+Aa-
    Zalo

    Ngành Logistics là gì? Cơ hội việc làm cho sinh viên theo học ngành Logistics

    (ĐS&PL) - Với sự phát triển không ngừng của đất nước, ngành Logistics hiện nay luôn nằm trong danh sách những ngành học có mức điểm chuẩn cao.

    Ngành Logistics là gì?

    Logistics được hiểu là quá trình lập kế hoạch, thực hiện và kiểm soát luồng di chuyển và lưu kho nguyên vật liệu thô, hàng hóa thành phẩm và thông tin liên quan từ khâu mua sắm nguyên vật liệu đến khi đưa vào tiêu dùng, nhằm thỏa mãn yêu cầu của người dùng.

    Logistics cũng có thể được hiểu là một phần của chuỗi cung ứng. Trong đó, Logistics sẽ hướng đến sự tối ưu trong các công đoạn: Lập kế hoạch, thực hiện, kiểm soát dòng dịch chuyển của hàng hóa, dịch vụ và thông tin trên cả hai chiều, từ nhà sản xuất đến người tiêu dùng và ngược lại. Các hoạt động cụ thể của ngành Logistics bao gồm: Hoạt động vận tải hàng hóa xuất và nhập, quản lý kho bãi, nguyên vật liệu, đội tàu, thực hiện đơn hàng, quản trị hàng tồn kho, hoạch định cung cầu,… Ngoài ra, ngành Logistics còn tìm kiếm nguồn nguyên liệu đầu vào, lập kế hoạch sản xuất và đóng gói sản phẩm, dịch vụ khách hàng.

    nganh logistics la gi co hoi viec lam cho sinh vien theo hoc nganh logistics 11

    Hiện nay, tính cạnh tranh của ngành này ngày càng tăng cao, do đó các công ty Logistics cần phải liên tục cải tiến và chú trọng đến các yếu tố như: Số lượng, chất lượng, thời gian và giá cả dịch vụ. Để có thể làm được điều này, doanh nghiệp cần tuyển chọn nguồn nhân sự chất lượng, đào tạo nâng cao trình độ, đồng thời ứng dụng công nghệ và phần mềm quản lý điều hành,…

    Ngành Logistics học gì?

    Hiện nay, các trường thực hiện đào tạo sinh viên ngành Logistics theo hướng chuyên môn hóa, chuyên sâu về việc quản lý chuỗi cung ứng cũng như chuyên sâu về phương pháp vận chuyển trọn gói hàng hóa từ nơi sản xuất đến nơi tiêu thụ với nhiều hình thức vận tải khác nhau như: Đường bộ, đường hàng không, đường sắt và đường biển.

    Đồng thời, sinh viên ngành này cũng được học những kiến thức liên quan đến Marketing quốc tế, quản trị chiến lược, xây dựng, quản lý hệ thống, bố trí kho bãi và các điểm kết nối kho bãi, các phương thức vận tải tối ưu nhằm tiết kiệm chi phí và thời gian trong quá trình cung ứng hàng hóa.

    Cụ thể, về kiến thức chuyên ngành, sinh viên theo học ngành Logistics được đào tạo chuyên sâu kiến thức về kinh tế Logistics, quản trị nhân sự, quản trị Logistics, quản trị hệ thống phân phối, quản trị chuỗi cung ứng, Luật Vận tải, giao nhận vận tải, khai thác vận tải đa phương thức, kế toán trong các đơn vị kinh doanh dịch vụ Logistics và vận tải đa phương thức (kết hợp các phương thức vận tải như: đường biển và đường hàng không, đường biển và đường bộ…).

    Về kỹ năng chuyên môn, sinh viên có thể tham gia thực hiện lập kế hoạch, tổ chức và điều hành dịch vụ vận tải đa phương thức; thực hành nghiệp vụ về giao nhận vận tải đa phương thức. Bạn cũng có khả năng phân tích dòng hàng, xác định nhu cầu của khách hàng, quy hoạch trung tâm phân phối và quản trị quy trình phân phối từ nơi sản xuất đến tay khách hàng.

    Bạn có thể lên kế hoạch và tổ chức thực hiện công tác đóng gói hàng hóa, kho bãi, giao nhận, xếp dỡ, vận tải và cung ứng; thực hành nghiệp vụ kế toán cho các doanh nghiệp; lập và phân tích báo cáo tài chính, báo cáo kết quả hoạt động sản xuất và kinh doanh, phân tích tính hiệu quả của hoạt động Logistics và hình thức vận tải đa phương thức, tham mưu kế hoạch Logistics có tính chiến lược; thiết kế mạng lưới Logistics; xây dựng quy trình khai thác, phát triển và quản trị chuỗi cung ứng hàng hóa hiệu quả.

    Ai phù hợp với ngành Logistics? 

    Tinh thần chịu được áp lực cao

    Việc phải tương tác với nhiều người khác nhau hay giờ làm việc không cố định sẽ khiến bạn phải đối mặt với áp lực không nhỏ. Đặc biệt vào những đợt cao điểm như Giáng sinh hay năm mới, với số lượng hàng hóa cần được lưu thông cực kỳ nhiều do sức mua tăng cao, có thể bạn sẽ phải làm thêm giờ.

    Kỹ tính và cẩn thận

    Bởi vì tính chặt chẽ của hoạt động Logistics nên phẩm chất quan trọng của người làm công việc về Logistics là tỉ mỉ, cẩn thận và chấp hành kỷ luật tốt trong công việc. Mỗi công đoạn của Logistics đều cần đảm bảo đúng quy trình và thời gian thì chuỗi cung ứng hàng hóa mới có thể vận hành trôi chảy.

    Thoải mái và ổn định

    Ngành Logistics chắc chắn sẽ không hợp với những ai có tâm hồn nghệ sĩ thích mơ mộng, bay bổng mà đây sẽ là lựa chọn cực kỳ hợp lý cho các bạn thích làm công việc có ít sự biến động, được lặp đi lặp lại hàng ngày.

    Dưới đây là một số trường đại học tuyển sinh, đào tạo ngành Logistics, bạn có thể tham khảo và cân nhắc lựa chọn.

    Trường Đại học Thương Mại

    Thí sinh có thể tham khảo thông tin tuyển sinh ngành Logistics và quản lý chuỗi cung ứng của trường Đại học Thương mại. Năm 2023, nhà trường tuyển sinh 150 chỉ tiêu dành cho ngành học này.

    Với phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT, ngành Logistics và quản lý chuỗi cung ứng lấy ngưỡng điểm chuẩn trúng tuyển là 26,8 điểm (A00; A01; D01; D07). Trong khi đó, phương thức học bạ lấy 27,5 điểm (A00; A01; D01; D07).

    Học phí năm học 2023 - 2024, trường Đại học Thương mại quy định đối với ngành học này là 23 - 25 triệu đồng. 

    Trường Đại học Kinh tế Quốc dân

    Năm 2023, trường Đại học Kinh tế Quốc dân tuyển sinh ngành Logistics và quản lý chuỗi cung ứng theo 3 phương thức: xét điểm thi tốt nghiệp THPT, xét tuyển thẳng và xét tuyển kết hợp theo đề án tuyển sinh riêng của trường.

    Với phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT, ngành Logistics và quản lý chuỗi cung ứng lấy ngưỡng điểm chuẩn trúng tuyển là 27,4 điểm (A00; A01; D01; D07). 

    Năm học 2023 - 2024, nhà trường dự kiến mức học phí dao động từ 16 - 22 triệu đồng/năm học. Lộ trình tăng học phí tối đa 10% cho từng năm học.

    Trường Đại học Hàng hải

    Trường Đại học Hàng hải Việt Nam (Hải Phòng) hiện đang đào tạo hai ngành học liên quan đến Logistics: Logistics & chuỗi cung ứng, Kinh doanh quốc tế & Logistics. Năm 2023, nhà trường tuyển sinh theo 3 phương thức: Xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT; xét tuyển kết hợp; xét tuyển thẳng.

    Với phương thức tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT, điểm chuẩn của ngành Kinh doanh quốc tế & Logistics lấy 23 điểm (A01; D01; D07; D15), Logistics & chuỗi cung ứng lấy 25,75 điểm (A00; A01; C01; D01).

    Trường Đại học Giao thông Vận tải TP.HCM

    Trường Đại học Giao thông Vận tải TP.HCM đang đào tạo 4 ngành học liên quan đến lĩnh vực xuất nhập khẩu, bao gồm: Logistics và hạ tầng giao thông, Quản trị Logistics và vận tải đa phương thức, Quản lý cảng và logistics.

    Năm 2023, trường tuyển sinh theo 5 phương thức: Xét kết quả học tập THPT; xét tuyển thẳng theo quy chế của trường; xét kết quả thi đánh giá năng lực, xét tuyển thẳng theo quy chế của Bộ GD&ĐT, xét kết quả thi tốt nghiệp THPT.

    Với phương thức xét điểm thi THPT, những ngành trên lấy ngưỡng điểm chuẩn trúng tuyển dao động từ 17,5 đến 25,65. Trong đó, ngành Logistics và hạ tầng giao thông chương trình chất lượng cao có điểm chuẩn thấp nhất, ngành Quản trị Logistics và vận tải đa phương thức chương trình đại trà lấy điểm chuẩn cao nhất.

    Đại học Kinh tế TP.HCM

    Đại học Kinh tế TP.HCM hiện đang đào tạo hai ngành học liên quan đến Logistics: Logistics và quản lý chuỗi cung ứng, Công nghệ Logistics. 

    Năm 2023, ngành Logistics và quản lý chuỗi cung ứng lấy ngưỡng điểm chuẩn trúng tuyển là 27 điểm (A00; A01; D01; D07) và ngành Công nghệ Logistics lấy 26,09 điểm (A00; A01; D01; D07). 

    Ngoài xét bằng điểm thi tốt nghiệp THPT, hai ngành học này còn tuyển sinh theo 5 phương thức khác: xét tuyển thẳng, xét điểm kỳ thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TP.HCM tổ chức, xét tuyển thí sinh tốt nghiệp THPT ở nước ngoài và có chứng chỉ quốc tế, xét học sinh Giỏi, xét quá trình học tập theo tổ hợp môn.

    Năm học 2023 - 2024, nhà trường quy định mức học phí là 940 nghìn đồng/tín chỉ.

    Ngoài ra, nhiều trường đại học top đầu đào tạo ngành Logistic phải kể đến như: trường Đại học Bách Khoa TP.HCM, trường Đại học Kinh tế (Đại học Quốc Gia Hà Nội), Đại học Bách khoa Hà Nội, trường Đại học Công nghệ Giao thông Vận tải Hà Nội, trường Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng)...

    Học Logistics ra làm công việc gì?

    Với tấm bằng tốt nghiệp ngành Logistics, bạn có thể làm việc trong các công ty vận tải ở một số vị trí như: nhân viên kinh doanh, nhân viên vận hành kho, nhân viên cảng, nhân viên chứng từ, chuyên viên thu mua, nhân viên giao nhận, nhân viên hải quan, chuyên viên thanh toán quốc tế…

    Thùy Dung (T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nganh-logistics-la-gi-co-hoi-viec-lam-cho-sinh-vien-theo-hoc-nganh-logistics-a607009.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan