Những chính sách nổi bật có hiệu lực từ giữa tháng 10/2017


Chủ nhật, 08/10/2017 | 06:25


Hàng loạt quy định mới có hiệu lực từ giữa tháng 10 mà mỗi người dân đều cần phải biết.

Hàng loạt quy định mới có hiệu lực từ giữa tháng 10 mà mỗi người dân đều cần phải biết.

Nhiều chính sách pháp luật mới về thương mại, tài chính, ngân hàng... bắt đầu có hiệu lực thi hành từ giữa tháng 10/2017. Ảnh minh họa

4 biện pháp bảo đảm phải đăng ký

Theo Nghị định 102/2017/NĐ-CP ngày 1/9/2017 quy định thủ tục đăng ký biện pháp bảo đảm, cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm bằng tài sản, quản lý nhà nước về đăng ký biện pháp bảo đảm có hiệu lực từ 15/10/2017.

4 các biện pháp bảo đảm phải đăng ký gồm: 1- Thế chấp quyền sử dụng đất; 2- Thế chấp tài sản gắn liền với đất trong trường hợp tài sản đó đã được chứng nhận quyền sở hữu trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; 3- Cầm cố tàu bay, thế chấp tàu bay; 4- Thế chấp tàu biển.

Được mua ngoại tệ kinh doanh trò chơi có thưởng

Thông tư 11/2017 của Ngân hàng nhà nước có hiệu lực từ ngày 15/10 quy định doanh nghiệp kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng dành cho người nước ngoài được phép mua ngoại tệ để phục vụ hoạt động kinh doanh này.

Thông tư quy định, người chơi (người nước ngoài) khi tham gia các loại hình trò chơi có thưởng tại điểm kinh doanh casino thì việc nhận và sử dụng tiền trả thưởng bằng ngoại tệ. Cụ thể, đối với trường hợp nhận tiền mặt: được bán ngoại tệ cho ngân hàng được phép hoặc đại lý đổi ngoại tệ của tổ chức tín dụng được phép lấy Việt Nam đồng (VND); chuyển ngoại tệ ra nước ngoài qua ngân hàng; được cấp giấy xác nhận mang ngoại tệ ra nước ngoài; nộp vào tài khoản thanh toán bằng ngoại tệ mở tại ngân hàng. Đối với trường hợp nhận bằng chuyển khoản thì số ngoại tệ trả thưởng được chuyển từ tài khoản chuyên dùng ngoại tệ của doanh nghiệp sang tà khoản thanh toán bằng ngoại tệ của người chơi mở tại ngân hàng hoặc tài khoản mở tại nước ngoài.

Quỹ quốc gia về việc làm

Ngoài ra, ngày 15/10, Thông tư 24/2017/TT-BLĐTBXH sửa đổi Thông tư 45/2015/TT-BLĐTBXH hướng dẫn thực hiện một số điều về Quỹ Quốc gia về việc làm tại Nghị định 61/2015/NĐ-CP chính thức có hiệu lực.

Theo đó, giấy tờ chứng minh cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng từ 30% tổng lao động trở lên là người khuyết tật và người dân tộc thiểu số thuộc đối tượng ưu tiên vay vốn hỗ trợ tạo việc làm bao gồm: Bản sao CMND hoặc hộ chiếu hoặc sổ hộ khẩu hoặc sổ tạm trú của những người lao động là người dân tộc thiểu số (điểm mới so với quy định hiện hành là: quy định mới đã cho phép nộp bản sao sổ hộ khẩu hoặc sổ tạm trú của người lao động thay cho bản sao CMND/hộ chiếu trong hồ sơ); Danh sách lao động là người khuyết tật và người dân tộc thiểu số; Bản sao giấy xác nhận khuyết tật của người lao động là người khuyết tật do UBND xã cấp; Bản sao hợp đồng lao động hoặc quyết định tuyển dụng của người lao động.

Quy định mới về thời điểm xét nâng bậc lương đối với sĩ quan

Theo Thông tư 208/2017/TT-BQP có hiệu lực từ ngày 10/10/2017 hướng dẫn chuyển xếp lương đối với sĩ quan, công nhân quốc phòng, viên chức quốc phòng, hạ sĩ quan, binh sĩ được tuyển chọn quân nhân chuyên nghiệp (QNCN), quy định về thời điểm xét nâng bậc lương lần sau của QNCN đối với sĩ quan có thay đổi so với quy định hiện hành tại Thông tư 152/2007/TT-BQP ngày 25/9/2007, cụ thể:

Thời điểm xét nâng bậc lương lần sau của QNCN được tính từ tháng, năm ký Quyết định thăng cấp bậc quân hàm sĩ quan hoặc nâng lương sĩ quan.

Thời điểm xét nâng lương hiện tại (theo Thông tư 152/2007) được xác định dựa vào chênh lệch giữa hệ số lương QNCN so với hệ số lương sĩ quan.

Bên cạnh đó, Thông tư 208 còn quy định về việc chuyển xếp lương đối với công nhân quốc phòng được tuyển chọn QNCN.Tờ khai phải được nộp trong vòng 30 ngày kể từ ngày dự kiến sử dụng.

Giảng viên ngành y phải có chứng chỉ khám chữa bệnh

Thông tư 22/2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định giảng viên và người hướng dẫn thực hành các môn học, học phần liên quan đến khám chữa bệnh phải có chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh; đã hoặc đang làm việc tại các cơ sở khám, chữa bệnh hợp pháp, thuộc nhóm ngành đào tạo.

Ngoài ra, mỗi môn học thuộc kiến thức cơ sở hoặc chuyên ngành của chương trình đào tạo phải có ít nhất một giảng viên cơ hữu có văn bằng, luận văn, luận án phù hợp với môn giảng dạy.

Trong đó, ngành Y đa khoa phải có tối thiểu hai tiến sĩ (TS) thuộc lĩnh vực khoa học y sinh, sáu tiến sĩ y học lâm sàng và một tiến sĩ y học dự phòng (hoặc y tế công cộng).

Ngành Y học cổ truyền phải có tối thiểu hai tiến sĩ khoa học y sinh, ba tiến sĩ y học cổ truyền và một tiến sĩ y học dự phòng (hoặc y tế công cộng)...

Chính sách này có hiệu lực từ ngày 23/10.

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nhung-chinh-sach-noi-bat-co-hieu-luc-tu-giua-thang-102017-a204490.html