+Aa-
    Zalo

    Kè đê ven biển đổ sập, hàng loạt gia đình bỏ chạy trong đêm

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Triều cường dâng cao kèm sóng to, gió lớn đã làm tuyến kè ven biển Nhà Mát đổ gãy đoạn dài. Trong đêm, hàng chục hộ dân đã phải bỏ chạy để giữ mạng.

    Triều cường dâng cao kèm sóng to, gió lớn đã làm tuyến kè ven biển Nhà Mát đổ gãy đoạn dài. Trong đêm, hàng chục hộ dân đã phải bỏ chạy để giữ mạng.

    Theo báo Tuổi trẻ, khoảng 3h sáng 13/2, sóng to, gió lớn cấp 8-9 đánh liên tiếp vào tuyến kè Nhà Mát làm nhiều đoạn kè bị hư hỏng nghiêm trọng.

    Hơn 20 mét kè Nhà Mát đoạn từ nhà hàng Hương Biển, khu du lịch Nhà Mát đến đồn Biên phòng Nhà Mát bị sóng lớn phá vỡ đoạn kè. Những cột sóng cao trên 2 mét cuốn phăng đoạn kè ra xa. Sóng lớn cũng liên tục đánh vào bờ, tràn vào nhà dân gây ngập úng.

    Đoạn kè đê bị gẫy sập - Ảnh: báo VOV

    Quan sát cho thấy một đoạn kè dài hơn 20m bị sụp và gẫy đổ xuống phía bờ đê. Nhiều đoạn kè bị hư hỏng có thể tiếp tục bị sụp và đổ gẫy nếu gặp sóng to, gió lớn.

    Ông Nguyễn Văn Hà (phường Nhà Mát, TP Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu), cho biết: “Sóng với gió lớn liên tiếp đánh vào bờ kè, có lúc đánh lên tận nóc nhà của tôi và những hộ dân nơi đây. Chúng tôi chỉ biết bỏ của chạy lấy người”.

    Bà Phan Thị Duy (phường Nhà Mát, TP Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu) than thở: “Chỉ trong một đêm đồ đạc của tôi để bán cho du khách ăn uống bị sóng đánh hư hỏng hết”.

    Thông tin trên báo VOV cho hay, sau khi sự cố xảy ra, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Dương Thành Trung có mặt tại hiện trường, trực tiếp khảo sát tình hình thiệt hại 2 tuyến kè trên.

    Bộ đội Biên phòng giúp người khắc phục hậu quả - Ảnh: báo Công lý

    Chủ tịch tỉnh đã kịp thời chỉ đạo chính quyền địa phương, lực lượng Bộ đội Biên phòng triển khai nhanh các biện pháp tiếp ứng để bảo đảm an toàn tính mạng và giảm bớt thiệt hại về tài sản cho nhân dân. Đồng thời, chỉ đạo ngành nông nghiệp tiếp tục theo dõi sát tình hình diễn biến triều cường, đê kè Nhà Mát và Gành Hào để chủ động ứng phó kịp thời, nhất là triều cường dự báo sẽ tiếp tục dâng cao trong những ngày tới.

    Riêng việc khắc phục các đoạn kè bị hư hỏng cần có phương án cụ thể, khả thi dựa trên tham vấn của các nhà khoa học và nguồn vốn thực tế của địa phương.

    Điều 30 Luật phòng chống thiên tai năm 2013 quy định Hoạt động khắc phục hậu quả thiên tai như sau:

    "1. Hoạt động khắc phục hậu quả thiên tai bao gồm:

    a) Tiếp tục triển khai công tác tìm kiếm cứu nạn, cứu trợ, hỗ trợ lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, nhu yếu phẩm thiết yếu khác và hỗ trợ tâm lý để ổn định đời sống của người dân;

    b) Thống kê, đánh giá thiệt hại do thiên tai gây ra, nhu cầu cứu trợ, hỗ trợ và đề xuất phương án khắc phục hậu quả;

    c) Hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, vật tư, trang thiết bị, nhiên liệu thiết yếu khác để phục hồi sản xuất;

    d) Cung ứng vật tư, hàng hóa thiết yếu và thực hiện biện pháp quản lý giá, bình ổn thị trường;

    đ) Thực hiện vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh ở khu vực bị tác động của thiên tai;

    e) Sửa chữa, khôi phục, nâng cấp công trình phòng, chống thiên tai, giao thông, thông tin, thủy lợi, điện lực, trường học, cơ sở y tế và công trình hạ tầng công cộng; tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức và năng lực của cộng đồng về phòng, chống thiên tai.

    2. Trách nhiệm thực hiện hoạt động khắc phục hậu quả thiên tai được quy định như sau:

    a) Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có trách nhiệm chủ động khắc phục hậu quả thiên tai đối với cơ sở hạ tầng, tài sản thuộc phạm vi quản lý; tham gia hỗ trợ hoạt động khắc phục hậu quả thiên tai theo sự huy động của cơ quan có thẩm quyền;

    b) Ủy ban nhân dân, Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp có trách nhiệm tổ chức thực hiện công tác khắc phục hậu quả thiên tai trên địa bàn theo quy định tại khoản 1 Điều này;

    c) Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có trách nhiệm chủ động khắc phục hậu quả thiên tai trong phạm vi quản lý và tham gia khắc phục hậu quả thiên tai khi có yêu cầu;

    d) Ban chỉ đạo trung ương về phòng, chống thiên tai có trách nhiệm tổng hợp báo cáo đánh giá thiệt hại và nhu cầu cứu trợ, hỗ trợ từ các địa phương và các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả thiên tai và báo cáo Chính phủ về biện pháp và nguồn lực để hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai".

    Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ mang tính tham khảo.

    (Tổng hợp)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/ke-de-ven-bien-do-sap-hang-loat-gia-dinh-bo-chay-trong-dem-a180872.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan