Vụ bé trai bị bạo hành ở Hà Nội: Vi phạm pháp luật nghiêm trọng


Thứ 7, 12/08/2017 | 01:54


Cùng sự kiện

Hành vi đánh đập gây nhiều thương tích nghiêm trọng cho cháu bé chưa đầy 12 tháng tuổi không chỉ là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng mà còn đáng lên án về mặt đạo đ

Hành vi đánh đập gây nhiều thương tích nghiêm trọng cho cháu bé chưa đầy 12 tháng tuổi không chỉ là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng mà còn đáng lên án về mặt đạo đức xã hội.

Bé trai bị bạo hành dã man

Chiều ngày 10/8, trao đổi PV báo Người Đưa Tin, PGS.TS. Trần Minh Điển, Phó Giám đốc bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, sau gần 1 tuần điều trị, sức khỏe của cháu Trần Tiến A. (SN 23/8/2016) đã ổn định. Cháu đã tỉnh táo, ăn được, chơi với mọi người và đã được xuất viện. Gia đình sẽ đưa cháu tái khám định kỳ để theo dõi về tình trạng chấn thương sọ não.

Trước đó, vào sáng 4/8, bệnh nhi được đưa đến bệnh viện Việt Nam - Cu Ba (Hà Nội) trong tình trạng hôn mê, co giật, mắt bị giãn, bầm tím toàn thân. Tại đây, các bác sĩ của bệnh viện Việt Nam - Cu Ba đã cấp cứu, hồi sức cho cháu bé.

Bé trai nhập viện trong tình trạng nguy kịch.

Sau đó, cháu được chuyển đến bệnh viện Xanh Pôn. Nhận thấy tình trạng sức khỏe của bệnh nhi bị tổn thương nghiêm trọng, bệnh viện Xanh Pôn tiếp tục chuyển bé trai lên tuyến trên là bệnh viện Nhi Trung ương để cháu được điều trị và chăm sóc tốt hơn.

Tại đây, các bác sĩ đã kiểm tra, chiếu chụp các bộ phận trên cơ thể bệnh nhi và xác định não của cháu bé cũng bị tổn thương. 

Ngay sau khi nhận được thông tin, lãnh đạo Công an TP.Hà Nội đã chỉ đạo Công an quận Đống Đa phối hợp với phòng Cảnh sát hình sự khẩn trương xác minh, làm rõ vụ việc.

Căn cứ vào những vết thương trên người cháu bé và các tài liệu liên quan, Công an TP.Hà Nội xác định, có dấu hiệu của vụ bạo hành trẻ em với tính chất đặc biệt nghiêm trọng, vì vậy ngay chiều 5/8, cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an TP.Hà Nội đã ra quyết định khởi tố vụ án Cố ý gây thương tích.

Bằng các biện pháp nghiệp vụ, cơ quan điều tra đã làm rõ người trực tiếp đưa cháu bé vào viện tên là Nguyễn Thanh Hằng (SN 1978, trú tại 58, phố Yên Phụ, phường Trung Trực, quận Ba Đình, Hà Nội).

Tại cơ quan công an, Hằng khai mẹ cháu bé tên là Đ.L.H. (SN 1983, trú tại phố Tống Duy Tân, phường Hàng Bông, quận Hoàn Kiếm). Do mẹ cháu bé mới bị bắt vì tội danh liên quan đến ma túy nên đã gửi con cho một người bạn nhờ nuôi hộ. Đầu tháng 8 vừa qua, người bạn này bận công việc nên đã nhờ Hằng nuôi giúp một thời gian. Thấy cháu bé có biểu hiện co giật nên Hằng đã đưa vào bệnh viện rồi bỏ rơi tại đó.

Để tìm hiểu rõ hơn những vấn đề pháp lý xung quanh vụ việc này, báo Người Đưa Tin xin dẫn ý kiến của luật sư Vũ Quang Bá, công ty Luật TNHH Khải Hưng, đoàn Luật sư TP.Hà Nội.

Luật sư Vũ Quang Bá.

Vì sao khởi tố vụ án khi chưa có kết luận giám định?

Hành vi đánh đập gây nhiều thương tích nghiêm trọng cho cháu bé chưa đầy 12 tháng tuổi không chỉ là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng mà còn đáng lên án về mặt đạo đức xã hội, khi trẻ em là đối tượng được Nhà nước và toàn thể xã hội ưu tiên trong việc chăm sóc, bảo vệ và giáo dục.

Theo thông tin ban đầu, đối tượng đã có hành vi tác động đến thân thể của cháu bé gây ra nhiều thương tích trên cơ thể như: Bầm tím toàn thân, bộ phận sinh dục bị xước, chấn thương sọ não… Các thương tích cũng như dấu vết trên cơ thể cháu bé có dấu hiệu của việc bị bạo lực. Do đó, có thể thấy rằng hoàn toàn có cơ sở để tiến hành khởi tố vụ án Cố ý gây thương tích theo quy định tại Điều 104, Bộ luật Hình sự.

Việc cơ quan điều tra tiến hành khởi tố vụ án để tiến hành điều tra làm rõ đối tượng đã thực hiện hành vi phạm tội, nguyên nhân, mục đích, động cơ phạm tội cũng như xác định tỷ lệ thương tật đối với các thương tích trên cơ thể cháu bé để làm căn cứ định tội đối với người phạm tội là hoàn toàn phù hợp.

Trong vụ việc nêu trên, sở dĩ cơ quan điều tra có thể tiến hành khởi tố vụ án để tiến hành điều tra ngay khi chưa có kết luận giám định về tỷ lệ thương tật của cháu bé cũng như không có yêu cầu khởi tố của người đại diện hợp pháp bị hại là do nạn nhân được xác định là trẻ em, thuộc một trong các trường hợp khởi tố ngay trong trường hợp tỷ lệ thương tật dưới 11%, cũng như không có yêu cầu khởi tố của người đại diện hợp pháp của người bị hại theo quy định tại Điều 105, Bộ luật Tố tụng hình sự.

Bên cạnh điều tra, việc xác định trách nhiệm của đối tượng thực hiện hành vi phạm tội thì cần có những biện pháp bảo đảm không chỉ về sức khỏe mà còn ổn định về mặt tinh thần, tâm lý cho cháu bé trong và sau thời gian điều trị, tránh những tác động tiêu cực từ vụ việc đến tâm lý và sự phát triển của cháu bé. 

Ls.Vũ Quang Bá

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/vu-be-trai-bi-bao-hanh-o-ha-noi-vi-pham-phap-luat-nghiem-trong-a198853.html