+Aa-
    Zalo

    Tân Giám đốc Học viện Quản lý Giáo dục là ai?

    (ĐS&PL) - Chiều 9/5, Học viện Quản lý Giáo dục đã tổ chức lễ công bố quyết định công nhận Giám đốc Học viện nhiệm kỳ 2020-2025.

    Theo thông tin từ Báo Giáo dục và Thời đại, chiều 9/5, Học viện Quản lý Giáo dục tổ chức lễ công bố quyết định công nhận PGS.TS Phạm Văn Thuần làm Giám đốc học viện nhiệm kỳ 2020-2025. Trước khi nhận nhiệm vụ mới, PGS.TS Phạm Văn Thuần (SN 1974) từng làm Phó hiệu trưởng trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội).

    Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn trao Quyết định cho Giám đốc Học viện Quản lý giáo dục. Ảnh: Báo Giáo dục và Thời đại.

    Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn trao Quyết định cho Giám đốc Học viện Quản lý giáo dục. Ảnh: Báo Giáo dục và Thời đại.

    Trước đó, vào ngày 10/4/2024, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã ký Quyết định số 1099/QĐ-BGDĐT công nhận PGS.TS Phạm Văn Thuần, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục -ĐHQG Hà Nội, giữ chức vụ Giám đốc Học viện Quản lý giáo dục nhiệm kỳ 2020-2025.

    Tại buổi lễ, Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn gửi lời chúc mừng PGS.TS Phạm Văn Thuần trên cương vị mới.  Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chia sẻ: "Ngành Giáo dục - đào tạo đang trong quá trình đổi mới, phát triển, cả giáo dục đại học, giáo dục phổ thông, giáo dục mầm non và giáo dục thường xuyên. Quá trình này, nhà giáo là lực lượng quan trọng có tính chất quyết định".

    Nhắc tới nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của Bộ GD&ĐT là quản lý nhà nước về giáo dục, Bộ trưởng chia sẻ tinh thần quản lý lấy con người làm gốc, thông qua con người và được thực hiện bởi con người. Để thực hiện được đổi mới giáo dục - đào tạo thông qua nhân tố con người, việc đào tạo, bồi dưỡng, huấn luyện cán bộ quản lý giáo dục là khâu đặc biệt quan trọng.

    Đây là nội dung Bộ GD&ĐT quan tâm nhiều năm qua; Học viện Quản lý giáo dục cũng được giao trách nhiệm quan trọng này. Hiện nay, khi sự nghiệp đổi mới giáo dục - đào tạo đang trong đà triển khai, phát triển, trách nhiệm, sứ mệnh của Học viện Quản lý giáo dục ngày càng quan trọng và nặng nề. Cùng với thử thách, Học viện cũng có cơ hội to lớn để phát triển trong thời gian tới.

    Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn. Ảnh: Báo Giáo dục và Thời đại.

    Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn. Ảnh: Báo Giáo dục và Thời đại.

    Khẳng định quan điểm của lãnh đạo Bộ GD&ĐT luôn sát cánh cùng lãnh đạo Học viện, trong thời gian tới, Bộ trưởng mong muốn tập thể Học viện Quản lý giáo dục, từ Đảng ủy, Hội đồng trường, Ban giám hiệu, Công đoàn trường, các tổ chức đoàn thể… tiếp tục đoàn kết, thống nhất. Con đường đoàn kết, thống nhất không gì bằng là sự công khai, minh bạch, phát huy trí tuệ tập thể, thành tâm, thực ý, phối hợp, đúng vai thuộc bài trong công việc.

