Vụ trộm vặt bị chủ nhà chém trọng thương: “Cháu van xin nhưng bác ấy không tha…”


Thứ 6, 08/12/2017 | 07:12


Nguyễn Đăng Tùng (SN 2002), người bị ông Lê Minh Phương (50 tuổi) dùng kiếm chém cho biết, dù đã van xin nhưng vẫn bị chém trọng thương.

Nguyễn Đăng Tùng (SN 2002), người bị ông Lê Minh Phương (50 tuổi) dùng kiếm chém cho biết, dù đã van xin nhưng vẫn bị chém trọng thương.

Đã van xin nhưng chủ nhà không tha?

Tại Bệnh viện 198 Bộ Công an, trao đổi với cháu Nguyễn Đăng Tùng (SN 2002, trú tại phường Tây Tựu, quận bắc Từ Liêm TP Hà Nội) – người đã lẻn vào nhà ông Lê Minh Phương (50 tuổi, phường Tây Tựu) với ý định trộm vặt, sau đó bị ông Phương chém gây thương tích với tỷ lệ 61% cho biết, đêm ngày 22/11, do nhịn đói nhiều ngày nên khi thấy cửa hàng tạp hóa nhà ông Phương có lỗ hổng, Tùng đã lẻn vào với ý định lấy nước và bim bim để ăn. Tuy nhiên, khi vừa chui vào bên trong thì Tùng bị ông Phương phát hiện.

“Lúc đấy cháu bị bác chủ nhà phát hiện nhưng cháu chưa kịp lấy được gì thì đã bị bác ấy chửi mắng. Cháu van xin bác ấy nhưng bác ấy bảo là bị mất trộm nhiều lần rồi nên không tha cho cháu. Cháu bảo cháu là người ở phường Tây Tựu nhưng bác ấy bảo không cần biết là con nhà ai rồi cầm kiếm chém 2 nhát vào đầu”, Tùng kể lại.

Nguyễn Đăng Tùng bị trọng thương với tỉ lệ thương tật lên đến 61%

Sau đó ông Phương tiếp tục chém gãy tay khiến Tùng bị mất nhiều máu và nằm gục xuống đất. Sau đó còn có con trai của ông Phương cầm dùi cui điện đánh và chích điện nhiều lần vào người khiến Tùng bất tỉnh.

Thiếu niên 15 tuổi cho biết, nhìn rất rõ mặt ông Phương và con trai ông Phương lúc đó bởi có ánh đèn đường rọi vào bên trong.

Sau vụ việc Tùng được đưa đi cấp cứu. Công an quận Bắc Từ Liêm sau đó đã khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, đồng thời ra lệnh tạm giam 4 tháng đối với Lê Minh Phương để điều tra về tội Giết người.

Những tranh cãi về tội danh Giết người

Liên quan đến vụ việc này, nhiều chuyên gia pháp lý cho rằng khởi tố ông Phương tội danh Giết người là quá nặng so với hành vi thực hiện.

Theo nhận định riêng, luật sư Trần Huy Tuấn (Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết, với ý kiến “hành vi dùng hung khí tác động vào vùng trọng yếu trên cơ thể người khác đã có dấu hiệu pháp lý tội Giết người, trường hợp nạn nhân không chết vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự về tội Giết người (phạm tội chưa đạt)…”, rất khó để chứng minh rằng hành vi của ông Phương là ý thức chủ quan.

Bởi theo luật sư Tuấn thì trong đêm tối không biết đâu là vùng trọng yếu mà tác động. Cùng với đó, về ý kiến cho rằng hành vi của ông Phương thuộc trường hợp phạm tội Giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh, luật sư Tuấn cho rằng đây là căn cứ chưa vững chắc. Tức là không có căn cứ để chứng minh gia chủ bị kích động động tinh thần, tức giận hoặc ức chế… mà không phải là tâm trạng hoang mang, hoảng sợ.

Luật sư Tuấn cho rằng việc thiếu niên xâm nhập bất hợp pháp có thể gây nguy hiểm, có khả năng xâm phạm lợi ích chính đáng, thậm chí là xâm phạm tính mạng của cả gia đình nên hành động của ông Phương là phòng vệ chính đáng và không thể là nhóm tội Giết người.

Ông Lê Minh Phương cùng vũ khí để chém Tùng

Song, ngoài nhận định của luật sư Tuấn, luật sư Phạm Công Hùng - Nguyên thẩm phán TAND Tối cao lại cho rằng trong vụ việc này, chưa tìm ra cơ sở cho rằng, chủ tiệm tạp hóa chém cháu bé là phòng vệ chính đáng.

Theo luật sư Hùng, việc phòng vệ chính đáng là trong trường hợp cháu bé phải cầm vũ khí tấn công hay có hành động đe dọa ông Phương. Trong trường hợp này, cháu bé không hề tấn công chủ nhà. Nếu sai, cháu bé đã có hành động lẻn vào nhà người khác để lấy chai nước, gói bánh và chưa thể xác định đó là hành vi trộm cắp tài sản, chưa đủ cấu thành tội phạm.

“Việc ông Phương nghe thấy lời van xin của cháu bé và xưng hô là con nhà ai cùng khu phố nhưng vẫn vung gươm, kiếm chém là hành vi giết người”, luật sư Hùng nhận định.

Cũng theo luật sư Hùng, nạn nhân trogn vụ việc này mới 15 tuổi và vẫn là trẻ em, bởi vậy hành vi của ông chủ tạp hóa là rất nguy hiểm và có thể bị xử tội rất nặng.

“Không thể dùng vụ án này soi vào vụ án kia mà phải dùng các quy định của pháp luật soi vào hành vi. Theo như lời cháu bé nói khi quỳ xuống van xin ông chủ tạp hóa vẫn chém. Như vậy, hành vi vung kiếm chém cháu bé hoàn toàn là lỗi của chủ tạp hóa, không có lỗi của cháu bé bởi trên người cháu không mang theo vũ khí gì và hơn hết cháu vẫn là 1 đứa trẻ”, luật sư Hùng nói.

Căn cứ vào những lời khai của cháu bé, nguyên thẩm phán TAND Tối cao cho rằng, lời khai này có cơ sở để chấp nhận và động cơ, hành vi của ông chủ đều phù hợp với nhau.

Nhiều tranh luận cho rằng hành động của ông Phương là phòng vệ chính đáng khi gặp người lạ trong nhà mình

Không chỉ có các luật sư, rất nhiều người dân cũng theo dõi vụ việc và đưa ra những nhận định riêng trên mạng xã hội. Một tài khoản tên Duy Duc cho rằng: “Tôi nghĩ đêm hôm chủ nhà không thể phân biệt tuổi tác chỉ nghĩ trộm vào nhà sẽ cướp, hiếp, giết như bao vụ đã xảy ra. Nếu là tôi, tôi cũng sẽ làm thế để bảo vệ gia đình mình. Vụ này nên xử chủ nhà trắng án và tên trộm phải bồi thường thiệt hại gây nên là hợp lý”.

Tuy nhiên cũng có những quan điểm trái chiều, tài khoản An Nguyen nhận định: “Nghe được giọng thì cũng biết nó là trẻ em rồi, khống chế rồi bắt nó lên công an thôi. Việc gì mà phải đánh nó nặng đến thế. Rõ ràng hành vi của chủ nhà là giết người rồi còn gì”.

Theo kết quả xét nghiệm thương tật, tỷ lệ tổn hại sức khỏe của Tùng là 61%. Còn về phía ông Phương, ông thừa nhận do bị mất trộm nhiều lần nên khi thấy kẻ lạ đột nhập vào nhà, không kiềm chế được bản thân nên ông đã ra tay.

Hoàng Giang (T/h)

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/vu-trom-vat-bi-chu-nha-chem-trong-thuong-chau-van-xin-nhung-bac-ay-khong-tha-a212234.html