+Aa-
    Zalo

    Sông Đáy ô nhiễm: Trách nhiệm của Bộ TNMT, Bộ NN&PTNT, UBND TP Hà Nội ở đâu?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - 13 năm trước, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định giao UBND TP. Hà Nội, Bộ TNMT, NN&PTNT “xử lý ô nhiễm, khôi phục lại hiện trạng môi trường

    13 năm trước, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định giao UBND TP. Hà Nội, Bộ TNMT, NN&PTNT “xử lý ô nhiễm, khôi phục lại hiện trạng môi trường thiên nhiên xanh, sạch, đẹp vốn có của dòng sông và lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy”. Trái ngược với mục tiêu đó, đến nay, sông Nhuệ - sông Đáy lại đang “ô nhiễm nhất miền Bắc”…

    Sông Đáy. Ảnh minh họa

    Theo Quyết định số 57/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đề án tổng thể bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy", thì đến năm 2020 phải xử lý ô nhiễm, khôi phục lại hiện trạng môi trường thiên nhiên xanh, sạch, đẹp vốn có của dòng sông và lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy; tăng cường đầu tư nâng cấp các công trình kết hợp với khai thác hợp lý, sử dụng tiết kiệm nguồn nước và phát triển bền vững trên toàn lưu vực. Bảo đảm chất lượng nguồn nước mặt trên lưu vực đạt tiêu chuẩn Việt Nam tại cột A áp dụng với nước mặt có thể dùng làm nguồn cấp nước…

    Để thực hiện mục tiêu này, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT) chủ trì, phối hợp với Chủ tịch UBND 6 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trên lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy (bao gồm: Hà Nội, Hà Tây, Hòa Bình, Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình) chỉ đạo, đôn đốc và tổ chức thực hiện Đề án, định kỳ hàng năm tổng hợp và báo cáo kết quả lên Thủ tướng Chính phủ; giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cũng như một số Bộ, ngành liên quan xây dựng các cơ chế, chính sách liên quan đến việc triển khai các nhiệm vụ của Đề án sông Nhuệ - sông Đáy và tham gia thực hiện Đề án này theo sự phân công của cấp có thẩm quyền.

    Với mục tiêu rõ ràng như vậy, nhưng cho đến nay, việc “khôi phục lại hiện trạng môi trường thiên nhiên xanh, sạch, đẹp vốn có của dòng sông và lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy” như yều cầu tại Quyết định số 57 lại chưa được các đơn vị liên quan thực hiện hiệu quả.

    Khảo sát của phóng viên những ngày đầu tháng 4/2021 cho thấy, nguồn nước sông Đáy vẫn bị ô nhiễm, gây bức xúc cho người dân sống quanh dòng sông này. Không chỉ người dân Hà Nội phải chịu trận, nước sông Đáy, sông Nhuệ khu vực tỉnh Hà Nam, Ninh Bình cũng phải chịu ô nhiễm do các nhà máy, khu công nghiệp của Hà Nội và tỉnh Hà Nam xả thải, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất, sinh hoạt của hàng chục nghìn hộ dân tại các huyện Kim Bảng, thị xã Duy Tiên, thành phố Phủ Lý tỉnh Hà Nam và tỉnh Ninh Bình. Không chỉ là nguồn nước tưới tiêu cho nông nghiệp, mà đáng báo động hơn, các con sông này còn là nơi cung cấp nước cho hơn 400 nghìn người dân của toàn thành phố Phủ Lý và hàng trăm nghìn công nhân, người lao động trong các khu, cụm công nghiệp. Do dòng sông Đáy bị ô nhiễm nên lượng tôm, cá bị giảm sút rõ rệt. Có thời gian, cá, tôm, chết trắng cả một khúc sông, bốc mùi hôi thối nồng nặc.

    Theo công bố của Tổng cục Môi trường, lưu vực sông Nhuệ - Đáy có chất lượng môi trường nước kém nhất trong năm lưu vực sông ở miền Bắc. 62% số điểm quan trắc ở lưu vực sông Nhuệ - Đáy cho kết quả WQI dưới 50, tương đương mức xấu đến rất xấu, trong đó một nửa chỉ số này dưới 25, "nước bị ô nhiễm nặng, cần các biện pháp xử lý trong tương lai".

    PGS. TS Bùi Thị An – nguyên Đại biểu Quốc Hội, Viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường và phát triển cộng đồng cho rằng, mặc dù 13 năm trước Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định “làm sạch” sông Đáy như vậy, tuy nhiên, có thể nhận thấy việc thực thi chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là chưa đạt hiệu quả khi mà tình trạng ô nhiễm tại sông Đáy lại theo chiều hướng ngày càng nghiêm trọng hơn. Để tình trạng này xảy ra, theo TS Hoàng Dương Tùng, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, thì “Bộ Tài nguyên và Môi trường vẫn là cơ quan chịu trách nhiệm chung”.

    Tuy nhiên, người dân cũng đặt câu hỏi trách nhiệm đối với lãnh đạo Bộ NN&PTNT, UBND TP Hà Nội. Đây là những cơ quan có trách nhiệm “sát sườn” kiểm soát ô nhiễm, bảo vệ nguồn nước sông Đáy mà Quyết định số 57/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính đã chỉ rõ.

    Trước tình trạng nguồn nước sông bị ô nhiễm, vào năm 2020, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng đã chỉ đạo UBND TP. Hà Nội khẩn trương nghiên cứu, giải quyết kiến nghị của Công ty CP Tập đoàn Xây dựng và du lịch Bình Minh “mở thông nước từ sông Đà vào sông Tích tiếp cho sông Đáy” để phục vụ thành phố Hà Nội, tỉnh Hà Nam, tỉnh Ninh Bình. Phó Thủ tướng cũng giao UBND TP Hà Nội xử lý dứt điểm các vướng mắc liên quan đến việc triển khai Dự án tiếp nước, cải tạo khôi phục sông Tích … sớm đưa công trình vào khai thác, sử dụng, góp phần cải thiện môi trường nước sông Tích, sông Đáy.

    Tuy nhiên, đến nay nước sông Đáy vẫn không được khơi thông, làm sạch, trở thành dòng sông “ô nhiễm nhất miền Bắc”, đẩy hàng nghìn hộ dân sống xung quanh đối diện với bệnh tật nguy hiểm.

    Dư luận đặt câu hỏi, phải chăng Bộ TNMT, Bộ NN&PTNT, UBND TP Hà Nội đang vô cảm với nỗi khổ của người dân sống quanh dòng sông Đáy?

    Hiếu Nguyễn

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/song-day-o-nhiem-trach-nhiem-cua-bo-tnmt-bo-nnptnt-ubnd-tp-ha-noi-o-dau-a362528.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan