+Aa-
    Zalo

    Sản xuất nhôm giả quy mô lớn nhưng liên tục 'thoát án' (Kỳ 2)

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Điều lạ là các công ty này đều lần lượt thoát án sản xuất, buôn bán hàng giả dù những tư liệu, chứng cứ về dấu hiệu vi phạm rất rõ ràng.

    Chỉ trong vòng chưa đầy nửa năm, các công ty sản xuất, kinh doanh nhôm thanh định hình do bà Đoàn Thị Ngân hoặc người thân của bà Ngân là đại diện pháp luật của công ty này đã lần lượt dính vào các vụ lùm xùm về buôn bán hàng giả. Tuy nhiên, điều lạ là các công ty này đều lần lượt thoát án sản xuất, buôn bán hàng giả dù những tư liệu, chứng cứ về dấu hiệu vi phạm rất rõ ràng.

    [presscloud]1038[/presscloud]

    Dính khung hình sự, bị phạt 8,5 triệu

    Ngày 1/8/2017, Phòng CSGT Đăk Nông đã tiến hành kiểm tra xe tải BKS 47C 08949 khi xe này đang lưu thông trên địa bàn thị xã Gia Nghĩa. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng đã phát hiện xe tải có chở một lượng hàng hoá là thanh nhôm định hình mang nhãn hiệu của một thương hiệu nổi tiếng về nhôm thanh định hình của nước ngoài nhưng không có tem nhãn phụ tiếng Việt và không có hoá đơn chứng từ. Sau đó, phương tiện, hàng hoá trên đã được Phòng CSGT Đăk Nông bàn giao cho Chi Cục Quản lí Thị trường Đăk Nông giải quyết theo thẩm quyền.

    Tại Chi Cục QLTT, lái xe đã khai hàng hoá trên được bốc tại Công ty Sản xuất công nghiệp nhôm Taiwan Aluminium do con gái của bà Đoàn Thị Ngân làm giám đốc. Tuy nhiên, phiếu xuất kho lại thể hiện số hàng trên được bán từ Công ty TNHH Cửa DEDO do bà Đoàn Thị Ngân làm giám đốc. Số hàng hoá trên được xác định có trọng lượng là 2905,3 kg, trị giá gần 300 triệu đồng tính theo giá thị trường.

    Ba tấn nhôm giả của bà Ngân bị tạm giữ tại Chi Cục Quản lí Thị trường Đăk Nông.

    Sau khi biết hàng của mình bị bắt giữ, bà Đoàn Thị Ngân đã dùng nhiều cách để can thiệp. Phóng viên có đầy đủ tư liệu chứng minh bà Đoàn Thị Ngân thừa nhận số hàng trên là hàng giả do Công ty của bà Ngân sản xuất. Ngoài ra, bà Ngân cũng tìm cách hợp thức hoá nguồn gốc số hàng hoá trên bằng cách đi mua hoá đơn, chứng từ.

    Công ty độc quyền sở hữu thương hiệu bị làm giả trên sau khi nắm bắt được thông tin đã cử cán bộ và gửi văn bản tới Chi Cục Quản lí Thị trường Đăk Nông để khẳng định số hàng dán nhãn mác trên không phải là hàng do Công ty này sản xuất và bán ra thị trường.

    Theo luật sư Trương Anh Tú (Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội), theo điều 192 Bộ luật hình sự, các cá nhân, tổ chức có hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả có giá trị từ 30 triệu trở lên sẽ bị phạt tù từ 1 đến 5 năm. Với số lượng hàng hoá nêu trên, bà Đoàn Thị Ngân, với vai trò là giám đốc Công ty TNHH Cửa DEDO có dấu hiệu phạm tội sản xuất buôn bán hàng giả.

    Tuy nhiên, theo thông tin chúng tôi cập nhật được, Công ty TNHH Cửa DEDO của bà Đoàn Thị Ngân chỉ bị xử phạt số tiền 8,5 triệu đồng và được trả lại số hàng nêu trên. Căn cứ xử phạt là hàng hoá nhập khẩu nhưng không có nhãn mác phụ bằng tiếng Việt.

    Thoát nạn kiểu… Chí Phèo?

    Sau sự cố tại Đăk Nông, bà Đoàn Thị Ngân không hề có ý định dừng lại việc sản xuất nhôm giả. Nắm bắt được thông tin trên, nhóm PV Đời sống & Pháp luật đã vào làm công nhân tại các bộ phận sản xuất trong Công ty nhôn Taiwan Aluminium - nay đã đổi tên thành Công ty nhôm Xingfa Việt Nam.

    Quá trình làm công nhân tại nhà máy này, nhóm PV đã thu thập được đầy đủ tư liệu thể hiện nhà máy của bà Ngân sản xuất nhôm giả mang các thương hiệu nổi tiếng đang được chuộng trên thị trường với hàng chục tấn hàng hóa mỗi ngày. PV cũng quay được những hình ảnh thể hiện bà Ngân trực tiếp tới đốc thúc sản xuất trong những đợt làm nhôm giả. Ngoài ra, PV cũng quay được kho tem giả quy mô lớn tại công ty của bà Ngân.

    Cả hai công ty nhôm bị bà Ngân làm giả này đều cho biết đã nắm được việc công ty nhôm Taiwan Aluminium của bà Đoàn Thị Ngân sản xuất nhôm giả mang thương hiệu của mình từ lâu. Hai Công ty này đã ra thông cáo báo chí thể hiện quan điểm trên. Đặc biệt, một Công ty Trung Quốc có sản phẩm bị Công ty Taiwan làm giả, ngoài việc ra thông cáo báo chí, Công ty này còn cầu cứu tới Đại sứ quán Trung Quốc.

    Theo đó, Đại sứ quán Trung Quốc đã có văn bản gửi cơ quan chức năng Việt Nam và tỉnh Long An đề nghị vào cuộc xác minh thông tin sản xuất buôn bán hàng giả của Công ty Taiwan Aluminium của bà Đoàn Thị Ngân để bảo vệ quyền lợi hợp pháp doanh nghiệp nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam.

    Ngày 15/12, trên cơ sở thông tin nhóm PV cung cấp và kiến nghị của Công ty có quyền lợi bị ảnh hưởng, một tổ công tác do Chi Cục Quản lý Thị trường tỉnh Long An có lệnh kiểm tra đột xuất Công ty nhôm Taiwan Aluminium. Lúc này, theo thông tin nhóm PV báo ra, một lượng hàng hoá lớn đang được làm giả. Tuy nhiên, gần 17h chiều, khi tổ công tác xuất hiện, bảo vệ, quản lý đã đóng cổng công ty và kiên quyết không cho vào. Nhiều PV đi cùng đoàn đã bị các nhân viên công ty doạ hành hung, đập máy quay.

    Trong khoảng thời gian này, nhóm PV đã ghi lại các hình ảnh thể hiện công nhân tại công ty của bà Ngân đang tẩu tán tem giả bằng cách đốt tem giả và dìm những thanh nhôm giả xuống bể hoá chất.

    Đến 21h, đoàn kiểm tra mới bắt đầu tiến được vào phía trong nhà máy khi có sự chi viện thêm của cảnh sát cơ động. Tuy nhiên, lúc này bà Đoàn Thị Ngân lại xuất hiện và xô đẩy với người bên lực lượng quản lý thị trường. Sau đó, bà Ngân bỏ đi khỏi hiện trường với lý do là phải vào viện điều trị.

    Một nhân sự khác lại thay bà Ngân đứng ra cự cãi với lực lượng chức năng khiến cuộc kiểm tra tiếp tục bị dừng lại ở khoảng sân của công ty này. Gần 23h cùng ngày, lực lượng chức năng mới vào được khu vực sản xuất. Lúc này, đương nhiên những dấu hiệu vi phạm không còn nữa.

    Trong hai cuộc nói chuyện điện thoại với PV sau đó (khi PV đóng giả là người mua hàng), bà Đoàn Thị Ngân không phủ nhận các thông tin công ty của bà này sản xuất nhôm giả và tẩu tán các sản phẩm nhôm giả bằng cách dìm xuống bể hoá chất; đốt tem giả khi lực lượng kiểm tra bị chặn bên ngoài cổng nhà máy. Bà Ngân cũng cho biết hiện con gái bà mới là giám đốc nhà máy này. Về việc sản xuất nhôm giả, bà Ngân giải thích rằng do nhà máy khó khăn. Bà Ngân cũng không phủ nhận mức lãi 20 triệu/tạ nhôm giả được bán ra ngoài thị trường.

    Doạ giết phóng viên

    Tại cuộc làm việc với cán bộ Chi Cục QLTT Đăk Nông, bà Đoàn Thị Ngân từng tuyên bố với cán bộ Chi Cục QLTT tỉnh Đăk Nông là bà Ngân sẽ tìm gặp PV điều tra và cung cấp thông tin cho lực lượng chức năng tỉnh Đăk Nông để chém chết vì PV đã cung cấp thông tin về hoạt động buôn bán hàng giả của công ty bà Ngân. Tại cuộc nói chuyện điện thoại với PV sau đó, bà Ngân cũng thừa nhận việc đưa ra lời tuyên bố trên.

    Còn tiếp...

    Nhóm PV

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/san-xuat-nhom-gia-quy-mo-lon-nhung-lien-tuc-thoat-an-ky-2-a216276.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan