+Aa-
    Zalo

    Nam bác sĩ 30 tuổi rơi vào hôn mê sau 1 tuần bị đau họng

    (ĐS&PL) - Nam bác sĩ Haadi Shuaib có tiền sử khỏe mạnh rơi vào hôn mê chỉ sau chưa đầy 1 tuần bị đau họng.

    Theo New York Post, tháng 3/2022, bác sĩ Haadi Shuaib (30 tuổi) đã làm việc nhiều giờ tại Bệnh viện Đại học Staten Island (Mỹ) trong bối cảnh số ca nhiễm biến thể Omicron gia tăng. Anh bị viêm thanh quản chuyển thành viêm phổi nặng và hội chứng sốc nhiễm độc.

    Ngày 18/3/2022, nhận thấy tình hình không ổn, anh quyết định tự mình đi đến khoa cấp cứu của bệnh viện. Mặc dù quãng đường không quá xa nhưng nó lại là trở ngại đối với bác sĩ trẻ. Được biết, anh vốn là người tích cực hoạt động ngoài trời và thích du lịch, có thể chèo thuyền 6km.

    “Nơi đó cách nơi tôi ở đúng 2 dãy nhà nhưng tôi đã phải dừng lại và lấy hơi. Tôi bị hiệu ứng tầm nhìn ống (Tunnel Vision – chỉ nhìn thấy những thứ ngay trước mặt). Tôi biết đây là tình trạng nghiêm trọng, hoàn toàn không bình thường”, bác sĩ Haadi Shuaib kể.

    nam bac si roi vao hon me sau 1 tuan bi dau hong
    Nam bác sĩ tin rằng trải nghiệm vừa qua sẽ giúp anh trở thành một bác sĩ giỏi hơn. Ảnh: NY Post

    Sáng hôm sau, Haadi Shuaib được chuyển cấp cứu đến Trung tâm Y tế Long Island Jewish (LLJ) ở New Hyde Park và được đặt máy thở. Anh đã do dự trước khi tiến hành vì việc đòi hỏi phải luồn ống vào khí quản và anh sẽ bất tỉnh. Nam bác sĩ nhận thức rõ ràng rằng có khả năng anh sẽ không tỉnh dậy.

    Haadi Shuaib cho hay: “Tôi đã yêu cầu họ trả lại điện thoại cho mình để tìm kiếm các lựa chọn khác. Tôi tiếp tục nghiên cứu về căn bệnh và cố gắng tra cứu các bài báo, nghiên cứu điển hình vì tầm nhìn ngoại vi của tôi bị giảm sút do căn bệnh này”.

    Cuối cùng, anh chấp nhận rằng phương pháp điều trị tích cực là lựa chọn duy nhất. Cha mẹ của Haadi Shuaib đang ở nước ngoài, không thể kịp đến bệnh viện để gặp anh trước khi anh rơi vào tình trạng hôn mê. May mắn, hai người bạn cũ đã luôn ở bên anh.

    “Điều cuối cùng tôi nhớ trước khi chìm vào hôn mê là cảnh hai người bạn ở hai bên nắm tay tôi. Xung quanh đều là những người mà tôi biết và tin tưởng”, Haadi Shuaib nói.

    Anh đã dặn các đồng nghiệp rằng hãy rút máy thở nếu anh không tỉnh dậy trong 2 tuần. Nếu lâu hơn thì có thể anh sẽ phải dùng máy hỗ trợ sự sống trong thời gian cực dài. Đáng tiếc, tình trạng của Haadi Shuaib đã không khá hơn khi được dùng máy thở.

    Tiến sĩ Mangala Narasimhan – Giám đốc y tế chương trình tổn thương phổi cấp tính của LLJ nói với New York Post: “Máy thở cài đặt ở mức tối đa. Anh ấy đang sử dụng 100% oxy nhưng mức oxy của anh ấy vẫn ở mức thấp, tình hình đang trở nên tồi tệ hơn. Chúng tôi thực sự không thể hỗ trợ nhiều hơn nếu chỉ có một chiếc máy thở, do đó chúng tôi biết đã đến lúc phải làm điều gì đó khác”.

    Các bác sĩ đã chuyển sang sử dụng máy oxy hóa màng ngoài cơ thể (ECMO). Đây là biện pháp cuối cùng để duy trì sự sống cho Haadi Shuaib. May mắn, tình trạng của anh tiến triển tốt từng ngày nhờ ECMO. Sau 9 ngày, anh đã được rút ECMO và 3 ngày sau thì được rút máy thở.

    “Tôi nhớ bản thân đã vượt qua chấn thương này khi miệng bị bịt lại bằng một cái ống và cố gắng nói với mọi người rằng tôi muốn tháo cái ống này ra”, nam bác sĩ nhớ lại ký ức đầu tiên ở thời điểm tỉnh lại sau cơn hôn mê.

    Các đồng nghiệp và người chăm sóc vẫn chưa biết chính xác nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. “Chúng tôi không biết nguyên nhân khiến anh ấy bị như vậy. Đây là một bí ẩn lớn”, bác sĩ Frank Rosell – Phó khoa Phẫu thuật tim ở SIUH nói.

    Bác sĩ Frank Rosell cho rằng, thể lực tốt là yếu tố giúp Haadi Shuaib vượt qua cơn nguy kịch. “Anh ấy có trái tim của một vận động viên Olympic. Một trái tim rất mạnh mẽ. Đó là khả năng rất hữu ích mà chúng tôi phải dựa vào. Tôi nghĩ điều đó đã tạo nên sự khác biệt”, vị bác sĩ nêu ý kiến.

    Sau khi biết rối loạn căng thẳng sau sang chấn và trầm cảm rất có khả năng xảy ra sau khi hôn mê, Haadi Shuaib quyết định trở lại làm việc chỉ sau 1 tháng tỉnh dậy với mong muốn dùng kinh nghiệm của mình để giúp đỡ các bệnh nhân đang gặp vấn đề y tế tương tự. Anh tin rằng những chuyện vừa xảy ra giúp anh trở thành một bác sĩ giỏi hơn.

    Đinh Kim(Theo NY Post)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nam-bac-si-30-tuoi-roi-vao-hon-me-sau-1-tuan-bi-dau-hong-a569335.html
    Sự kiện: Đời sống 24h
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan