Vụ UBND tỉnh Vĩnh Long bị người dân kiện ra tòa: Tòa phúc thẩm bác đơn của dân dù luật sư trưng ra “bằng chứng thép”


Thứ 3, 11/12/2018 | 04:03


TAND Cấp cao tại TP.HCM đã tuyên y án sơ thẩm vụ án ông Trần Văn Thẻ kiện UBND tỉnh Vĩnh Long trong vụ Khiếu kiện Quyết định hành chính trong lĩnh vực quản lý đất đai.

Ngày 7/12, TAND Cấp cao tại TP.HCM đã tuyên y án sơ thẩm vụ án ông Trần Văn Thẻ (SN 1954, ngụ ấp Mỹ Hưng 2, xã Mỹ Hòa, thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long) kiện UBND tỉnh Vĩnh Long trong vụ Khiếu kiện Quyết định hành chính trong lĩnh vực quản lý đất đai. Liên quan đến vụ kiện, luật sư của ông Thẻ cho biết, sẽ cùng thân chủ của mình khiếu nại lên giám đốc thẩm.

Hé lộ những sai phạm

Ông Trần Văn Thẻ là nguyên đơn trong vụ kiện hành chính mà bị đơn là UBND tỉnh Vĩnh Long. Ông Thẻ cùng gần chục hộ dân khác đã trường kỳ khiếu nại, khiếu kiện UBND tỉnh Vĩnh Long đòi hủy một số quyết định thu hồi đất vi phạm các quy định mà UBND tỉnh Vĩnh Long ban hành.

Trước đó, trong phiên sở thẩm do TAND tỉnh Vĩnh Long xét xử đã bác đơn của ông Thẻ và nhiều người dân trong vụ kiện trên.

Trong phiên tòa phúc thẩm này, luật sư Nguyễn Kỳ Việt (Đoàn Luật sư TP.Cần Thơ) người bảo vệ quyền lợi cho ông Thẻ đã trình trước tòa bản báo cáo số 2746 của Thanh tra Chính phủ gửi Thủ tướng chính phủ vào ngày 26/12/2007. Đây được xem như là “bằng chứng thép” khẳng định người dân khởi kiện UBND tỉnh Vĩnh Long là có cơ sở và UBND tỉnh đã có nhiều sai phạm rất nghiêm trọng trong quá trình triển khai dự án Khu công nghiệp (KCN) Bình Minh. Dự án này đã trực tiếp đẩy các hộ dân này vào cảnh khiếu kiện kéo dài suốt hơn 20 năm qua.

Đất của nhiều hộ dân được thu hồi giao cho doanh nghiệp

Báo cáo này có được sau quá trình thanh tra việc giải quyết khiếu nại của 52 hộ dân liên quan đến KCN Bình Minh, huyện Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long. Theo đó, KCN Bình Minh nằm ở tả ngạn sông Hậu, cách cầu Cần Thơ 500 mét về phía hạ lưu. Hiện trạng khu đất khi quy hoạch có tổng diện tích là 163,2 ha, bao gồm: 158,6ha đất nông nghiệp, 1,98 ha đất là thổ cư, 2,62 ha đất khác. Khi triển khai dự án có 680 tổ chức, hộ gia đình bị giải tỏa thu hồi đất.

Ngày 19/3/2001, UBND tỉnh Vĩnh Long ban hành quyết định số 581/QĐ-UBT thành lập Hội đồng để thực hiện công tác đền bù, giải phóng mặt bằng xây dựng KCN, do Phó chủ tịch tỉnh làm Chủ tịch Hội đồng. Trong quá trình áp giá bồi thường, bố trí tái định cư đã phát sinh khiếu nại của các hộ dân, kể cả các hộ đã nhận tiền bồi thường và chưa. Vì vậy, UBND tỉnh Vĩnh Long đã lập Đoàn công tác để giải quyết khiếu nại của người dân.

Ở đây, người dân khiếu nại chủ yếu tập trung vào 2 nội dung, thứ nhất, cho rằng UBND tỉnh Vĩnh Long không thực hiện đúng ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, thu hồi đất nhưng không sử dụng đúng mục đích ban đầu (lúc đầu nói làm KCN nhưng sau đó lại xây Khu dân cư thương mại). Việc phân lô bán nền của công ty Hoàng Quân (đơn vị thực hiện dự án Khu dân cư thương mại và khu nhà ở chuyên gia, công nhân) là không đúng pháp luật.

Thứ hai, giá đền bù thấp, bố trí tái định cư không công bằng, đề nghị tăng thêm diện tích tái định cư, đề nghị được nhận tiền hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề thay vì để chính quyền địa phương tổ chức học các nghành nghề tại các cơ sở đào tạo.

UBND tỉnh sai chồng sai

Từ những nội dung trên, Thanh tra Chính phủ đã vào cuộc và kết luận ra nhiều sai phạm của UBND tỉnh Vĩnh Long. Trong đó chỉ rõ, ban đầu KCN Bình Minh được một công ty Singapore xin chủ trương đầu tư làm KCN với vốn 100% nước ngoài. Trong khi Vĩnh Long đang xin chủ trương của Chính phủ, các bộ ngành thì công ty này bất ngờ đổi ý, không đầu tư nữa. Trước tình hình đó Vĩnh Long có nhiều văn bản khác xin ý kiến của Thủ tướng, Bộ ngành về việc thay đổi chủ đầu từ từ nước ngoài sang 100% vốn trong nước. Sau đó, mặc dù Thủ tướng chưa có ý kiến về vấn đề này nhưng Vĩnh Long vẫn triển khai thực hiện đầu tư hơn 3 năm.

Mặc dù được Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn cụ thể nhưng UBND tỉnh Vĩnh Long không thực hiện, mặc dù chưa được Thủ tướng phê duyệt dự án và quyết định đầu tư nhưng UBND tỉnh Vĩnh Long đã tự quyết định thay đổi hình thức đầu tư và quyết định chọn nhà đầu tư trong nước. Điều đáng lưu ý, trước khi có văn bản xin ý kiến của Thủ tướng về việc chuyển đổi hình thức đầu tư từ nước ngoài thành trong nước, UBND tỉnh Vĩnh Long đã có văn bản chấp thuận cho Công ty Hoàng Quân đầu tư KCN Bình Minh. Như vậy, việc xin ý kiến của Thủ tướng chỉ là hình thức.

Cũng tại thời điểm chưa được phép đầu tư, UBND tỉnh Vĩnh Long đã phê duyệt phương án đền bù và đền bù bổ sung để xây dựng KCN Bình Minh, đã tổ chức kiểm kê, áp giá đền bù cho các hộ dân có đất bị giải tỏa. Thanh tra Chính phủ chỉ rõ, đối chiếu với các quy định của nhà nước (tại thời điểm trước khi Luật Đầu tư năm 2005 có hiệu luật) thì dự án KCB Bình Minh thuộc nhóm A, phải lập Báo cáo nghiên cứu khả thi để Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm tra trước khi trình Thủ tướng cho phép thành lập và cho phép đầu tư. Qua đó, những việc làm trên của UBND tỉnh Vĩnh Long là sai.

Về trình tự thu hồi đất, Thanh tra Chính phủ cũng chỉ ra nhiều điểm sai sót. UBND tỉnh Vĩnh Long ra quyết định thu hồi đất khi thiếu quyết định đầu tư dự án là chưa phù hợp với pháp luật thời điểm đó.

Điều đáng lưu ý, trong cùng ngày 8/7/2007, UBND tỉnh Vĩnh Long vừa ra quyết định 2016/QĐ-UB thu hồi hơn 1,632.122 mét vuông đất ở huyện Bình Minh giao cho Ban Quản lý các KCN tỉnh để xây dựng KCN Bình Minh thì đồng thời trong ngày cũng ra Quyết định 2017/QĐ-UB thu hồi đất của Ban Quản ký các KCN (nơi được giao quyết định 2016) để giao cho Công ty Hòang Quân xây dựng khu nhà ở phục vụ KCN Bình Minh (sau được gọi là khu nhà ở chuyên gia, công nhân và thương mại –dịch vụ, bản chất là khu đô thị mới).

Theo Thanh tra Chính phủ, thực chất đây là một dự án độc lập với dự án KCN Bình Minh nhưng lại nằm trên diện tích đất đã giao cho Ban Quản lý các KCN tỉnh. Việc tách 30ha từ đất KCN ra làm đô thị mới khi chưa được phép Thủ tướng là trái với Luật Đất đai 2003. Ngược lại, nếu 30 ha đất trên không phải là một dự án độc lập mà vẫn thuộc dự án KCN Bình Minh thì cũng không phù hợp với quy định. Cụ thể: KCN là khu tập trung các doanh nghiệp, KCN chuyên sản xuất hàng công nghiệp và thực hiện các dịch vụ cho sản xuất công nghiệp, có ranh giới địa lý xác dịnh, không có dân cư sinh sống, do Chính phủ hoặc Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập...” (trích Khoản 1, Điều 2, Quy chế KCN, Khu chế xuất, Khu công nghệ cao).

Từ đó, khiếu nại của các hộ dân rằng UBND tỉnh không thực hiện đúng ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính, thu hồi đất nhưng không sử dụng đúng mục đích ban đầu là có cơ sở. Thanh tra Chính phủ chỉ ra những sai phạm trên thuộc trách nhiệm của Ban Quản lý các KCN tỉnh Vĩnh Long và Sở Tài nguyên và Môi trường. Do dó, UBND tỉnh Vĩnh Long chỉ đạo cơ quan chức năng điều chỉnh, bổ sung, hoàn chỉnh những thủ tục còn thiếu theo quy định và có hình thức kỷ luật nghiêm túc đối với cá tổ chức, cá nhân có sai phạm nêu trên.

Tại phiên tòa phúc thẩm ngày 7/12, những nội dung trong báo trên được luật sư Nguyễn Kỳ Việt lần đầu công bố tại tòa. Mặc dù bản báo cáo đã chỉ ra nhiều sai phạm của UBND tỉnh và các ngành chức năng tỉnh Vĩnh Long trong quá trình thực hiện dự án KCN Bình Minh nhưng lại không được tòa quan tâm mà vẫn tuyên y án, bác đơn của ông Thẻ.

Luật sư Nguyễn Kỳ Việt cho biết, tại tòa ông hỏi giấy phép chấp thuận xây KCN Bình Minh của thủ tướng ngay từ đầu ở đâu thì đại diện Ban quản lý các KCN tỉnh Vĩnh Long không đưa ra được. Ngoài ra, Luật sư Việt cũng chỉ ra rằng, theo quy định trước khi lập dự án KCN là là một dự án quan trọng, ảnh hưởng đến kinh tế xã hội của cả một tỉnh thì phải có sự đồng thuận cao từ người dân. Do đó, trước khi lập dự án chính quyền phải tổ chức họp dân để lấy ý kiến, vậy biên bản họp dân đâu? “Đại diện UBND tỉnh Vĩnh Long cho rằng có biên bản họp dân nhưng đã thất lạc. Đã thất lạc thì phải coi như không có”, luật sư Việt nói.


Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/vu-ubnd-tinh-vinh-long-bi-nguoi-dan-kien-ra-toa-toa-phuc-tham-bac-don-cua-dan-du-luat-su-trung-ra-bang-chung-thep-a254587.html