+Aa-
    Zalo

    "Lệnh” giáo viên soạn giáo án viết tay: Đi ngược xu thế, tạo nhiều áp lực

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Tại huyện Như Xuân (Thanh Hóa), một bộ phận giáo viên đang “kêu trời” vì quy định trái khoáy là bắt giáo viên soạn giáo án viết tay, thay vì đánh máy như trước.

    (ĐSPL) - Tại huyện Như Xuân (Thanh Hóa), một bộ phận giáo viên đang “kêu trời” vì quy định trái khoáy là bắt giáo viên soạn giáo án bằng... viết tay, thay vì đánh máy như thông thường. 

    Nhiều giáo viên trên địa bàn huyện Như Xuân (Thanh Hóa) bất bình về việc lãnh đạo huyện, Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện này đã ban hành văn bản, bắt buộc phải soạn bài và soạn các văn bản hồ sơ giấy tờ bằng hình thức viết tay, thay vì đánh máy tính như các năm học trước đó. 

    Việc buộc phải soạn giáo án viết tay khiến giáo viên bức xúc trong thời gian qua.

    Cô giáo N.T. L., hiện đang công tác tại trường Tiểu học Xuân Bình (huyện Như Xuân) bức xúc cho biết, nhiều năm học trước, các thầy cô vẫn soạn giáo án điện tử bình thường, nhưng kể từ đầu năm học này, cấp trên lại có quy định bắt buộc các giáo viên phải soạn giáo án viết tay.

    Việc này đã làm đảo lộn kế hoạch công tác giảng dạy, thời gian soạn bài của các thầy cô. Với trường cô L., trung bình một tuần phải dạy 23 tiết (thậm chí có giáo viên từ 24 - 25 tiết), ngày dạy trung bình 7 tiết, để chuẩn bị 7 giáo án viết tay cho một ngày đi dạy là hết sức vất vả, áp lực.

    Thậm chí có nhiều thầy cô chắt góp từ đồng lương ít ỏi đầu tư trang thiết bị máy móc mới hàng chục triệu đồng như máy vi tính, máy in, thì nay coi như bỏ không, gây lãng phí.

    Ông Nguyễn Đình Lâm, Hiệu trưởng trường Tiểu học Xuân Bình cũng bày tỏ sự không đồng thuận với quy định từ phía lãnh đạo cấp trên. “Nhà trường thực hiện theo công văn hướng dẫn của Phòng GD&ĐT huyện, không thể cãi lại được. Trong các cuộc họp chuyên môn, tập huấn ở huyện, chúng tôi cũng đã phản ánh việc bắt buộc giáo viên soạn bài, soạn các văn bản giấy tờ bằng viết tay là vô lí và vất vả cho các giáo viên. Nếu nói việc soạn bài bằng cách viết tay để nâng cao chất lượng tiết dạy, thì tôi thấy nó lại gây lãng phí thời gian. Phía các khối mầm non và THCS còn đỡ khổ, chứ giáo viên cấp tiểu học chúng tôi phải cố gắng đủ giáo án viết tay cho một ngày dạy là rất vất vả. Bản thân lãnh đạo chúng tôi, cũng phải soạn hồ sơ, giấy tờ văn bản bằng cách viết tay”. ông Lâm cho biết.

    Trao đổi về vấn đề này, ông Lê Nhân Trí, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Như Xuân phân trần: “Xuất phát từ thực tiễn chất lượng thật từ các tiết dạy của các giáo viên rất yếu. Qua kiểm tra chuyên môn, chúng tôi nhận thấy một số giáo viên soạn bài theo cách đối phó, thậm chí copy trên mạng, "râu ông nọ chắp cằm bà kia". 

    "Một lần ghi là hai lần nhớ và nhằm thức tỉnh lại ý thức tinh thần trách nhiệm nghề nghiệp của người giáo viên, chúng tôi đã quyết định ra văn bản hướng dẫn quy định bắt buộc này, chứ chúng tôi không có ý định gây phiền hà, khó dễ cho các giáo viên” - ông Trí nhấn mạnh.

    Ông Lê Nhân Trí - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Như Xuân. 

    Còn Chánh văn phòng Sở GD&ĐT Thanh Hóa Trịnh Xuân Cảnh cho biết, Sở GD&ĐT không có chủ trương, chỉ đạo như thế. Việc buộc giáo viên soạn giáo án bằng tay là đi ngược lại xu thế thời đại, có phần gây áp lực, khó khăn cho thầy cô giáo.

    Ông Trịnh Xuân Cảnh - Chánh văn phòng Sở GD&ĐT Thanh Hóa cho rằng đó là cách làm thiếu khoa học, máy móc.

    Để làm rõ hơn vấn đề, ông Cảnh hướng dẫn chúng tôi gặp ông Vũ Duy Cảng - Trưởng phòng Giáo dục tiểu học (thuộc Sở GD&ĐT Thanh Hóa).

    Theo ông Cảng thì giáo án viết tay như Trưởng phòng GD&ĐT huyện Như Xuân nói là để tránh tình trạng copy trên mạng nhằm đối phó, không có chất lượng; viết tay cho dù chép lại cái có sẵn thì cũng giúp giáo viên ghi nhớ được phần nào bài biết. Suy nghĩ như vậy có ý đúng nhưng chưa đầy đủ.

    Từ nhiều năm nay, Bộ GD&ĐT chỉ đạo tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học và quản lí giáo dục, các trường tiểu học trong tỉnh thực hiện nội dung này rất hiệu quả. Soạn bài trên máy vi tính giúp giáo viên thực hiện nhanh công việc, có thể căn cứ vào bản cũ để bổ sung, sửa đổi cho phù hợp; nhiều giáo viên đã biết soạn giáo án điện tử hoặc tìm tòi, ứng dụng các phần mềm tranh ảnh minh họa, video clip,… làm cho bài giảng phong phú, hấp dẫn và thực sự nâng cao chất lượng dạy học. Giáo án viết tay không thể có được những ưu điểm nổi trội đó.

    Đặc biệt từ khi thực hiện thay sách (năm học 2012 - 2013), không đặt nặng vấn đề soạn giáo án mà thay bằng lập Kế hoạch bài học. Kế hoạch bài học chỉ cần nêu ra các hoạt động, mỗi hoạt động có một số gạch đầu dòng chỉ ra những việc mà giáo viên tổ chức cho học sinh thực hiện để đạt mục tiêu hoạt động đó; kế hoạch bài học cho mỗi tiết chỉ khoảng 1 trang giấy A4.

    "Như vậy, vấn đề quan trọng nhất để nâng cao chất lượng dạy học không phải là soạn giáo án mà là giáo viên nghiên cứu kĩ bài, biết tổ chức cho học sinh tham gia hoạt động một cách chủ động, tích cực để các em tự phát hiện vấn đề, tự giải quyết vấn đề và chiếm lĩnh kiến thức.

    Bên cạnh đó thời lượng làm việc của giáo viên tiểu học rất nhiều và rất căng, phần lớn dạy học cả ngày ở trường, lại dạy nhiều môn, nên cần giảm tối đa kiểu quản lí hành chính tạo thêm gánh nặng cho giáo viên. Theo tôi, không nên đưa ra quy định giáo viên phải soạn giáo án viết tay" - ông Vũ Duy Cảng cho hay.

    Triều Dương

    Nguồn: Người Đưa Tin


    Xem thêm video: 
    [mecloud]wynWdl3cay[/mecloud]
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/lenh-giao-vien-soan-giao-an-viet-tay-di-nguoc-xu-the-tao-nhieu-ap-luc-a164639.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.