Kinh nghiệm chạy xe máy trên đường khi đi phượt


Thứ 7, 29/04/2017 | 00:00


Những địa điểm mà các phượt thủ chọn để phượt thường là những nơi còn nguyên sơ, vùng núi cao hay rừng sâu. Vì vậy, việc đi đường để đến nơi những nơi này khá nguy hiểm.

Những địa điểm mà các phượt thủ chọn để phượt thường là những nơi còn nguyên sơ, vùng núi cao hay rừng sâu. Vì vậy, việc đi đường để đến nơi những nơi này khá nguy hiểm. Để đảm bảo an toàn cho chuyến đi, người đi phượt có thể tham khảo những kinh nghiệm dưới đây.

Theo một số trang chuyên tư vấn về du lịch và các phượt thủ chuyên nghiệp, khi di chuyển trên đường khi đi phượt bằng xe máy, bạn nên đọc kỹ để giảm thiểu rủi ro các nguy cơ gặp phải trên đường.

1. Chấp hành luật giao thông

Luôn chấp hành luật giao thông khi đi đường, không đi hàng 3 (tốt nhất chỉ nên đi hàng 1) không lạng lách đánh võng, đi đúng làn đường của mình, chạy đúng tốc độ quy định (chú ý các loại biển báo khi vào khu vực đông dân cư).

Điều 6. Tốc độ tối đa cho phép xe cơ giới tham gia giao thông trên đường bộ trong khu vực đông dân cư với loại xe cơ giới đường bộ với xe mô tô; xe gắn máy là 40 km/h.

Điều 7. Tốc độ tối đa cho phép xe cơ giới tham gia giao thông trên đường bộ ngoài khu vực đông dân cư loại xe cơ giới đường bộ tốc độ tối đa với xe gắn máy là 50 km/h.

Nắm vững luật Giao thông đường bộ để có thể xử lý các tình huống khi gặp vấn đề với CSGT. Khi đã bị phạt và xác định rõ là mình sai thì không nên gây căng thẳng, hãy chủ động xin nộp phạt tại chỗ để không phải quay lại vào ngày khác chỉ để nộp phạt. Cùng Phượt không công khai khuyến khích bạn có những hành vi tiêu cực tuy nhiên bạn nên xử lý thế nào để gọn gàng và ít gặp rắc rối nhất và cũng là để đảm bảo hành trình của bạn không bị gián đoạn.

2. Khi đi trên đường

Đi ở 2/3 làn đường của mình, không lấn làn (bám sát theo vạch kẻ đường ở giữa) đối với những đường không có vạch kẻ đường thì phải ước lượng phần làn đường của mình được đi. Không đi sát lề đường quá bởi kinh nghiệm cho thấy khu vực này là khu vực thường có dính đinh

Không nên uống bia rượu khi nghỉ giữa các chặng, vừa đảm bảo an toàn cho chính bạn vừa tránh gặp phải rắc rối với lực lượng CSGT.

Không vượt khi phía trước tầm nhìn bị hạn chế, phía trước là khúc cua. Cố gắng hạn chế tối đa việc vượt phải (các xe khi chạy hầu hết đã bám đường bên phải nên nếu bạn vẫn lựa chọn vượt phải thì phần đường dành cho bạn không nhiều, rất nguy hiểm) khi vượt các xe tải, container hoặc các xe siêu trường siêu trọng nên giữ khoảng cách an toàn với thân xe, không nên chạy sát quá bởi các xe này khi chạy thường tạo ra lực hút xung quanh rất lớn, nếu tay lái không vững bạn có thể bị gió tạo ra từ đây hút vào gầm xe. Nếu những xe này chạy với tốc độ cao, nên nhường không nên cố vượt hoặc chấp nhận đi chậm theo sau và vượt khi vào khu vực dân cư (lúc này xe đã giảm tốc) Khi vượt phải nháy xi nhan và còi liên tục, đi vào khu vực gương chiếu hậu của xe tải có thể nhìn được bạn và ra tín hiệu đồng ý vượt.

Nếu gặp xe đi ngược chiều phóng nhanh và lấn đường, bạn nên chủ động giảm tốc độ và đi sát vào lề, theo dõi tình huống xảy ra để tiện xử lý.

Các ôm ngồi sau cũng thường xuyên phải chú ý quan sát đường để báo hiệu các tình huống phía trước cho xe đi sau bằng tay (khi cần giảm tốc, khi sắp có chướng ngại vật, khi xe trước dừng lại …)

Ở điều khiện thời tiết khô ráo, đường không trơn trượt nên giữ khoảng cách giữa các xe là 50m, ở điều kiện tầm nhìn bị hạn chế hoặc trời tối, trời mưa … thì khoảng cách này có thể thu hẹp lại (do lúc này tốc độ xe đã giảm)

Khi đi buổi tối cố gắng nháy pha một cách hợp lý để các xe ngược chiều không chiếu thẳng pha vào mắt bạn, nếu xe đi ngược chiều không hạ pha bạn nên chủ động giảm tốc và đi sát vào lề, không nên ăn thua bằng cách chiếu pha ngược lại. Bạn có thể sử dụng thêm 1 chiếc kính mắt màu vàng để sử dụng cho đi tối, sẽ hạn chế được khá tốt nếu có bị rọi thẳng đèn pha vào mắt.

Khi đoàn dừng xe các xe nên dừng sát vào hết mức có thể với lề đường, dừng thành hàng 1 mỗi xe cách nhau khoảng vài mét, không nên dừng tập trung toàn bộ các xe lại cạnh nhau để tránh ảnh hưởng giao thông trên đường.

3. Khi đi xe trên đường núi, đường bùn, đường xấu

Khi đi đường núi luôn chú ý hệ thống biển báo để biết phía trước như nào (cua liên tục, đường sạt lở, sắp lên dốc …)

Khi bạn điều khiển xe máy lên một con dốc không quá cao, bạn có thể tăng tốc vừa phải, tạo đà để vượt qua dốc. Song, đối với những con dốc đứng, có độ dốc lớn, bạn nhất định phải trả số về số thấp theo tốc độ bạn nghĩ có thể đưa bạn lên đến đỉnh dốc. Cố gắng tránh việc chuyển đổi số giữa dốc. Nếu tốc độ ban đầu giảm giữa chừng, về số trước khi xe có bất cứ dấu hiệu chết máy nào. Bạn nên phán đoán để trả số về cấp thích hợp. Một vài lần kinh nghiệm lên dốc sẽ hướng dẫn cho bạn làm tốt điều này. Khi bạn lên gần tới đỉnh dốc, hãy giảm tay ga, giữ nguyên số và buông trôi qua đỉnh dốc. Chủ động về số nhanh khi gặp các phương tiện khác đi ngược chiều ở thời điểm bạn lên tới gần đỉnh dốc, vì như vậy, bạn sẽ không bị đuối đà, dẫn đến chết máy

Khi xuống dốc, đối với dốc vừa, hãy trả tay ga về, sử dụng hơi nén giảm của động cơ để giảm tốc độ. Phanh trước và sau chỉ sử dụng để hỗ trợ trong trường hợp thật cần thiết. Đối với dốc đứng, trả về số thấp nhất khi bắt đầu xuống dốc. Điều này sẽ làm cho phanh động cơ có hiệu quả hơn. Nếu đường dốc giống nhau cả lên lẫn xuống hay nếu bạn lái xuống dốc bằng lúc bạn lái lên, hãy sử dụng đúng với số mà bạn đã sử dụng khi lên. Cách tốt nhất là không nên chuyển số giữa dốc. Tuy nhiên, khi thật cần thiết, hãy trả số về cấp thấp hơn trước khi xe bạn tăng tốc quá nhanh.

Nếu dốc quá dài và dốc (đoạn Sìn Hồ chẳng hạn) thì cứ khoảng 10-15km nên dừng lại khoảng 5′ để cho máy xe bớt nóng, đừng đổ nước vào máy lúc đó nhé.

Khi gặp đường bùn lầy lội hoặc đoạn đường trơn thì nên giảm tốc độ, yêu cầu ôm xuống đi bộ nếu đoạn đường khó, cân chỉnh lại đồ đạc để đảm bảo sự cân bằng của xe (tùy tình huống cụ thể mà nên giữ hay nên để nguyên đồ đạc trên xe), giữ chắc tay lái và ga đều, nên lần lượt từng xe qua chứ không nên vượt nhau ở những đoạn đường thế này.

Khi qua ngầm hoặc qua suối nên kiểm tra mức độ chảy xiết của dòng, nếu nước chảy mạnh thì nên dừng lại tìm đường khác. Trong trường hợp bắt buộc phải qua nên tìm kiếm sự giúp đỡ từ người dân địa phương, không nên cố liều mình băng qua sẽ rất nguy hiểm.

4. Một số biển cảnh báo nguy hiểm bạn thường thấy trên đường.

Nhóm biển báo chỗ ngoặt, lần lượt là báo nguy hiểm khi rẽ trái, rẽ phải và báo các chỗ ngoặt liên tiếp.Biển báo chỗ ngoặt liên tiếp bạn sẽ rất hay gặp

Nhóm biển cảnh báo phía trước là vực sâu, cần chú ý để tránh bị rơi xuống vực

Biển báo đường ngầm hoặc đập tràn, khi đi đường trời mưa mà gặp biển báo này bạn phải hết sức cẩn thận cân nhắc xem có tiếp tục đi qua không bởi lúc này nước suối đổ về rất mạnh và xiết, nếu không cẩn thận có thể bị lũ cuốn trôi.

Biển báo dốc lên và dốc xuống kèm theo tỉ lệ % của dốc. Khi gặp biển báo này bạn nên chuẩn bị giảm tốc (nếu xuống dốc) hoặc về số tăng tốc nhẹ để lấy đà (lên dốc).

Biển báo đường trơn và đá lở, gặp biển báo này phải hết sức cẩn thận khi trời mưa, giảm tốc độ và tăng cường chú ý quan sát.

(tổng hợp)

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/kinh-nghiem-chay-xe-may-tren-duong-khi-di-phuot-a188551.html