    Tiếp thu và nhận thức rõ nhiệm vụ Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn trao gửi, PGS.TS Phạm Văn Thuần cam kết sẽ hoàn thành tốt nhất có thể nhiệm vụ được giao; góp sức cùng tập thể Học viện tiếp tục hiện thực hóa sứ mệnh của Học viện, duy trì ổn định và xây dựng tập thể nhà trường đồng thuận, sẻ chia, xả thân vì công việc chung, phát triển Học viện theo tinh thần đổi mới giáo dục Việt Nam. Sự thống nhất, đoàn kết và sẻ chia là yếu tố nền tảng quan trọng để tạo nên văn hoá tổ chức của Học viện, để triển khai thực hiện thành công các hoạt động của nhà trường.

    Theo VTC News, PGS Thuần cũng nêu một số chương trình hành động trong thời gian tới. Thứ nhất, đẩy mạnh việc xây dựng học viện trở thành cơ sở giáo dục đại học chất lượng cao, hướng tới tầm khu vực.

    Thứ hai, học viện tiếp tục tham mưu hiệu quả với Bộ GD&ĐT trong công tác quản lý ngành cũng như đánh giá và hoàn thiện chính sách giáo dục, quản lý hệ thống, đổi mới chương trình giáo dục trong các cấp học của toàn bộ hệ thống.

    Thứ ba, học viện tiếp tục phát huy những nền tảng đã được gây dựng, đặc biệt trong lĩnh vực bồi dưỡng và đào tạo sau đại học về khoa học giáo dục nói chung và khoa học quản lý giáo dục nói riêng. Học viện sẽ phát triển chương trình đào tạo linh hoạt, phù hợp với thế mạnh, để tạo ra cơ cấu đào tạo hợp lý giữa đào tạo đại học, sau đại học và bồi dưỡng.

    Thứ tư, quy hoạch, phát triển đội ngũ đồng bộ về cơ cấu, nâng cao về chất lượng. Từ đó, ban hành chính sách thu hút, tạo lập môi trường làm việc hiện đại mang tính học thuật để có thể tuyển dụng các giảng viên, nhà khoa học có trình độ cao, chuyên môn cao, kinh nghiệm quản lý.

    Thứ năm, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, tư vấn chính sách trong các lĩnh vực mà học viện có thế mạnh. Đồng thời, học viện xây dựng một số nhóm nghiên cứu mạnh về khoa học giáo dục, khoa học quản lý giáo dục, tham vấn học đường.

    Thứ sáu, học viện sẽ chú trọng phát triển hợp tác với các đối tác trong nước và quốc tế, xem đây là nguồn lực quan trọng để phát triển học viện. 

    Giám đốc Học viện Quản lý Giáo dục PGS.TS Phạm Văn Thuần. Ảnh: Báo Giáo dục và Thời đại.

    Giám đốc Học viện Quản lý Giáo dục PGS.TS Phạm Văn Thuần. Ảnh: Báo Giáo dục và Thời đại.

    Thứ bảy, học viện xây dựng cộng đồng học tập mạnh mẽ, phát triển nền tảng cộng đồng cho cựu sinh viên, giảng viên và sinh viên nhằm tạo điều kiện chia sẻ kiến thức, kỹ năng và cơ hội nghề nghiệp. Lan truyền tinh thần tự học, học tập cùng nhau và học suốt đời.

    Thứ tám, hoàn thiện hệ thông bảo đảm chất lượng giáo dục và tổ chức kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục đại học chu kỳ II và kiểm định một số chương trình đào tạo. Xây dựng “văn hóa tổ chức” nhà trường đại học hướng tới chất lượng, hiệu quả công việc, tính chuyên nghiệp trong mọi lĩnh vực hoạt động.

    Với cam kết trách nhiệm xã hội cao nhất và kết quả đào tạo, bồi dưỡng trong những năm qua, năm 2024 Học viện tổ chức tuyển sinh 5 chương trình đào tạo đại học: Tâm lý học giáo dục, Quản lý giáo dục, Kinh tế, Quản trị văn phòng, Ngôn ngữ Anh.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/tan-giam-oc-hoc-vien-quan-ly-giao-duc-la-ai-a421455.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan