+Aa-
    Zalo

    Lo học sinh áp lực, phụ huynh đề xuất bỏ môn thi thứ 4 vào lớp 10

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Do học sinh lớp 9 năm nay phải học trực tuyến kéo dài, nhiều giáo viên, phụ huynh cũng như học sinh đề xuất Hà Nội bỏ môn thi thứ 4.

    Lo hổng kiến thức khi học online

    Tính đến đầu tháng 12 này, học sinh Hà Nội căng mình học trực tuyến ròng rã trong 3 tháng. Với tình hình học sinh lớp 9 năm nay phải học trực tuyến kéo dài như vậy, nhiều giáo viên, phụ huynh đề xuất Hà Nội nên bỏ môn thi thứ 4 để giảm áp lực cho các em.

    lo hoc sinh ap luc nhieu phu huynh de xuat bo mon thi thu 4 vao lop 10 dspl
    Nhiều học sinh, giáo viên mong mỏi được bỏ môn thi thứ 4 vào lớp 10.

    Gần kết thúc học kỳ 1 năm học 2021 - 2022 nhưng Trần Ngọc Phương, lớp 9 trường THCS Ngô Quyền (Hai Bà Trưng, Hà Nội) vẫn chưa được tới trường học trực tiếp, trong khi bạn bè tại nhiều huyện ngoại thành đến trường được hơn 5 tuần. Nữ sinh sốt ruột khi chỉ còn khoảng nửa năm nữa là kỳ thi vào lớp 10 THPT công lập tại Hà Nội diễn ra.

    "5 tháng học trực tuyến, kiến thức của em bị hổng khá nhiều. Mặc dù các nội dung trong chương trình học được giảm tải so với năm ngoái nhưng em và các bạn đều thấy lo lắng, không tự tin để tham gia kỳ thi vào lớp 10. Ngoài thời gian học trực tuyến, em phải học thêm 3 môn Toán, Văn, Anh để bồi dưỡng thêm các kiến thức cũng như luyện đề thi", Phương nói và hy vọng Hà Nội bỏ môn thi thứ 4 vào lớp 10 năm học tới.

    Chị Trần Huyền My, trú quận Đống Đa, Hà Nội e ngại việc thi 4 môn sẽ gây áp lực cho con gái chị chưa được quay lại trường kể từ tháng 5. Lý do chị đưa ra là học online không hiệu quả như trực tiếp, thời gian học cũng ít hơn, chưa kể con họ còn phân tán vì các trò chơi trên mạng.

    Theo chị My, việc tổ chức môn thi thứ tư ở Hà Nội nhằm tránh để học sinh học lệch, học tủ, chỉ tập trung vào 3 môn chính là Toán, Văn và Ngoại ngữ. Tuy nhiên thực tế, học sinh vẫn tập trung nhiều hơn cho ba môn này trong năm học, và chỉ thực sự chú tâm vào môn thứ tư sau khi Sở GD&ĐT công bố vào tháng 3.

    "Nếu thi càng nhiều môn, học sinh sẽ khá áp lực trong thời gian còn lại của năm học. Khi được đến trường trở lại, các thầy cô sẽ phải đẩy mạnh ôn luyện, đồng nghĩa các con có thể phải học với cường độ cao hơn. Thực sự thời điểm này gia đình đang rất rối bời về việc lựa chọn trường cho con trong năm nay vì nếu đặt mục tiêu cao sợ sẽ... trắng tay"- chị My nhấn mạnh.

    Bà Nguyễn Thị Huyền- Hiệu trưởng Trường THCS An Khánh, huyện Hoài Đức (Hà Nội) cho rằng, với tình hình dịch bệnh như hiện nay, học sinh trường bà có thể gần hết học kỳ I học sinh mới được đến trường vì thời gian gần đây địa bàn liên tục xuất hiện nhiều ca F0. Do đó, bà Huyền kiến nghị Sở GD&ĐT Hà Nội đề xuất hủy môn thi thứ 4, thậm chí chỉ nên thi tuyển vào lớp 10 gồm ba môn Toán, Ngữ văn và Tiếng Anh là phù hợp.

    “Cách đây 2 năm, Hà Nội đã giảm môn thi thứ 4. Năm ngoái, thành phố rút ngắn thời gian làm bài thi nhưng năm đó, thời gian học trực tiếp ở trường khá nhiều so với năm nay. Năm nay thực sự học sinh nếu thi như bình thường sẽ gặp khó khăn hơn”, bà Huyền nói.

    Nên bỏ môn thi thứ 4

    Hiệu trưởng một số trường THCS khác cho rằng, chất lượng dạy học trực tuyến khó có thể đánh giá đạt bao nhiêu phần trăm so với trực tiếp. “Học trực tuyến kéo dài khiến học sinh kiến thức rơi rụng rất nhiều. Vì lẽ đó, Hà Nội nên bỏ môn thi thứ 4 hoặc công bố môn thi sớm để các trường, học sinh chủ động có kế hoạch dạy học và ôn tập nhằm giảm áp lực cho học sinh”, hiệu trưởng một trường THCS tại Hà Nội nói.

    Một giáo viên dạy khối 9 tại huyện Mỹ Đức chia sẻ, việc thành phố sớm công bố hình thức thi cũng như số lượng môn thi của kỳ thi vào lớp 10 đóng vai trò quan trọng với học sinh và giáo viên trong vấn đề ôn tập. Còn nếu đến tháng 3 mới công bố như mọi khi thì giáo viên và học sinh “vắt chân lên cổ” cũng không kịp.

    Nêu quan điểm về đề xuất bỏ môn thi thứ 4 vào lớp 10 của Hà Nội, ông Nguyễn Quốc Đạt, Hiệu trưởng Trường THCS Chu Văn An, Long Biên (Hà Nội) cho rằng, nếu mạnh dạn bỏ thì cũng thuận lợi cho học sinh nhưng cũng không quá áp lực là phải bỏ cho bằng được.

    Ông Đạt thừa nhận, năm nay là năm gây nhiều khó khăn cho kinh tế và giáo dục. Tuy nhiên, theo ông Đạt, các trường ở Hà Nội đã có kinh nghiệm trong việc ứng phó và không phải năm đầu tiên tổ chức kỳ thi trong tình trạng này.

    Việc học trực tuyến, ông Đạt cho rằng, việc thích ứng của nhà trường và làm chủ của thầy cô đã khác một năm trước. Học sinh cũng đã quen, chuyên nghiệp hơn trong việc học nhưng có bất lợi ở khả năng tương tác và tâm lý khi tham gia học tập nên thực tế có giảm đi chất lượng.

    “Phụ huynh lo lắng là đúng. Nếu giảm 3 môn cũng giống như năm trước, phụ huynh nghĩ sẽ thuận lợi hơn. Thi thì học sinh có vất vả và lo lắng hơn nhưng đây là vấn đề cấp trên sẽ quyết định. Thành phố sẽ lắng nghe và có giải pháp tổng quan cho tất cả các nhà trường một cách thấu đáo”- ông Đạt nói.

    Cũng theo vị hiệu trưởng này, năm nay cái khó là ở việc ra đề. “Ở môn Toán, môn Tiếng Anh có thể tăng trắc nghiệm lên nhưng khó nhất là bộ môn Văn không thể thi hoàn toàn trắc nghiệm được nên cần có giải pháp”- ông Đạt nói.

    Trước ý kiến cho rằng, trong bối cảnh gần hết kỳ I, học sinh vẫn phải học trực tuyến, Sở GD&ĐT nên công bố ngay phương án tuyển sinh lớp 10. Ông Đạt cho rằng, ông cũng mong muốn biết sớm kế hoạch thi vào lớp 10. Với tình hình hiện nay, ông đánh giá có thể đầu năm sau, tất cả học sinh lớp 9 mới được trở lại trường. Do đó, theo ông, nếu vẫn thi 4 môn, "tôi nghĩ Sở cần công bố sớm phương án thi để các em có đủ thời gian ôn tập", ông Đạt nói.

    Một hiệu trưởng Trường THPT ở Hà Nội nêu quan điểm cá nhân là không nên bỏ môn thi vào lớp 10 THPT dù trong tình hình học trực tuyến dài ngày như hiện nay. Theo hiệu trưởng này, hiện học sinh vẫn còn tâm lý có thi mới học. Nếu bỏ môn thi thứ 4, thì nhiều môn học khác như Lý, Hóa, Sinh... sẽ bị giáo viên và học sinh buông lỏng để dồn vào môn chính. Cũng theo vị hiệu trưởng này, sở dĩ ông không đồng tình với đề xuất bỏ môn thi thứ 4 vào lớp 10 THPT của Hà Nội là vì, cùng một mặt bằng học trực tuyến như nhau, học sinh học thế nào, cứ thi thế ấy. “Với tâm lý có thi mới học như hiện nay, nếu bỏ môn thi thứ 4, học sinh và giáo viên sẽ có tâm lý buông lỏng. Mặt khác, giáo dục cần sự ổn định, nếu cứ thay đổi xoành xoạch thì còn gì là sự tôn nghiêm”- vị hiệu trưởng này nói.

    M.Vy (T/h) 

    Bài đăng trên ấn phẩm Tạp chí in Đời sống& Pháp luật số Chủ nhật (45)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/lo-hoc-sinh-ap-luc-phu-huynh-de-xuat-bo-mon-thi-thu-4-vao-lop-10-a523580.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan