Vụ án Mỹ - Nga: Luật sư và mạng xã hội


Thứ 7, 24/06/2017 | 01:30


Luật sư Lê Cao (Đoàn luật sư TP Đà Nẵng) chia sẻ câu chuyện của luật sư trong mối quan hệ với mạng xã hội.

Liên quan đến vụ án đang được xét xử bởi TAND TP Hồ Chí Minh đối với các bị cáo Trương Hồ Phương Nga và Nguyễn Đức Thùy Dung, sau kỳ trước bàn về “quyền im lặng” được thực hành trong tố tụng của vụ án, lần này chúng tôi tiếp tục trò chuyện với Luật sư Lê Cao (Đoàn luật sư TP Đà Nẵng) một vấn đề đáng quan tâm khác, đó là câu chuyện của luật sư trong mối quan hệ với mạng xã hội.

Luật sư Lê Cao (Đoàn luật sư TP Đà Nẵng) 

- Thưa luật sư, những ngày qua đã có những chứng cứ, những phát ngôn của các luật sư bảo vệ hoặc bào chữa cho phía bị hại hoặc bên bị cáo được tung lên mạng xã hội Facebook, nhiều người thắc mắc rằng điều đó có được pháp luật cho phép hay không?

Theo pháp luật tố tụng hình sự hiện hành, luật sư trong vụ án hình sự không được tiết lộ bí mật điều tra, không được sử dụng các tài liệu, hồ sơ của vụ án vào mục đích xâm phạm tới lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức và công dân. Còn theo Luật luật sư cũng nghiêm cấm hành vi tiết lộ thông tin về vụ án, về khách hàng trong khi hành nghề, trừ trường hợp được khách hang đồng ý bằng văn bản.

Như vậy, cần phải xem xem các luật sư đã thông tin những gì lên mạng xã hội mới có thể đánh giá là họ có vi phạm pháp luật trong khi hành nghề hay không. Nếu các thông tin đó đã được khách hàng cho phép, không phải là bí mật điều tra, không gây phương hại đến ai thì việc đưa thông tin lên mạng xã hội của luật sư là được phép.

- Ví dụ, nếu một luật sư đăng lên mạng xã hội biên bản lấy lời khai của các bên trong vụ án thì có vi phạm pháp luật không?

Cần phải làm rõ các thời điểm công bố thông tin, như cách mà mạng xã hội đang lan truyền các bản khai của phía bị hại và bị cáo sau khi các bản khai này đã được trình bày công khai tại phiên tòa thì chúng tôi cho rằng các luật sư đưa lên mạng xã hội không phải là tài liệu bí mật điều tra vì tài liệu này đã được công khai. Do đó, trong mối quan hệ giữa luật sư với cơ quan tiến hành tố tụng thì việc cung cấp thông tin về bản khai đã được công khai ở phiên tòa lên mạng xã hội không phải là hành vi tiết lộ bí mật điều tra.

Đối với quan hệ giữa luật sư và khách hàng, theo luật luật sư và Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp của luật sư rất khắt khe khi quy định luật sư muốn tiết lộ các thông tin về vụ việc, về khách hàng của mình lên mạng xã hội thì phải có sự đồng ý của thân chủ.

Chúng tôi nghĩ rằng với một số luật sư hay đưa thông tin về vụ việc mà mình đang bảo vệ, bào chữa lên mạng xã hội thì họ phải nhận thức rõ quy định phải có sự đồng ý của khách hàng của họ. Nếu luật sư không nắm rõ quy định về trường hợp nào được tiết lộ thông tin, trường hợp nào không sẽ dễ rơi vào trường hợp phạm luật.

- Mạng xã hội có vai trò gì để tác động đến một vụ án, vì sao trong hành nghề không ít luật sư rất tích cực sử dụng mạng xã hội để tung các thông tin về vụ việc mình đang giải quyết?

Thực ra, về nguyên tắc thì hoạt động xét xử phải là hoạt động độc lập, báo chí truyền thông hay mạng xã hội hoặc bất kỳ ai, tổ chức nào cũng không thể tác động tới nguyên tắc độc lập xét xử của Tòa án. Nhưng, với xã hội Việt Nam hiện nay, sự độc lập của Tòa án đang là một đòi hỏi dường như quá sức. Tòa án có độc lập được trong xét xử một cách tuyệt đối thì các tác động bên ngoài mới trở thành vô nghĩa. Tuy nhiên, không ít vụ án chúng ta thấy rõ, tác động của mạng xã hội đến truyền thông báo chí, rồi từ báo chí tác động lên các cơ quan ban ngành, cá nhân lãnh đạo các nơi, sau đó có các sự chỉ đạo về việc xét xử đối với Tòa án là chuyện có thật, một sự thật không có lợi gì cho công lý và pháp quyền, một sự thật đi ngược lại nguyên tắc độc lập xét xử, nhưng sự thật đó có thật, chúng ta phải thẳng thắn với nhau về điều đó.

Bên cạnh đó, các thông tin được đưa lên mạng xã hội hay các kênh truyền thông khác sẽ có sự tác động đến tâm lý, tình cảm, ý chí của các bên liên quan trong vụ án, có sự tác động đến người thân bị cáo hay bị hại, có sự tác động đến luật sư các bên là điều không tránh khỏi. Do vậy, với những trường hợp hoàn cảnh khác nhau, thông tin được tung lên mạng xã hội không phải chỉ là vô nghĩa.

Chính hiện tượng thực tế đó đã dẫn đến mục đích của không ít luật sư là muốn mượn mạng xã hội để thu hút dư luận, mượn mạng xã hội để từ đó dùng các cách thức khác để đánh vào sự thiếu độc lập một cách vững chắc của hoạt động tố tụng, và không ít trường hợp cách thức của họ có hiệu quả. Họ cũng có thể tung lên mạng xã hội để tung hỏa mù, đánh lạc hướng dư luận, lôi kéo sự phán đoán, bình luận theo hiệu ứng đám đông để đạt các mục đích theo ý đồ chiến thuật nào đó mà họ cho là cần thiết. Cũng có người có thể sử dụng các vụ án họ đang theo đuổi hành nghề để quảng bá hình ảnh cá nhân nhằm tang danh tiếng uy tín của mình…

- Vậy theo ông, là một luật sư ông có đánh giá như thế nào về mối quan hệ giữa nghề luật sư và cách các luật sư đang sử dụng mạng xã hội để hỗ trợ cho việc hành nghề?

Cá nhân tôi chưa bao giờ chia sẻ thông tin vụ việc mà mình đang thực hiện đối với khách hàng lên mạng xã hội. Nhưng không phải là chúng tôi không xem trọng sự tác động của truyền thông hoặc mạng xã hội. Là luật sư, chúng tôi có thể tư vấn và hướng khách hàng có các cách thức chia sẻ với truyền thông, mạng xã hội những gì mà nhờ đó có ý nghĩa cho lợi ích của khách hàng. Với cá nhân tôi, việc đưa thông tin về công việc của mình đang làm hàng ngày lên mạng xã hội là tối kỵ, nhưng với các luật sư khác thì đó là quyền của họ và họ làm điều đó bằng một cách thức hợp pháp với sự đồng thuận của khách hàng thì không có gì để bàn cả.

Chúng ta vẫn phải thừa nhận mạng xã hội ở Việt Nam hiện nay đang có tác động đến nhiều vấn đề của đời sống xã hội. Những tác động có thể có những ý nghĩa hoặc hậu quả khác nhau nhưng nếu bàng quang và thờ ơ với nguồn lực thông tin, sức ảnh hưởng của mạng xã hội sẽ khiến chúng ta có khi phải trả giá. Mạng xã hội ở Việt Nam dường như có sức thu hút các vấn đề thiết thân với đời sống là bởi sức sống của các tổ chức hội đoàn và các tổ chức dân sự hiện nay rất yếu. Các tổ chức hội đoàn chưa là nơi giao lưu chia sẻ thảo luận các vấn đề thiết thân với đời sống, nghề nghiệp, học hành và các vấn đề bức thiết của xã hội.

Do đó, hầu như mọi sự giải tỏa cũng như các chủ đề mở cần thảo luận khi được tung lên mạng xã hội đã lôi kéo được rất đông đảo người sử dụng mạng xã hội tham gia. Có nhiều trường hợp người ta sống thật trên mạng xã hội nhiều hơn là sống thật ngoài đời thật, cũng có nhiều trường hợp người ta bị mạng xã hội dẫn dắt và mê hoặc khiến cuộc sống ảo của họ còn đáng tin hơn cuộc đời thực. Sự tham gia của công dân trên mạng xã hội rất lớn, do đó ảnh hưởng của mạng xã hội có thể rất tích cực hoặc rất tiêu cực khi chúng ta chia sẻ thông tin. Các luật sư cũng vậy, nếu họ không có cách thức đúng đắn, không có hình thức chia sẻ thông tin phù hợp và hợp pháp thì họ cũng có thể nhận lãnh các hậu quả tiêu cực.

- Cá nhân ông không sử dụng mạng xã hội để đồng hành với công việc đang làm hàng ngày, vậy ông có quan tâm đến sự tương tác của nghề luật hiện nay với mạng xã hội?

Chúng tôi không dùng mạng xã hội để đồng hành với các vụ việc mà chúng tôi đang làm nhưng chúng tôi cũng tôn trọng cách mà một số luật sư sử dụng mạng xã hội một cách hợp pháp để tạo nên các giá trị tích cực cho khách hàng của họ. Thậm chí, chúng tôi thấy các luật sư đưa ra các vấn đề thực tế hành nghề một cách sinh động và trực tiếp như thế mà hợp pháp, sẽ là một kênh thảo luận và chia sẻ về học thuật cũng như kỹ năng nghề nghiệp ý nghĩa, về mặt xã hội thì đó cũng là kênh tuyên truyền phổ biến pháp luật nói chung rất hiệu quả.

Tuy nhiên, ở khía cạnh bảo vệ công lý, là luật sư điều quan tâm lớn nhất của chúng tôi đó là việc cần phải có sự độc lập thực sự từ Hội đồng xét xử. Dù có sự xôn xao của mạng xã hội, hay sự tác động của một cuộc điện thoại của một cá nhân, hay một nỗi sợ hãi mơ hồ về quyền lực và lợi ích vật chất nào nào đó hay không, nếu Hội đồng xét xử thực sự độc lập theo nguyên tắc được pháp luật quy định và theo quyền hạn được trao để giải quyết, xét xử một cách công minh các vụ án, thì khi đó mới thực sự là điều mừng cho một nền tư pháp.

Chính các bản án, quyết định công minh của Tòa sẽ có tác động gây cảm hứng, niềm tin về công lý cho công luận nói chung, khi đó sức mạnh của sự độc lập của Tòa án sẽ có tác động tích cực trở lại với xã hội. Và mạng xã hội lúc này, có thể trở thành một kênh hữu hiệu để nhân lên niềm cảm hứng về công lý cho người dân.

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/vu-an-my---nga-luat-su-va-mang-xa-hoi-a194299.html