+Aa-
    Zalo

    Phòng chống bệnh dại giai đoạn chuyển mùa

    (ĐS&PL) - Thời tiết chuẩn bị ấm dần lên chính là thuận lợi để bệnh dại có thể bùng phát, các bác sĩ đưa ra một số khuyến cáo quan trọng để người dân chủ động phòng tránh.

    Mùa hè, thời tiết nắng nóng cũng chính là mùa bùng phát dịch bệnh dại mạnh nhất. Bệnh dại lây từ nước bọt của động vật nuôi như chó, mèo bị dại lây qua vết cắn, liếm hoặc tiếp xúc với nước bọt của chó, mèo qua các vết thương hở. Ngoài ra, virus dại cũng được phát hiện ở mèo, chồn, dơi và các động vật có vú khác.

    phong chong benh dai giai doan chuyen mua
    Người dân cần chủ động trong công tác phòng dại. Ảnh minh họa

    Thường thì thời gian ủ bệnh ở người thường từ 2 - 8 tuần và có thể kéo dài đến trên 1 năm, thời gian này phụ thuộc vào lượng virus xâm nhập vào cơ thể, sự nặng nhẹ của vết thương, khoảng cách từ vết thương đến hệ thần kinh trung ương… Vết thương càng ở gần hệ thần kinh trung ương như mặt, cổ, đầu, ngón tay, cơ quan sinh dục ngoài… thì thời gian ủ bệnh càng ngắn. Tất cả các bệnh nhân lên cơn dại đều bị tử vong.

    Báo Người Lao Động dẫn lời bác sĩ Bùi Hoàng Trương, Phó trưởng Phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, cho biết, trong dịp Tết vừa qua, bệnh viện tiếp nhận gần 1.900 ca chích ngừa dại, trong đó có 1.365 ca tiêm nhắc và 496 ca tiêm mới.

    "Đây là số người đến tiêm vì chó, mèo cắn, chủ yếu khi đi chúc Tết. Ngoài ra, còn có một số trường hợp đến tiêm phòng dại do các loài động vật khác cắn như chuột, khỉ...cũng tăng lên rất nhiều", bác sĩ Trương thông tin.

    Theo thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Thừa Thiên Huế, trung bình mỗi tháng, đơn vị ghi nhận khoảng 170 trường hợp đến tiêm vaccine phòng bệnh dại, chủ yếu là bị chó cắn. Theo đánh giá, vào thời điểm mùa hè các trường hợp bị chó cắn phải đi tiêm phòng chiếm tỉ lệ cao hơn so với các mùa khác. Thống kê từ các đơn vị y tế, hơn 10 năm trở lại đây, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế không có ca tử vong do bệnh dại.

    phong chong benh dai giai doan chuyen mua 2
    Ngay sau khi bị chó cắn cần đến cơ sở y tế tiêm ngừa dại. Ảnh minh họa

    Tại Phú Yên, vào ngày 16/3 Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Phú Yên xác nhận có một trường hợp tử vong do bệnh dại sau khi bị chó nuôi trong nhà cắn. Theo báo Tuổi trẻ, sau khi bị chó cắn, nạn nhân chỉ sát khuẩn bằng thuốc đỏ mà không đến cơ sở y tế để tiêm vắc xin phòng dại, sau đó vài ngày nạn nhân đã phát dại và tử vong. 8 người khác tiếp xúc gần với nạn nhân và bị chó nuôi của gia đình nạn nhân cắn được nhân viên y tế đã hướng dẫn đến cơ sở y tế để được tư vấn, và tiêm phòng dại.

    Vì vậy để làm giảm đến mức tối thiểu lượng virus dại tại nơi xâm nhập, ngay khi bị chó, mèo dại, nghi dại cắn, liếm hoặc tiếp xúc với chúng, cần nhanh chóng rửa ngay thật kỹ vết thương bằng nước xà phòng đặc, nước muối hòa đặc, dội nước sạch nhiều lần, bôi chất sát khuẩn như cồn, cồn iốt đậm đặc. Khi rửa vết thương tuyệt đối không được làm dập vết thương và nhanh chóng đưa người bệnh đến cơ sở y tế để được kiểm tra và tiêm vaccine phòng dại. Những người bị con vật cắn nhưng đến tiêm muộn, việc tiêm huyết thanh kháng dại không còn tác dụng.

    Hiện nay, trên thế giới chưa có thuốc điều trị bệnh dại đặc hiệu, tuy nhiên, hoàn toàn có thể phòng tránh được. Để chủ động phòng, chống bệnh dại, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần thực hiện tốt các biện pháp sau:

    - Cách phòng bệnh tốt nhất là phải tiêm phòng cho 100% chó, mèo nuôi đầy đủ và nhắc lại hàng năm theo khuyến cáo của ngành thú y.

    - Nuôi chó phải xích, nhốt, khi ra đường phải mang rọ mõm.

    - Diệt chó chạy rông, chó vô chủ.

    - Không nên đùa nghịch, chọc phá các con vật nuôi.

    - Đến ngay cơ sở y tế để được tiêm vaccine phòng dại khi bị súc vật cắn.

    - Khi tiêm vaccine phòng bệnh dại cần phải tiêm đủ liều theo chỉ định của nhân viên y tế, tiêm đúng liều lượng, đúng kỹ thuật. Trong thời gian tiêm, không được uống rượu, không dùng các chất kích thích, không sử dụng các thuốc kháng viêm thuốc làm giảm miễn dịch trong khi tiêm và 6 tháng sau khi tiêm vaccine phòng bệnh dại.

    Thùy Dung (t/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/phong-chong-benh-dai-giai-doan-chuyen-mua-a569385.html
    Sự kiện: Đời sống 24h
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan