Đề xuất “phạt nguội” vi phạm vỉa hè: “Không nên đặt nặng việc xử phạt”


Thứ 5, 14/12/2017 | 09:20


Ông Bùi Danh Liên – Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội đã có quan điểm riêng về đề xuất “phạt nguội” vi phạm lòng đường, vỉa hè của Sở GTVT.

Ông Bùi Danh Liên – Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội đã có quan điểm riêng về đề xuất “phạt nguội” vi phạm lòng đường, vỉa hè của Sở GTVT.

Trong buổi hội nghị giao ban trực tuyến quý 4/2017 của Thường trực Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân TP.Hà Nội với lãnh đạo các quận, huyện, thị xã trên địa bàn ngày 13/12, ông Vũ Văn Viện – Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, sau khoảng thời gian triển khai, công tác bảo đảm trật tự đô thị đã nảy sinh nhiều tồn tại.

Ông Viện cho rằng, việc xử lý trật tự đô thị, lấn chiếm vỉa hè lòng đường thời gian qua như “ném đá ao bèo”, qua đó đề xuất thành phố cần lắp đặt thêm nhiều camera ghi hình cho cảnh sát trật tự quận, phường để có thể “phạt nguội”, xử lý triệt để các vi phạm.

PV đã có buổi trao đổi với ông Bùi Danh Liên – Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội và lắng nghe quan điểm riêng của ông đối với đề xuất “phạt nguội” vi phạm lòng đường, vỉa hè của Sở GTVT Hà Nội.

PV: Sở GTVT Hà Nội vừa có đề xuất lắp camera “phạt nguội” vi phạm lòng đường, vỉa hè. Quan điểm của ông về vấn đề này là như nào, thưa ông?

Ông Bùi Danh Liên: Theo tôi, đầu tiên phải soạn thảo thành các quy định trong luật và trình lên Quốc hội thông qua. Sau đó là đẩy mạnh tuyên truyền tới các cơ quan quản lý trên địa bàn, chính quyền quận, phường để thực hiện trên toàn thành phố.

Bước đầu nên tuyên truyền nhắc nhở, đến mức độ nào đó mới ra quyết định xử phạt. Điều đó tạo điều kiện cho người dân sắp xếp lại vỉa hè, tạo một không gian sống văn minh lịch sự, kinh doanh tốt hơn. Và không nên đặt nặng vào vấn đề xử phạt bởi dễ gây căng thẳng và những hậu quả không tốt. Nói cách khác, cần thận trọng và mềm dẻo.

Ví dụ thời gian nhắc nhở là 6 tháng và phải quy định cụ thể. Gia đình nào có vỉa hè cũng phải chịu trách nhiệm về vệ sinh, cây xanh trên vỉa hè… Bởi thành phố có làm tốt nhưng người dân không có ý thức bảo vệ thì cũng không đem lại hiệu quả.

Bên cạnh đó cũng cần kết hợp tuyên truyền giáo dục từ cơ quan, nhà trường và các đoàn thể chính trị xã hội. Phải nâng cao nhận thức từ từ chứ không áp đặt ngay được.

PV: Theo ông, giải pháp “phạt nguội” có đem lại hiệu quả cho vấn đề vi phạm lấn chiếm lòng đường, vỉa hè của Hà Nội hiện nay?

Ông Bùi Danh Liên: Theo tôi giải pháp tốt là kết hợp được cả giáo dục và răn đe. Quy tắc đề ra là người dân không được lấn chiếm vỉa hè và quyền sở hữu người kinh doanh là từ cửa đổ vào, kinh doanh bất cứ ngành nghề gì cũng không được lấn chiếm đất công cộng.

Trên thực tế tại một vài tuyến phố nội đô, đặc biệt là những tuyến phố có nhiều khách du lịch. Chúng ta đều nhìn thấy một thực trạng chung là khách du lịch đều phải đi xuống lòng đường và điều này tiềm ẩn nhiều nguy cơ về an toàn giao thông.

Bất kỳ giải pháp nào đề ra, tôi cũng hy vọng nó đem lại hiệu quả. Qua đó, thay đổi được bộ mặt thủ đô trong vấn đề trật tự đô thị theo chiều hướng tích cực hơn.

Theo Giám đốc Sở GTVT, sau thời gian triển khai, công tác bảo đảm trật tự đô thị đã nảy sinh nhiều tồn tại

PV: Trước khi có đề xuất này, Hà Nội từng ra quân rầm rộ nhưng vẫn tái diễn tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường. Ý kiến của ông về việc này thế nào, thưa ông?

Ông Bùi Danh Liên: Thực tế cho thấy, các đợt ra quân trước là có chỉ đạo từ trên xuống mới làm, kết quả không lâu dài. Cụ thể hơn, không có người đứng ra chịu trách nhiệm. Khi vi phạm thì phường nói trách nhiệm là của công an, công an lại nói là trách nhiệm của tổ dân phố… Rõ ràng, cần phải quán triệt cụ thể từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài.

PV: Trước đó, TP.Hồ Chí Minh cũng có đề xuất tăng mức xử phạt vi phạm lòng đường, vỉa hè lên gấp đôi. Theo ông, giải pháp nào sẽ hiệu quả hơn?

Ông Bùi Danh Liên: Theo tôi, điều cần thiết nhất vẫn là tăng cường tuyên truyền tới người dân. Việc tăng mức xử phạt chỉ là hình thức răn đe chứ chưa có tính thực tế. Trong khi đó việc “phạt nguội” cũng cần phải xem xét kỹ và câu hỏi đặt ra ở đây là ai phạt, phạt thế nào, xử lý ra sao… Mọi thứ cần được quy định cụ thể bằng văn bản pháp luật.

PV: Cảm ơn ông về cuộc phỏng vấn!

Hoàng Giang

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/de-xuat-phat-nguoi-vi-pham-via-he-khong-nen-dat-nang-viec-xu-phat-a212968.html