Đổi mới căn bản từ tư duy của Chính phủ


Thứ 6, 10/02/2017 | 00:40


Cùng sự kiện

Lấy nhân dân và doanh nghiệp là đối tượng phục vụ là sự thay đổi căn bản từ tư duy Chính phủ thiên về quản lý hành chính sang Chính phủ phục vụ

“Lấy nhân dân và doanh nghiệp là đối tượng phục vụ của Chính phủ… Đây là sự thay đổi căn bản từ tư duy Chính phủ thiên về quản lý hành chính sang Chính phủ phục vụ người dân và doanh nghiệp.Qua đó cũng khẳng định người dân và doanh nghiệp là chủ thể trung tâm của nền kinh tế” – Đó là nhận định của Tiến sỹ, Luật sư Lê Đình Vinh về Chính phủ kiến tạo phát triển.

Ngày 18/11/2016, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 100/NQ-CP về “Chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2016 – 2021”, trong đó xác định “Xây dựng tổ chức bộ máy Chính phủ tinh gọn với nguyên tắc Chính phủ kiến tạo phát triển”. Chủ trương này của Chính phủ đang được dư luận cả nước hết sức quan tâm và đồng tình ủng hộ.

Nhân dịp này, PV đã có cuộc trao đổi với Tiến sỹ, Luật sư Lê Đình Vinh – Giám đốc Công ty Luật TNHH Vietthink một số vấn đề xung quanh nguyên tắc “Chính phủ kiến tạo phát triển” được đề ra trong Nghị quyết.


PV: Thưa luật sư, nguyên tắc "Chính phủ kiến tạo phát triển" cần được hiểu như thế nào cho phù hợp với tinh thần của Nghị quyết 100/NQ-CP? 

Khái niệm “Chính phủ kiến tạo phát triển” có nội hàm rất rộng. Nói một cách khái quát thì đây là mô hình quản trị nhà nước trong đó Chính phủ đóng vai trò kiến tạo không gian phát triển cùng môi trường đầu tư, kinh doanh an toàn cho người dân và doanh nghiệp; đồng thời Chính phủ là người giám sát, định hướng và dẫn dắt các các chủ thể theo “luật chơi” vừa phù hợp với các nguyên tắc của thị trường vừa phù hợp với mục tiêu phát triển của quốc gia. Trong mô hình này, Chính phủ không làm thay thị trường và cũng không làm thay doanh nghiệp những việc cụ thể.

Theo nghĩa đó thì Nghị quyết 100/NQ-CP đã thể chế hóa tương đối đầy đủ tinh thần nguyên tắc “Chính phủ kiến tạo phát triển”, thể hiện ở các mặt sau:

Thứ nhất, Nghị quyết 100/NQ-CP đã đề ra những nhiệm vụ chủ yếu mà Chính phủ cần tập trung chỉ đạo điều hành trong thời gian tới. Phần lớn đều là những nhiệm vụ mang tính kiến tạo, phát triển như: ổn định chính sách vĩ mô; hoàn thiện thể chế, hệ thống pháp luật; xây dựng nền hành chính dân chủ, hiện đại, hiệu lực, hiệu quả; thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng, … Trong đó, Chính phủ cũng đặc biệt nhấn mạnh đến vấn đề bảo vệ môi trường sinh thái để đảm bảo sự phát triển bền vững và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Thứ hai, Nghị quyết cũng xác định lấy nhân dân và doanh nghiệp là đối tượng phục vụ của Chính phủ… Đây là sự thay đổi căn bản từ tư duy Chính phủ thiên về quản lý hành chính sang Chính phủ phục vụ người dân và doanh nghiệp.Qua đó cũng khẳng định người dân và doanh nghiệp là chủ thể trung tâm của nền kinh tế. Chính phủ có trách nhiệm thu hút, phát huy mạnh mẽ mọi nguồn lực và sức sáng tạo của nhân dân.Mọi chính sách của Chính phủ phải hướng về người dân và doanh nghiệp, tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp.

Thứ ba, Nghị quyết cũng đề ra những nhiệm vụ và giải pháp rất cụ thể và quyết liệt trong việc phòng chống tham nhũng, lãng phí.Tham nhũng, lãng phí được coi là giặc nội xâm, là lực cản lớn nhất đối với sự phát triển của đất nước. Tham nhũng, lãng phí vừa là biểu hiện, cũng vừa là hệ quả của môi trường không trong sạch, minh bạch, Vì vậy, việc tuyên chiến với tham nhũng, lãng phí cũng là một biểu hiện rõ nét nhất của tinh thần Chính phủ kiến tạo phát triển.

PV: Xin ông cho biết việc xây dựng "Chính phủ kiến tạo phát triển" theo tinh thần Nghị quyết 100/NQ-CP có mối liên hệ gì với công cuộc xây dựng Nhà nước Pháp quyền XHCN của dân, do dân và vì dân? 

Mục tiêu cao nhất của Nhà nước pháp quyền XHCN là vì con người, lấy con người làm trung tâm của sự phát triển.Trong nhà nước pháp quyền XHCN, tất cả quyền lực thuộc về nhân dân, nhân dân là chủ thể quyết định mọi vấn đề của đất nước.Nhà nước pháp quyền XHCN được tổ chức và hoạt động trên cơ sở pháp luật và bảo đảm sự tối thượng củapháp luật trong đời sống xã hội.

Việc xây dựng "Chính phủ kiến tạo phát triển" theo tinh thần Nghị quyết 100/NQ-CP vừa là sự kế thừa, vừa là bước đi cụ thể trong việc xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân và vì dân. Nghị quyết xác định nhân dân và doanh nghiệp là đối tượng phục vụ của Chính phủ.Chính phủ phải phát huy dân chủ, bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân; lấy lợi ích quốc gia và phục vụ nhân dân làm mục tiêu cao nhất của mình. Nghị quyết cũng thể hiện rõ tinh thần thượng tôn pháp luật khi nhấn mạnh nhiệm vụ hoàn thiện hệ thống pháp luật là ưu tiên hàng đầu. Đặc biệt, việc Chính phủ tuyên chiến với nạn tham nhũng với những giải pháp rất cụ thể đã gửi đi thông điệp mạnh mẽ rằng không ai có quyền đứng trên pháp luật, đứng trên lợi ích của nhân dân và đất nước để mưu lợi cá nhân. Đó cũng chính là hành động cần thiết để đảm bảo quyền lực nhà nước tối cao thuộc về nhân dân theo đúng tinh thần của nhà nước pháp quyền.

Có thể nói, việc thực thi nguyên tắc “Chính phủ kiến tạo phát triển, trong sạch, vững mạnh, liêm chính, quyết liệt hành động” theo tinh thần Nghị quyết 100/NQ-CP chính là tiền đề quan trọng để bảo đảm xây dựng  thành công Nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân và vì dân.

PV: Vậy theo ông, chúng ta cần làm gì để chủ trương xây dựng "Chính phủ kiến tạo phát triển" thực sự đi vào cuộc sống? 

Các nhóm nhiệm vụ và giải pháp mà Nghị quyết 100/NQ-CP nêu ra là rất đúng, nhưng vấn đề là phải hành động và hành động một cách quyết liệt để biến những chủ trương và giải pháp đó thành hiện thực, tạo được niềm tin cho doanh nghiệp và quần chúng nhân dân.

Việc đầu tiên Chính phủ cần làm là phải kiến tạo không gian và môi trường phát triển thuận lợi cho các doanh nghiệp khởi nghiệp, khuyến khích ham muốn làm giàu chính đáng của các doanh nghiệp khởi nghiệp, bằng các chính sách ưu đãi rất cụ thể về thuế, đất đai, tín dụng chứ không chỉ hô hào chung chung. Bên cạnh đó, Chính phủ và các bộ, ngành cần tập trung tháo gỡ mọi khó khăn vướng mắc đang cản trở sự phát triển của các doanh nghiệp.Doanh nghiệp vừa là hạt nhân vừa là động lực của nền kinh tế. Nếu doanh nghiệp không phát triển, nền kinh tế không phát triển thì vai trò kiến tạocủa Chính phủ sẽ không có ý nghĩa gì.

Thứ hai, Chính phủ cần tập trung hoàn thiện thể chế, hệ thống pháp luật và cải cách thủ tục hành chính, giảm thiểu tối đa những rắc rối, phiền hà không đáng có và giảm chi phí hành chính trong đầu tư, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp. Qua đó giảm chi phí sản xuất, giảm giá thành và tăng sức cạnh tranh của doanh nghiệp. Việc hoàn thiện thể chế, pháp luật và cải cách thủ tục hành chính còn góp phần bịt những lỗ hổng để triệt tiêu mầm mống của lợi ích nhóm, đảm bảo môi trường kinh doanh trong sạch, lành mạnh cho các doanh nghiệp.

Cuối cùng, Chính phủ phải thực hiện bằng được nhiệm vụ chống tham nhũng, lãng phí. Bởi vì nếu nạn tham nhũng, lãng phí còn hoành hành thì công cuộc kiến tạo, chấn hưng đất nước sẽ không bao giờ thành công. Do vậy, từ các thành viên chính phủ đến các cán bộ lãnh đạo chủ chốt của các bộ, ngành, địa phương phải gương mẫu đi đầu trong việc thực hành chống tham nhũng, lãng phí để tạo ra sự chuyển động trong toàn bộ máy. Có như vậy mới tạo được lòng tin của nhân dân và doanh nghiệp vào quyết tâm và hành động của Chính phủ.

PV: Xin cám ơn Luật sư.

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/doi-moi-can-ban-tu-tu-duy-cua-chinh-phu-a180199.html