+Aa-
    Zalo

    Nhiều bác sĩ bức xúc vì bị 'photoshop hình ảnh' để quảng cáo bán thuốc tràn lan trên mạng

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Nhiều bác sĩ sửng sốt khi thấy hình ảnh mình được cắt ghép với tấm biển quảng cáo thuốc tăng chiều cao được đăng tải tràn lan trên các trang mạng xã hội.

    Nhiều bác sĩ sửng sốt khi thấy hình ảnh mình được cắt ghép với tấm biển quảng cáo thuốc tăng chiều cao được đăng tải tràn lan trên các trang mạng xã hội.

    Các đối tượng bán hàng online lợi dụng hình ảnh của các bác sĩ để tăng thêm độ uy tín khiến không ít lương y đau đầu, gặp nhiều rắc rối.

    Cụ thể, theo Gia đình mới, vụ việc bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm – thần kinh Bệnh viện Nhi Đồng 1 bị trang facebook ‘Tăng chiều cao VinMac’ photoshop tấm ảnh mà bác sĩ Khanh trả lời phỏng vấn báo chí, giờ được gắn thêm tấm bảng ‘ko cao tôi hoàn lại tiền’.

    Đi kèm với tấm ảnh được photoshop là những lời quảng cáo có cánh ‘giải pháp tăng chiều cao/ Sau 4 tuần sử dụng/ Nhanh – an toàn – hiệu quả’…

    Bác sĩ Khanh bức xúc vì bị đối tượng xấu cắt ghép hình ảnh để quảng cáo sản phẩm.

    Khi được hỏi về những tấm ảnh bị photoshop làm quảng cáo này, bác sĩ Khanh cho biết rằng, ‘tôi không biết ảnh của mình lại bị người ta tự ý sử dụng vào mục đích lừa dối bệnh nhân, người tiêu dùng như vậy.

    Trước đó tôi cũng đã được người quen, bạn bè báo về việc các trang mạng xã hội ghép ảnh của tôi để quảng cáo bán thuốc về điều trị cột sống, thuốc nam khoa.

    Nhưng tôi không quan tâm lắm vì bệnh lý về xương khớp, nam khoa không phải là chuyên môn của tôi.

    Do đó, bệnh nhân và người nhà bệnh nhân quen biết tôi nếu thấy những tấm ảnh kiểu đó cũng tự biết là ảnh ghép sai sự thật.

    Nhưng lần này thì có phần nghiêm trọng hơn. Bởi sản phẩm lần này họ ghép ảnh tôi vào là sản phẩm tăng chiều cao, liên quan đến sức khỏe trẻ em.

    Mà tôi là bác sĩ Nhi khoa, cũng được khá nhiều các bậc cha mẹ biết đến. Điều này là rất nguy hại. Bởi, cha mẹ bệnh nhi nhìn thấy ảnh lại tưởng tôi quảng cáo cho sản phẩm đó thật, lầm tưởng những lời quảng cáo là lời tôi khuyên dùng.

    Và, từ việc tin tưởng vào chuyên môn y khoa của tôi mà cha mẹ lại đánh đồng tin theo lời quảng cáo của các trang bán hàng để rồi tự ý cho con mình sử dụng thuốc, thực phẩm chức năng không theo chỉ định của bác sĩ. Làm như vậy sẽ rất hại đến sức khỏe của trẻ nhỏ’.

    Dân Trí cho biết thêm, tương tự là trường hợp của BS Võ Xuân Sơn, một trong những người rất uy tín của chương trình thiện nguyện “Dĩa cơm trên tường” với các hoạt động vận động cộng đồng hỗ trợ suất ăn cho người bệnh và thân nhân người bệnh có hoàn cảnh khó khăn.

    Sau rất nhiều lần “bị tham gia” quảng cáo thuốc trị hói đầu, thuốc trị liệt dương, xuất tinh sớm… ông đã phải tự đưa hình ảnh giả mạo về trang cá nhân của mình và gay gắt: “Có lẽ dạo này tôi nổi tiếng lắm, hình của tôi câu được nhiều view lắm hay sao, mà cái bọn lừa đảo hay dùng hình của tôi để quảng cáo cho mấy thứ hại người của chúng… Bà con cảnh giác với bọn lừa đảo này nhé, sử dụng mấy thứ này tiền mất tật mang”.

    Bác sĩ Sơn phủ nhận bức ảnh được đăng tải trên mạng xã hội.

    Trao đổi với phóng viên, BS Xuân Sơn cho biết: “Việc nhiều trang mạng đưa hình ảnh của tôi để quảng cáo không chỉ xâm phạm quyền cá nhân mà còn bôi nhọ uy tín của tôi. Với những người biết thực hư sự việc họ thông cảm và chia sẻ với tôi, nhưng nhiều người không hiểu lại cho rằng tôi đi quảng cáo để ăn tiền. Nếu các tổ chức, cá nhân liên quan không chấm dứt hành vi sử dụng hình ảnh của tôi vì mục đích nào đó hoặc để mưu lợi bất chính thì tôi sẽ đề nghị cơ quan công an vào cuộc để bảo vệ uy tín của mình”.

    Một trường hợp khác là lương y Hai Dậu (Quận 7, TP.HCM) được nhiều người dân quý mến bởi các hoạt động thiện nguyện mang bài thuốc gia truyền cho người nghèo. Hình ảnh của ông bị đưa lên quảng cáo bán thuốc tăng chiều cao. Ông cho biết, ông không đi quảng cáo cho đơn vị nào - Sức khoẻ & đời sống cho hay.

    Lương y Dậu cho biết, ông không đi quảng cáo cho đơn vị nào

    Thực trạng này có xu hướng xuất hiện ngày càng nhiều khi mà các cá nhân, công ty sử dụng mạng xã hội để quảng cáo sản phẩm, dịch vụ của mình nhằm trục lợi bất chính. Người dân, đăck biệt là các bậc cha mẹ nên hết sức lưu ý, cẩn thận trước chiêu trò này. Đặc biệt, nên tham khảo ý kiến các bác sĩ trước khi có ý định bổ sung dinh dưỡng cho con.

    Mỹ An (T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nhieu-bac-si-buc-xuc-vi-bi-photoshop-hinh-anh-de-quang-cao-ban-thuoc-tran-lan-tren-mang-a224952.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan