trợ tài chính để chàng sinh viên thực hiện công việc tốt hơn. Từ đó, Đạo là thành viên chính thức của CLB, cùng đội thiện nguyện làm nhiều việc tốt, lan tỏa yêu thương.

    Đạo chuẩn bị chu đáo trước khi chôn cất thai nhi xấu số.

    Với chiếc xe máy cũ, vài đôi găng tay, mấy chiếc túi bóng đen, Đạo rong ruổi khắp các con phố lúc mọi người đã yên giấc. Anh lang thang tại các địa điểm tập trung nhiều bệnh viện và phòng khám thai sản. Trong đêm tối, thấp thoáng dáng hình chàng thanh niên cần mẫn, lúi húi lặng thầm, mặc kệ bao ánh mắt tò mò của người qua đường.

    Tuy mới 22 tuổi nhưng Đạo đã có thâm niên hơn bốn năm trong “nghề”, Đạo quen thuộc từng con phố, ngõ ngách, hàng cây ở đây. Sờ nắn từng bọc rác vứt chỏng chơ tại gốc cây, khe tường, Đạo có thể đoán được đâu là xác thai nhi, đâu là rác thải y tế thông thường.

    Vừa nói, Đạo vừa thoăn thoắt gói ghém bọc túi mới nhặt vào trong chiếc túi nilon đen khổng lồ. Dạo vòng quanh một tuyến phố, Đạo thu được gần hai mươi bọc như vậy. Vào “mùa phá thai”, khi cái Tết tới cận kề thì con số tăng lên gấp hai, gấp ba lần. Đôi lúc, Đạo chỉ mong một ngày mình "thất nghiệp"...

    “Mình từng học ngành Y cùng với làm công việc này lâu năm nên chỉ cần sờ qua là biết túi đựng thai nhi. Bên trong những chiếc túi đó sẽ có ống hút cùng vật dụng y tế chuyên dụng”, Đạo chia sẻ.

    Nhóm thiện nguyện nhặt xác thai nhi do Đạo phụ trách gồm nhiều tốp nhỏ, mỗi ngày tiến hành lùng kiếm tại các địa bàn được phân chia. Cuối ngày, họ lại mang thai nhi về tập kết tại một quán nước vỉa hè trên đường Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân, TP. HN). Tất cả bọc nhỏ sẽ được đựng vào một chiếc túi bóng đen to và Đạo là người cuối cùng mang chiếc túi về.

    Trời khuya hẳn, sắp sang một ngày mới cũng là lúc Đạo về phòng trọ. Công việc đầu tiên là phân loại thai nhi. Cảnh tượng đáng thương, đớn đau đến bàng hoàng!

    “Tôi có nhiều kỷ niệm khi làm công việc này lắm. Có trường hợp mở bọc túi ra, tôi bàng hoàng chết lặng bởi một cái thai rất lớn đang trong quá trình phân hủy. Rồi cả chuyện thấy tôi cầm khư khư chiếc bọc đen, các anh công an tưởng tôi là con nghiện bán ma túy”, Đạo chia sẻ với PV Đời sống & Pháp luật.

    Sau khi đưa các thai nhi về, Đạo sẽ tắm rửa sạch sẽ, mặc quần áo cẩn thận cho các con. Tất cả thai nhi được bảo quản trong tủ đông to. Lúc đầu, nhóm thiện nguyện chỉ sử dụng một chiếc, nhưng sau đó vì số lượng gia tăng nên phải dùng thêm một chiếc tủ đông có sức chứa lớn hơn.

    Trung bình mỗi tháng, Đạo và các bạn tình nguyện nhặt được từ 1.200 -1.500 thai nhi lớn nhỏ. Đây là con số khiến mọi người giật mình thảng thốt. Riêng bản thân Đạo đã tiến hành chôn cất khoảng 30.000 thai nhi. Số lượng các thai nhi được anh cẩn thận ghi chép vào một quyển sổ, Đạo gọi vui đó là "Sổ Nam Tào".

    Sau một tháng, khi hai chiếc tủ lạnh đầy, nhóm tính nguyện trẻ đem các thai nhi về nghĩa trang tại tỉnh Nam Định chôn cất. Lúc này các bé sẽ được bọc khăn xô, mặc quần áo rồi đặt vào chiếc tiểu nhỏ. Bánh kẹo, thạch sữa, hoa quả được chuẩn bị kỹ lưỡng trước buổi lễ cầu siêu.

    Nhóm tình nguyện vận chuyển thai nhi về nghĩa trang Nam Định để chôn cất.


    Buổi lễ khâm niệm diễn ra trong sự xúc động của mọi người.


    Cha sứ đọc bài cầu siêu để các bé sớm được siêu thoát.

    Các hố huyệt được đào sẵn từ trước đó.

    Lễ khâm niệm diễn ra trong không khí trang nghiêm, xúc động trước sự chứng kiến của nhiều người. Cha sứ sẽ đọc kinh thánh cầu siêu để sang một kiếp khác, các bé được sống trọn vẹn trong tình yêu thương của cha mẹ.

    Nhiều người xúc động, khóc nấc nghẹn ngào. Những đứa trẻ chưa một lần và cũng sẽ chẳng bao giờ được xuất hiện trên cõi đời tươi đẹp. Những đứa trẻ ra đi khi mới thành hình hài. Các con mãi nằm lại nơi hoang vu, lạnh lẽo, vắng người qua lại.

    Có lẽ trong cuộc đời mỗi con người, những tháng ngày an lành nhất là những tháng ngày nằm trong bụng mẹ, được cảm nhận hơi ấm, tình yêu thương thiêng liêng của tình mẫu tử. Chiều tàn, người tản, nghĩa trang nghi ngút khói hương, bỏ lại đằng sau những đứa bé khao khát được cất tiếng khóc chào đời...

    Ứng Hà Chi

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/hanh-trinh-lanh-leo-tu-phong-kham-toi-nghia-trang-cua-nhung-dua-tre-chua-mot-lan-thay-anh-mat-troi-a341824.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan