+Aa-
    Zalo

    Mở rộng điều tra vụ 7.000 hộp tân dược nghi nhập lậu

    • DSPL

    (ĐS&PL) - 7.000 hộp tân dược nghi nhập lậu được phát hiện ở hai địa điểm tại quận 10 và quận Tân Bình (TP.HCM).

    7.000 hộp tân dược nghi nhập lậu được phát hiện ở hai địa điểm tại quận 10 và quận Tân Bình (TP.HCM). Các thuốc trên dùng điều trị một số bệnh liên quan đến tim mạch, não..., xuất xứ từ Thổ Nhĩ Kỳ, Pháp...

    Số thuốc tân dược nghi nhập lậu trị giá nhiều tỷ đồng vừa bị PC03 phối hợp với cục QLTT bắt quả tang tại quận Tân Bình và quận 10 (TP.HCM).

    Đột kích 2 kho tân dược “khủng”

    Ngày 12/1, đội 6 phòng Cảnh sát kinh tế (PC03), Công an TP.HCM vẫn đang phối hợp với đội 3 Quản lý thị trường TP.HCM lập hồ sơ, xử lý số thuốc tân dược nghi nhập lậu được phát hiện trên địa bàn quận Tân Bình và quận 10.

    Trước đó, chiều 11/1, đội 6 PC03 phối hợp với đội 3 cục Quản lý thị trường TP.HCM bất ngờ ập vào kiểm tra căn nhà trên đường Nguyễn Phúc Chu (phường 15, quận Tân Bình). Tại đây, lực lượng chức năng phát hiện hơn 2.000 hộp bao gồm các sản phẩm thuốc tân dược với nhiều chủng loại. Qua khai thác nhanh, bà Thái Thị Hằng (SN 1960, ngụ quận Tân Bình) thừa nhận là chủ số thuốc nói trên.

    Bà Hằng khai nhập các loại thuốc trên về rồi bỏ sỉ cho nhiều tiệm thuốc tây tại TP.HCM và các tỉnh thành. Tại thời điểm kiểm tra, bà Hằng không xuất trình được chứng từ, hóa đơn chứng minh nguồn gốc xuất xứ hợp lệ liên quan đến số thuốc trên.

    Cùng thời điểm, một tổ công tác khác của đội 6 PC03 cũng phối hợp với đội Quản lý thị trường (QLTT) số 3 kiểm tra căn phòng cho thuê ở trên đường Nguyễn Giản Thanh (phường 15, quận 10) phát hiện một lượng lớn thuốc tân dược ước tính gần 5.000 hộp nghi nhập lậu.

    Số thuốc tân dược tại ngôi nhà này được xác định là của ông Đặng Bá Mạnh (SN 1994, ngụ Lâm Đồng). Tuy nhiên, tại thời điểm kiểm tra, ông Mạnh không xuất trình các giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ hợp lệ.

    Số lượng thuốc tân dược nghi nhập lậu nói trên ước tính khoảng gần 3 tỷ đồng. Công tác kiểm đếm, thống kê vẫn được lực lượng chức năng thực hiện đến rạng sáng hôm sau. Được biết, số thuốc tân dược điều trị một số bệnh liên quan đến tim mạch, não... có xuất xứ chủ yếu từ Thổ Nhĩ Kỳ, Pháp... được một “đầu nậu” tên là Đ. nhập về tại Hà Nội sau đó bán lại cho các đầu mối đưa vào TP.HCM tiêu thụ.

    Vụ việc trên không phải hi hữu. Ngày 6/12/2019, đội QLTT số 1, cục QLTT Hà Nội tiến hành thu giữ 143.062 đơn vị thuốc trôi nổi, trị giá hơn 1,7 tỷ đồng. Cụ thể, qua kiểm tra cơ sở kinh doanh tân dược tại địa chỉ phòng 12A05, tòa nhà Hà Nội Center Point (đường Lê Văn Lương, quận Thanh Xuân), chủ cơ sở là ông Lê Văn Tuấn (SN 1984, quê ở huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương) thừa nhận không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và toàn bộ hàng hóa tân dược đang kinh doanh là do nước ngoài sản xuất, không có hóa đơn chứng từ nguồn gốc. Chủ cơ sở khai mua trôi nổi tại khu vực trung tâm Dược phẩm HAPU (quận Thanh Xuân).

    Đây là một trong những vụ thu giữ thuốc tân dược nhập lậu lớn nhất từ trước đến nay trên địa bàn Hà Nội. Qua kiểm đếm, tổng số lên đến hơn 143.000 đơn vị thuốc, với trị giá theo khai nhận của chủ hàng là hơn 1,7 tỷ đồng.

    Theo quy định của luật Dược hiện nay, tất cả những loại thuốc tân dược dùng để điều trị bệnh đều phải được cấp phép lưu hành của bộ Y tế và những cơ sở kinh doanh lưu giữ các mặt hàng thuốc đều phải được cấp phép của cơ quan y tế. Tuy nhiên, lô hàng bị bắt giữ lần này đã vi phạm mọi quy định về quản lý thuốc.

    Được biết, nhãn mác toàn bộ số thuốc thu giữ được có xuất xứ ở nước ngoài như: Thổ Nhĩ Kỳ, Bồ Đào Nha, Thụy Điển, Pháp... nhưng chủ hàng không cung cấp được bất cứ giấy tờ nào chứng minh nguồn gốc xuất xứ và chất lượng thuốc. Điều đáng nói, lô hàng gồm thuốc kháng sinh, thuốc đặc trị một số bệnh về máu, thận, dạ dày. Đặc biệt, những loại thuốc này phải được kiểm soát nghiêm ngặt, có chỉ định của bác sĩ mới được sử dụng vì liên quan đến sức khỏe, tính mạng của người bệnh.

    Tuy nhiên, khi khai báo với cơ quan chức năng, chủ hàng không nhớ đã mua lại của cá nhân, đơn vị nào, thậm chí còn không biết thuốc chữa bệnh gì (???). Chủ hàng chỉ tiết lộ rằng, toàn bộ số thuốc được mua tại chợ thuốc Hapulico, đây là khu vực bán buôn thuốc lớn nhất ở miền Bắc.

    Ngày 29/8/2019, đội QLTT số 26 kết hợp với đội 6, phòng Cảnh sát điều tra tội phạm kinh tế và tham nhũng TP.HCM đã bắt lô hàng nhập lậu với hàng ngàn sản phẩm là thuốc tân dược các loại.

    Sau thời gian theo dõi, khoảng 10h30 cùng ngày, lực lượng Quản lý thị trường cùng các trinh sát phòng Cảnh sát Kinh tế đã ập vào kiểm tra một căn nhà nằm trên đường Quân Sự (quận 11, TP.HCM). Tại đây, cơ quan chức năng phát hiện có hàng ngàn sản phẩm là thuốc tân dược, nhập lậu. Kiểm đếm ban đầu có khoảng 20 loại thuốc khác nhau, không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Đây là thuốc đặc trị các loại bệnh như tim, xương, khớp, đái tháo đường, thuốc hạ đường huyết... Các loại này đều có giá bán khá cao trên thị trường, có loại lên tới gần 5 triệu đồng/hộp.

    Chủ lô hàng thuốc tân dược trên là Đoàn Quang Tuấn, SN 1992. Tuấn khai nhập khẩu các loại thuốc này về sau đó bỏ sỉ cho các tiệm thuốc tây. Ước tính, giá trị lô hàng khoảng 2 tỷ đồng. Cơ quan chức năng đã tiến hành niêm phong lô hàng để xử lý theo quy định.

    Những vụ việc trên gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng thuốc tân dược trôi nổi, không rõ nguồn gốc đang có dấu hiệu ngày càng tràn lan, công khai trên thị trường, đe dọa trực tiếp đến tính mạng người bệnh.

    Thủ đoạn và con đường thẩm lậu thuốc tân dược vào Việt Nam

    Theo tổng cục Hải quan, nhiều đối tượng đã lợi dụng địa hình hiểm trở, có nhiều đường mòn, lối tắt tại các tuyến đường bộ để xé lẻ lô hàng, tháo rời vỏ bao bì, nhãn mác rồi vận chuyển bằng nhiều loại phương tiện khác nhau, “khoán trách nhiệm” từng cung đường, cất giấu trà trộn lẫn trong các mặt hàng khác hoặc mang xách theo hành lý như người du lịch hoặc lợi dụng địa hình đường biên giới sát khu dân cư có nhiều đường mòn, lối mở, chia nhỏ thuốc tân dược nhập lậu về nội địa để tiêu thụ.
    Không ít doanh nghiệp, công ty ma đã nhập khẩu hoạt chất, thuốc, tân dược, kháng sinh thế hệ mới nhưng không khai, khai sai hoặc cố tình khai không đúng số lượng, chủng loại, tính chất của hàng hóa để tránh bị kiểm tra ngay từ đầu vào nhập khẩu. Vì hàng hóa là thuốc tân dược thường được vận chuyển về bằng đường biển nên thủ đoạn này được các đối tượng buôn lậu sử dụng tại các cục Hải quan Hải Phòng, TP.HCM.

    Bên cạnh đó, cũng có tình trạng nhập khẩu hoạt chất, thuốc tân dược, thuốc đặc trị nhưng thành phần không đúng bản chất của thuốc, thậm chí sản phẩm nhập không phải là dạng thuốc được bào chế để chữa bệnh cho con người, đồng thời lợi dụng loại hình quá cảnh để vận chuyển thuốc tân dược rồi sau đó vận chuyển ngược vào nội địa Việt Nam.

    Thủ đoạn này thường được các đối tượng sử dụng tại khu vực phía Nam, nhất là các tỉnh có đường biên giới giáp với Campuchia. Không chỉ vậy, còn có một số đối tượng buôn lậu thuốc tân dược xuất cảnh đi du lịch rồi vận chuyển thuốc tân dược qua đường hàng không với vai là hành khách nhập cảnh, du lịch từ các thị trường thuốc như Cuba, Hàn Quốc.

    Nhóm PV

    Bài đăng trên ấn phẩm báo in Đời sống & Pháp luật số 8

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/mo-rong-dieu-tra-vu-7000-hop-tan-duoc-nghi-nhap-lau-a308843.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan