+Aa-
    Zalo

    Hé lộ chiêu biến hàng kém chất lượng thành “sản vật dân tộc”

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Từ bao đời nay, người dân vẫn tự ngâm rượu để uống. Tuy nhiên, nếu mua phải nguyên liệu dùng để ngâm rượu không đảm bảo chất lượng thì những bình rượu thuốc này lại có...

    Từ bao đời nay, người dân vẫn tự ngâm rượu để uống. Tuy nhiên, nếu mua phải nguyên liệu dùng để ngâm rượu không đảm bảo chất lượng thì những bình rượu thuốc này lại có nguy cơ biến thành... rượu độc mà không phải ai cũng biết.

    Suýt mất mạng vì rượu ngâm

    Dạo quanh một số cửa hàng bán dược liệu phục vụ bào chế thuốc Đông y, PV dễ dàng tìm mua một số sản vật dùng để ngâm rượu. Anh Hùng, chủ 1 cửa hàng trên đường Phúc Diễn (Bắc Từ Liêm, TP.Hà Nội) cho biết, anh có đủ các sản phẩm và nguyên liệu chuyên dùng để ngâm rượu, từ thảo mộc cho đến động vật các loại.

    “Chú muốn mua đồ ngâm rượu thì đến cửa hàng anh là chuẩn. Ở đây cái gì cũng có, giá cả phải chăng, làm ăn uy tín, sản phẩm được nhập từ các hộ dân ở vùng nguyên liệu...”, anh Hùng khẳng định.

    Nhiều loại rượu tự ngâm có chứa độc tố.

    Theo chia sẻ của Thuận, một người bạn chuyên bán sản vật dân tộc trên đường Lương Thế Vinh (quận Nam Từ Liêm, TP.Hà Nội), thời nay muốn mua đồ để ngâm rượu, đặc biệt là các loại thảo dược, thảo quả, thảo mộc, các loại động vật... vừa dễ lại vừa khó.

    Theo lời Thuận, đồ phục vụ ngâm rượu hiện nay cũng có vô số loại, các cửa hàng, người bán nhiều không đếm xuể. Người bán đồ ngâm rượu nào cũng cho rằng sản phẩm của mình là tốt nhất, nhưng thực tế có đúng hay không thì chưa ai... kiểm chứng. Thuận tiết lộ, những loại thảo dược, khô quả để ngâm rượu nhất thiết phải mua ở các cơ sở tin cậy, hoặc những người có kinh nghiệm. Nếu không dễ mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng, thậm chí có thể mua phải... thuốc độc.

    Thuận kể, ngày 27/10 vừa rồi ở Thái Bình xảy ra một vụ ngộ độc tập thể do uống rượu ngâm “sản vật”. Hôm đó, ông Vũ Tiến Hồi, trú tại thôn Vinh Hoa, xã Trọng Quan, huyện Đông Hưng mời 8 người bạn đến nhà uống rượu. Sau đó đã có 6 người bị ngộ độc. Theo lời kể của gia chủ thì một lần lên Lạng Sơn chơi, ông có mua của 1 người dân bản địa 1 gói quả khô gồm chuối rừng, táo mèo và 1 loại cà. Về nhà, ông Hội cho tất cả số quả khô nói trên vào ngâm rượu. Chờ đến khi mở tiệc tân gia, ông này mới mang ra đãi khách. Trong bữa tiệc này có 2 người không uống rượu nên may mắn không sao. Những người còn lại do được cấp cứu kịp thời nên qua cơn nguy kịch và sức khỏe đang dần ổn định.

    Thuận kể tiếp, cũng vào đầu tháng 10 vừa qua, 7 người bạn ở xã Thống Nhất, huyện Hoành Bồ, tỉnh Quảng Ninh tổ chức uống rượu và sau đó phải nhập viện cấp cứu với các triệu chứng như nôn, chóng mặt, co giật... Được cấp cứu kịp thời nên các nạn nhân may mắn thoát khỏi lưỡi hái tử thần. Qua tìm hiểu, các nạn nhân đã được chủ nhà mời uống rượu ngâm với rễ cây hồi rừng. Vì thiếu kiến thức nên gia chủ đã ngâm sai liều lượng, tỉ lệ dẫn đến ngộ độc.

    Đã có rất nhiều vụ ngộ độc do uống rượu ngâm xảy ra trên địa bàn cả nước. Trong đó có người đã mất mạng.

    Dùng tiểu xảo thu lời bất chính

    Có lẽ chưa khi nào số lượng người cung cấp, buôn bán các loại đồ ngâm rượu lại nhiều như bây giờ. Chỉ cần một cú nhấp chuột, PV đã thấy một danh sách các cửa hàng chuyên cung cấp đồ ngâm rượu, từ đồ quý hiếm đến bình dân và điều đáng nói là giá cả cũng...tùy vào tên gọi của những món đồ đó.

    Nguyễn Anh Thế, một chuyên gia về sản vật dân tộc ở một số tỉnh miền núi phía Bắc về Hà Nội chia sẻ: Hiện đồ ngâm rượu có rất nhiều, giá cả, chất lượng cũng rất phong phú. Có loại chỉ vài trăm nghìn đồng, nhưng có loại lên đến hàng triệu đồng/kg. Và dĩ nhiên, để có lợi, nhiều người đã dùng tiểu xảo để qua mặt khách hàng. Điều đáng nói là phần lớn các loại đồ ngâm rượu đều có nguồn gốc từ bên kia biên giới, giá cả lại phải chăng. Thế chia sẻ, ở các tỉnh giáp biên giới như Lào Cai, Lạng Sơn, Quảng Ninh,... có tình trạng một số tiểu thương nhập nguồn thảo dược không rõ nguồn gốc xuất xứ, chất lượng về bán lại cho người dân địa phương. Do không nắm rõ về các loại cây, củ, quả nên nhiều vị khách du lịch đã mua số thảo dược này về ngâm rượu.

