+Aa-
    Zalo

    Israel đối mặt "cơn sóng thần ngoại giao" và sự cô lập từ quốc tế

    (ĐS&PL) - Các nhà phân tích cho rằng Israel đang thực sự phải đối mặt "cơn sóng thần ngoại giao" vì cuộc chiến chống Hamas ở Dải Gaza.

    Cuộc bắn phá của Israel ở phía Đông Rafah đã khiến hơn 300.000 người phải sơ tán. Mỹ và các quốc gia khác cũng như quan chức hàng đầu Liên Hợp Quốc đã lên tiếng cảnh báo cuộc tấn công toàn diện vào Rafah có thể gây tình cảnh thảm khốc đối với người tị nạn, nhiều người trong số họ đang sống trong điều kiện tuyệt vọng.

    Mới đây, Guardian đăng một bài viết về Israel với tựa đề "Bị cô lập ở nước ngoài, bị chia rẽ trong nước". Hãng AP cũng có bài "Sau 6 tháng chiến tranh, sự cô lập của Israel ngày càng tăng". Reuters đưa tin "6 tháng sau cuộc chiến ở Gaza, Israel phải đối mặt với sự cô lập ngày càng sâu sắc".

    Khói bốc lên từ một địa điểm ở Rafah sau khi bị Israel tấn công ngày 7/5. Ảnh minh họa

    Khói bốc lên từ một địa điểm ở Rafah sau khi bị Israel tấn công ngày 7/5. Ảnh minh họa

    Cuối năm 2023, Nam Phi đã kiện Israel lên Tòa Công lý Quốc tế (ICJ), cáo buộc Tel Aviv diệt chủng người Palestine ở Dải Gaza.

    Mới đây, cuối tháng 3, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc thông qua nghị quyết yêu cầu ngừng bắn ở Gaza và Mỹ đã bỏ phiếu trắng. Với lá phiếu trắng này, Mỹ, đồng minh kiêm bên bảo trợ lớn nhất của Israel, đã thể hiện mong muốn mạnh mẽ rằng Israel sẽ thay đổi hướng đi trong xung đột ở Gaza.

    Nghị viện châu Âu và nhiều quốc gia khác cũng bỏ phiếu kêu gọi Israel thay đổi cách tiếp cận trong cuộc chiến chống Hamas.

    Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden mới đây đã đe dọa ngừng cấp vũ khí cho Israel và xác nhận dừng một lô bom chuyển tới cho đồng minh để phản đối chiến dịch nhằm vào Rafah, thành phố miền nam Gaza có hơn một triệu người Palestine đang trú ẩn. Ireland và Tây Ban Nha trong khi đó cam kết chính thức công nhận tư cách nhà nước của Palestine.

    Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia từ lâu có quan hệ phức tạp với Israel, công bố lệnh cấm thương mại hoàn toàn với Tel Aviv.

    Trong khi đó, tại khu vực Nam Mỹ, Tel Aviv cũng chứng kiến loạt quốc gia cắt hoặc hạ cấp quan hệ ngoại giao, trong đó Colombia trở thành quốc gia Nam Mỹ thứ hai sau Bolivia cắt hoàn toàn quan hệ với Israel.

    Ông Yossi Mekelberg, thành viên viện Chatham House ở Anh, cho rằng làn sóng phẫn nộ của Mỹ và châu Âu gần đây với Israel là "chưa từng có", khi Tel Aviv sử dụng các loại bom đạn do Washington cung cấp để tấn công hàng loạt mục tiêu dân thường gây thương vong lớn.

    Lệnh cấm thương mại của Thổ Nhĩ Kỳ và động thái trì hoãn giao vũ khí, đe dọa ngừng cung cấp thêm của Mỹ được nhận định là những "đòn giáng mạnh" đối với Israel.

    Ông Shalom Lipner, cố vấn lâu năm của nhiều đời thủ tướng Israel, cảnh báo nếu chính phủ Israel phớt lờ lời cảnh báo từ nhà hỗ trợ quân sự và ngoại giao lớn nhất, điều đó sẽ gây "bất lợi chiến lược" cho Tel Aviv.

    Tuy nhiên, hôm qua (12/5), Israel vẫn tiếp tục không kích dải Gaza sau khi mở rộng lệnh sơ tán tại thành phố Rafah bất chấp cộng đồng quốc tế phản đối chiến dịch quân sự tới các vùng phía Đông của thành phố vốn đã khiến một cửa khẩu đóng vai trò quan trọng trong việc đưa hàng tiếp tế vào Dải Gaza phải đóng cửa.

    Cũng ngày, Ngoại trưởng Anh David Cameron nêu rõ Israel không nên thực hiện chiến dịch quân sự ở thành phố Rafah mà không có kế hoạch rõ ràng để bảo vệ dân thường.

    Theo ông Cameron, nếu thực hiện chiến dịch tại Rafah, trước tiên Israel cần có kế hoạch rõ ràng về việc bảo vệ mạng sống cho người dân, sơ tán và đảm bảo người dân có đủ lương thực, thuốc thang, nơi tạm trú, mọi thứ. Nhà ngoại giao Anh cũng cho rằng Israel cần cải thiện tình hình cho phép hàng viện trợ nhân đạo vào Dải Gaza.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/israel-oi-mat-con-song-than-ngoai-giao-va-su-co-lap-tu-quoc-te-a422425.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan