+Aa-
    Zalo

    Luật sư Nguyễn Văn Chiến bào chữa cho người đang kêu oan

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Luật sư Nguyễn Văn Chiến (ĐBQH khóa XIV, Phó Chủ tịch Liên đoàn luật sư Việt Nam, Chủ nhiệm Đoàn luật sư TP. Hà Nội) là người nhận trách nhiệm bào chữa cho bị cáo kêu oan

    Chúng tôi nhận được đơn kêu oan của chị Nguyện Thị Lệ trong vụ án “Thiếu trách nhiệm gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của Nhà nước.

    Để có cái nhìn đa nhiều, chúng tôi đã liên lạc Luật sư Nguyễn Văn Chiến (ĐBQH khóa XIV, Phó Chủ tịch Liên đoàn luật sư Việt Nam, Chủ nhiệm Đoàn luật sư TP. Hà Nội) là người nhận trách nhiệm bào chữa cho bị cáo Nguyện Thị Lệ đang kêu oan, trong vụ án này.

    Vụ án “Thiếu trách nhiệm gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của Nhà nước” xảy ra tại Ngân hàng Nhà nước – chi nhánh tỉnh Hưng Yên gần đây khiến dư luận quan tâm. Vụ án cho chúng ta tiếp cận thêm một góc khuất trong lĩnh vực quản lý nhà nước về ngân hàng đối với tiền đã qua sử dụng, không đủ điều kiện lưu thông.

    Chị Nguyễn Thị Lệ (trái) tại phiên tòa. Ảnh Chân Luận, PLO

    Theo kêu cứu của bị cáo Nguyễn Thị Lệ, nguyên thủ quỹ kho nghiệp vụ phát hành Ngân hàng nhà nước – chi nhánh tỉnh Hưng Yên thì bị cáo này bị truy tố để xét xử về tội “Thiếu trách nhiệm gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của Nhà nước” quy định tại khoản 3 Điều 144 BLHS trên cơ sở Cáo trạng số 68/QĐ-VKS-HS ngày 01/9/2017 của VKSND tỉnh Hưng Yên.

    TAND tỉnh Hưng Yên đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án và đã có đến 02 lần liên tục trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung do còn thiếu các chứng cứ quan trọng của vụ án để buộc tội bị cáo.

    Mới đây, được biết VKSND tỉnh Hưng Yên tiếp tục có văn bản gửi TAND tỉnh Hưng Yên nêu quan điểm và đã không thực hiện điều tra bổ sung theo yêu cầu, tiếp tục truy tố để xét xử bị cáo Nguyễn Thị Lệ về tội danh và điều khoản nêu trên. TAND tỉnh Hưng Yên sẽ mở lại phiên tòa sơ thẩm trong thời gian tới đây.

    Làm việc với luật sư Nguyễn Văn Chiến, ông cho biết hết sức bất ngờ về quan điểm tiếp tục truy tố bị cáo Lệ theo Cáo trạng của VKSND tỉnh Hưng Yên mà không có bất kỳ hoạt động điều tra bổ sung nào được thực hiện trong khi các vấn đề Tòa án yêu cầu trả hồ sơ để điều tra bổ sung đều trực tiếp liên quan đến việc xác định sự thật vụ án, là cơ sở để bảo đảm xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật; không bỏ lọt tội phạm nhưng không làm oan người vô tội.

    Theo luật sư Nguyễn Văn Chiến, với vai trò là thủ kho nghiệp vụ của NHNN-chi nhánh tỉnh Hưng Yên, bị cáo Lệ bị cáo buộc về hành vi thiếu trách nhiệm gây thiệt hại thất thoát 03 khoản tiền trong lượng tiền không còn giá trị lưu thông được các ngân hàng thương mại trên địa bàn nộp để thu hồi về kho quỹ Ngân hàng nhà nước Việt Nam. Tuy nhiên việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với bị cáo về 03 khoản tiền này đều hết sức khiên cưỡng, hoàn toàn không vững chắc.

    Khoản thứ nhất, 200 triệu đồng được xác định bị thiếu khi thực hiện kiểm đếm sau khi bị cáo đã nghỉ việc và bàn giao cho thủ kho mới. Người thủ kho mới cũng đã bàn giao số tiền cho thủ kho của kho khác (kho dự trữ phát hành) trong NHNN- chi nhánh Hưng Yên. Sau khi bàn giao rồi các Thủ kho và giám sát mới tổ chức mở niêm phong kiểm đếm hôm sau, trái quy định Thông tư thông tư  số 01/2014/TT-NHNN ngày 06/01/2014 của Ngân hàng nhà nước Việt Nam quy định về giao nhận, bảo quản, vận chuyển tiền mặt, tài sản quý, giấy tờ có giá.

    Phiên tòa xét xử tại Hưng Yên

    Hơn nữa, theo quy định tại Thông tư này thì chỉ những người có tên, chữ ký trên giấy niêm phong phải chịu trách nhiệm về bó/túi/hộp/bao/thùng tiền đã niêm phong. Việc xác định 2 bó tiền mệnh giá 100.000 đồng bị thiếu trong bao tiền quy trách nhiệm cho bị cáo Lệ, tuy nhiên, tên trên niêm phong đầu bao có bó tiền thiếu là tên đánh máy (không phải chữ viết), đồng thời chữ ký trên niêm phong đến nay qua trưng cầu giám định đã xác định không phải chữ ký của bị cáo Lệ nên không có cơ sở để cáo buộc trách nhiệm hình sự cho bị cáo về khoản tiền này. Tại phiên tòa đại diện VKS khẳng định có được xem ghi hình việc mở niêm phong kiểm đếm nêu trên nhưng đến nay không hiểu vì sao không đề cập đến chứng cứ quan trọng này trong hồ sơ vụ án. Việc tên viết không do mình viết mà là chữ đánh máy, chữ ký không phải của mình trong điều kiện đã nghỉ việc nay bị quy trách nhiệm về việc thiếu tiền thì bị cáo kêu oan là có cơ sở.

    Khoản tiền thứ hai,  xác định thiếu 523.100.000 đồng sau khi NHNN-chi nhánh tỉnh Hưng Yên tổ chức kiểm đếm tổng thể 194 tỷ đồng được lưu giữ tại 02 kho (kho nghiệp vụ và kho dự trữ). Luật sư Chiến rất băn khoăn về kết quả điều tra không xác định được số tiền thiếu này nằm ở kho nào (tức thuộc kho nghiệp vụ của bị cáo Lệ quản lý trước đây hay kho dự trữ của người khác) và chính NHNN - chi nhánh Hưng Yên cũng có văn bản trả lời không thể xác định được số tiền thiếu thuộc kho nào trong chi nhánh.

    Điều kỳ lạ là trong lần kiểm đếm này, chỉ có 23 tỷ đồng thuộc kho nghiệp vụ mà BC Lệ nguyên là thủ kho, có đến 171 tỷ  đồng của kho dự trữ do người khác có trách nhiệm, nhưng cuối cùng kiểm đếm chi tiết số tờ, toàn bộ số tiền thiếu của cả 02 kho đều quy hết trách nhiệm cho bị cáo Lệ trong khi bị cáo đã nghỉ việc, bàn giao xong và không làm công tác quản lý kho nghiệp vụ.

    Đó là chưa kể, theo Thông tư 01/2014/TT-NHNN ngày 06/01/2014 của Ngân hàng nhà nước Việt Nam thì thủ kho cũng không phải chịu trách nhiệm về số tờ thiếu trong từng thếp tiền vì họ không có trách nhiệm kiểm đếm từng tờ, mà chỉ chịu trách nhiệm về thiếu bó tiền (nguyên 10 thếp) và thiếu bao tiền (đủ 20 bó) đã niêm phong. Theo Thông tư 01 thì việc thiếu số lượng tờ là thuộc trách nhiệm các Ngân hàng thương mại nên thực tế các ngân hàng đã nộp đủ số tiền thiếu 523.100.000 đồng cho NHNN – CN Hưng Yên để khắc phục xong.

    Điều bất thường là các niêm phong đầu bao của lượng tiền kiểm đếm 194 tỷ đồng không được đưa ra xem xét trong vụ án để xác định trách nhiệm của những người có tên, chữ ký trên niêm phong đầu bao theo quy định tại Thông tư 01 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

    Khoản thứ ba, số tiền 1.395.000.000 đồng bị thiếu lại thuộc về kho quỹ của Ngân hàng nhà nước Việt Nam. Luật sư Chiến cho biết khoản tiền này, đặc biệt có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm và có dấu hiệu truy oan cho bị cáo Lệ. Luật sư Chiến phân tích, bị cáo Lệ không thể có trách nhiệm gì về số tiền bị thiếu này do tiền này từ kho nghiệp vụ của bị cáo Lệ đã bàn giao sang cho kho dự trữ của thủ kho khác tại chi nhánh Hưng Yên. Sau khi vị thủ kho của kho dự trữ nhận đủ, mới đóng niêm phong tên, chữ ký của mình (lúc này không còn niên phong tên, chữ ký của Bc Lệ nữa). Sau đó, Ngân hàng nhà nước Việt Nam đã có lệnh điều chuyển và cho xe về Hưng Yên nhận tiền. Sau khi kiểm đếm, thủ kho của kho dự trữ cũng đã bàn giao xong và đại diện kho quỹ của Ngân hàng nhà nước Việt Nam niêm phong với tên, chữ ký của mình (lúc này không còn niêm phong của thủ kho Kho dự trữ Chi nhánh Hưng Yên nữa). Tại phiên tòa sơ thẩm, đại diện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng thừa nhận việc nhận đầy đủ, đúng quy trình, quy chuẩn, rồi mới đưa về kho tiền trung ương.

    Về đến Hà Nội, nhập lưu kho, sau đó còn cho tổ chức hội đồng kiểm tra mở xác xuất một số bao tiền với một số mệnh giá khác nhau, đều thấy đầy đủ, hợp lệ rồi tái niêm phong lại. Sau hàng năm tháng trôi qua, số tiền không đủ điều kiện lưu thông đã điều chuyển từ NHNN – chi nhánh Hưng Yên về Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho chở về lại kiểm đếm theo số tờ tại chi nhánh Hưng Yên, phát hiện thiếu và quy toàn bộ trách nhiệm thuộc về bị cáo Lệ.

    Điều đáng lưu ý là niêm phong đầu bao với tên, chữ ký của nhân viên cán bộ có thẩm quyền thuộc NHNN Việt Nam đối với các bao, thếp tiền có số tờ kiểm đếm bị thiếu nhưng không ai phải chịu trách nhiệm, quy cho bị cáo Lệ phải gánh thay họ toàn bộ hậu quả thiếu tiền với niêm phong của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thì thực sự vô lý, oan cho bị cáo. Điều này đang đi trái quy định của tại Thông tư 01 do chính NHNN ban hành quy định trách nhiệm người có tên, chữ ký trên niêm phong bao tiền phải chịu. Phải chăng, niêm phong các bao tiền thiếu sau khi kiểm đếm số tờ là niêm phong mang tên và chữ ký của cán bộ Ngân hàng nhà nước Việt Nam nên “không tiện” quy kết và xử lý trong vụ án này?

    Hy vọng, trong phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án vào ngày 13/4/2018 tới đây, với thẩm quyền của mình sau khi đã hết số lần trả hồ sơ điều tra bổ sung theo quy định BLTTHS 2015, Tòa án nhân dân tỉnh Hưng Yên sẽ tuyên một bản án công tâm, khách quan. Bị cáo Nguyễn Thị Lệ và người bào chữa cho biết sẽ quyết tâm đi tìm lẽ phải, sự công bằng đến cùng vì bị cáo đang có dấu hiệu oan trong vụ án.

    Chúng tôi sẽ tiếp tục đưa tin đến bạn đọc về phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án.

                        

    Link bài gốc Lấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/luat-su-nguyen-van-chien-bao-chua-cho-nguoi-dang-keu-oan-a225600.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan
    Luật sư bào chữa gì cho Trịnh Xuân Thanh?

    Luật sư bào chữa gì cho Trịnh Xuân Thanh?

    "Bị cáo Trịnh Xuân Thanh không có lỗi khi thực hiện trách nhiệm của người đứng đầu. Cáo trạng quy kết bị cáo cố ý làm trái là nhận định chưa khách quan", luật sư Lê Văn T