    Theo bật mí của Thế, một trong những loại quả mà người dân dễ mua phải hàng kém chất lượng nhất chính là táo mèo. Táo mèo Trung Quốc khô, kém chất lượng được tư thương mua từ Trung Quốc về với giá rất rẻ. Đặc biệt, do táo được sấy bằng diêm sinh nên dù có để ở ngoài đến 2 năm thì màu sắc sản phẩm vẫn... không thay đổi. Nếu đem loại táo mèo khô này ngâm rượu để uống sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.

    Ngoài ra, cây ba kích cũng được nhiều đối tượng nhập từ nước ngoài về, trà trộn và bán cho người tiêu dùng kém hiểu biết làm nguyên liệu ngâm rượu. Thuận cho hay, ở phía Bắc, ba kích được trồng chủ yếu ở Quảng Ninh. Nếu người mua không quen biết hoặc không có kiến thức thì rất dễ vớ phải hàng kém chất lượng.

    “Hàng kém chất lượng là loại được các công ty chế xuất dược liệu tẩy rửa bằng hoá chất, sau đó đưa lên máy hấp, chiết xuất toàn bộ chất dinh dưỡng trong củ ba kích ra. Sau khi đã lấy hết chất dinh dưỡng, củ ba kích sẽ được sấy khô và đóng gói bán ra thị trường. Việc sử dụng loại ba kích này không những không có tác dụng chữa bệnh mà còn có thể gây ra tác hại không nhỏ. Ngoài táo mèo và củ ba kích, các tiểu thương còn nhập nhiều loại nguyên liệu khác mà người dân trong nước đang rất “sính” với cách chế biến không đảm bảo an toàn nói trên. Vì được bán ở những khu du lịch nổi tiếng nên lượng hàng tiêu thụ được khá lớn, làm giàu cho không ít người....”, Thế cho biết thêm.

    Trao đổi với PV báo ĐS&PL, lương y Vũ Quốc Trung (Đống Đa, Hà Nội) bày tỏ sự lo ngại khi người dân tự ý mua đồ về ngâm rượu. “Với những người có kiến thức, kinh nghiệm thì không sao nhưng với người không biết gì, lại bị người bán hàng “thổi phồng” tác dụng, bán cho những loại đồ ngâm không đảm bảo thì hậu quả khôn lường. Trường hợp ngộ độc rượu ngâm cà ở Thái Bình là một ví dụ. Không phải ai cũng biết cà gai có tác dụng với gan nhưng cà độc dược thì lại là thuốc độc. Phần vì người bán không có tâm, phần vì người mua thiếu hiểu biết nên không ít người bị ngộ độc khi uống phải loại rượu cà cực độc này. Theo quan điểm của tôi, khi sử dụng bất cứ thứ gì để ăn hay để uống thì phải hiểu biết và phải sử dụng đúng cách, đúng liều lượng”, lương y Trung khuyến cáo.

    Lương y Vũ Quốc Trung.

    Theo bác sĩ Phạm Duệ, nguyên Giám đốc trung tâm Chống độc bệnh viện Bạch Mai, ngay cả loại thảo dược có công dụng chữa bệnh nhưng nếu không biết dùng hoặc dùng bừa bãi thì có thể gây chết người. Chẳng hạn, củ ấu tàu được dùng trong dân gian và y học cổ truyền với công dụng trị các bệnh đau nhức, mỏi cơ - xương khớp. Nhưng trong củ ấu tàu cũng có chứa chất aconitin gây độc, thậm chí gây hôn mê, suy hô hấp, tử vong. Tuy nhiên, một số người dân ở các tỉnh phía Bắc vẫn truyền tai nhau kinh nghiệm bồi bổ bằng củ ấu tàu khiến nhiều người nhập viện do ngộ độc.

    Cùng chia sẻ về tác dụng của rượu ngâm, bác sĩ Nguyễn Xuân Hướng, nguyên Chủ tịch hội Đông y Việt Nam chia sẻ, loại rượu ngâm hoa thuốc phiện mà mọi người vẫn đồn thổi rằng “ông uống bà khen” có thể gây nghiện nếu lạm dụng. Trong Đông y, chỉ dùng anh túc xác, tức là quả thuốc phiện khô đã được bỏ nhựa, phối hợp với các loại thuốc dùng chữa bệnh để khống chế những cơn đau, tăng hưng phấn, kích thích tiêu hóa... Việc mọi người dùng cả thân, lá, hoa và quả của cây thuốc phiện để ngâm rượu là vô cùng nguy hiểm bởi các hoạt chất gây nghiện của cây anh túc tồn tại ở cả thân, lá, rễ nhưng với hàm lượng rất nhỏ. Khi đem ngâm rượu, chắc chắn không có tác dụng chữa bệnh và càng không có chuyện giúp “tăng cường sức mạnh của đàn ông”.

    Xuân Hòa

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/he-lo-chieu-bien-hang-kem-chat-luong-thanh-san-vat-dan-toc-a208755.html
    Sự kiện: Y tế sức khỏe
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan