+Aa-
    Zalo

    Thêm đồng minh thân cận của Mỹ mua 'rồng lửa' S-400 của Nga bất chấp cảnh báo

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Lý giải quyết định mua hệ thống phòng không S-400 của Nga, phía Iraq cho biết động thái này nhằm đảm bảo quốc phòng và hiệu quả chiến đấu cao nhất của quân đội.

    Lý giải quyết định mua hệ thống phòng không S-400 của Nga, phía Iraq cho biết động thái này nhằm đảm bảo quốc phòng và hiệu quả chiến đấu cao nhất của quân đội.

    "Chính phủ Iraq đã quyết định mua hệ thống phòng không S-400", đại sứ Iraq tại Nga Haidar Mansour Hadi phát biểu trong một cuộc họp báo vào ngày 15/5 tại thủ đô Moscow.

    Theo đó, Iraq trở thành đồng minh tiếp theo của Mỹ, sau Thổ Nhĩ Kỳ, muốn sở hữu tổ hợp phòng không hiện đại này của Nga.

    Trước đó, Mỹ đã nhiều lần lên tiếng cảnh báo Iraq về hậu quả mở rộng hợp tác quân sự với Nga cũng như các thoả thuận mua vũ khí tiên tiến với nước này, đặc biệt là hệ thống phòng thủ tên lửa đất đối không S-400.

    Washington cụ thể đã liên lạc với nhiều quốc gia bao gồm Iraq để giải thích ý nghĩa của Đạo luật Chống những đối thủ của Mỹ thông qua trừng phạt (CAATSA) và những hậu quả gia tăng khi Iraq ký kết các thoả thuận quốc phòng với Moscow.

    Tuy nhiên, những lời đe dọa của Mỹ đã không phát huy hiệu quả khi Iraq quyết định mua S-400.

    Dàn S-400 của Nga. Ảnh: Sputnik 

    Liên quan đến vấn đề này, thành viên của Ủy ban An ninh Quốc phòng của Quốc hội Iraq, Ammar Taamah cho hay: "Iraq cần mua vũ khí từ các quốc gia khác nhau để đảm bảo quốc phòng và hiệu quả chiến đấu cao nhất của quân đội.

    Khi quân đội có nguồn cung vũ khí từ các nước khác nhau, họ sẽ có lựa chọn phù hợp nhất trong một tình huống cụ thể. Ngoài ra, với sự cạnh tranh, các nhà sản xuất sẽ đưa ra những điều kiện và giá cả tốt nhất.

    Nếu chỉ có một nhà cung cấp vũ khí, trong trường hợp chiến tranh xâm lược chống lại Iraq, nhà cung cấp này có thể gây ảnh hưởng đáng kể đến quá trình và khả năng bảo vệ đất nước.

    Mỗi quốc gia đều có những quyết định riêng trong vấn đề mục tiêu, an ninh và chính sách chiến lược. Đôi khi tôi được biết người ta có đưa ra một số lời khuyên về những vấn đề này cho Iraq. Tuy nhiên, Baghdad chỉ đưa ra các quyết định dựa trên cơ sở lợi ích quốc gia".

    Phòng không Iraq hiện nay chỉ biên chế các vũ khí tầm ngắn như Pantsir-S1 và tên lửa vác vai của Nga, cùng một số hệ thống MIM-23 Hawk và AN/TWQ-1 "Avenger" do Mỹ sản xuất. Việc trang bị tên lửa S-400 sẽ tăng đáng kể năng lực phòng thủ cho quân đội Iraq, giúp lực lượng này quản lý không phận tốt hơn và giảm tải cho phi đội tiêm kích F-16IQ trong tương lai.

    Cận cảnh một hệ thống phòng không S-400 của Nga. Ảnh: TASS

    Hiện tại, hợp đồng mua hệ thống phòng không S-400 đang là vấn đề căng thẳng giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ. Mỹ đã lên tiếng yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ ngừng thỏa thuận tiếp nhận vũ khí Nga với lời cảnh báo sẽ ngừng chuyển giao tiêm kích tàng hình F-35 và thực thi các lệnh trừng phạt.

    Về phần mình, Ankara tỏ ra kiên quyết với lựa chọn của mình khi xác nhận hợp đồng S-400 sẽ sớm được giao vào tháng 7 tới và không ai có thể thay đổi được quyền mua vũ khí của nước này.

    Giới phân tích cho rằng S-400 có sức hấp dẫn với nhiều quốc gia, kể cả những đồng minh chủ chốt của Mỹ, bởi nó được đánh giá là một trong những vũ khí hiện đại nhất mà Nga đang sở hữu, có nhiều ưu điểm không xuất hiện trên các khí tài tương tự của phương Tây.

    "Tên lửa S-400 có khả năng diệt mục tiêu một cách chính xác, theo dõi số lượng lớn mục tiêu tiềm tàng, kể cả máy bay tàng hình. Tổ hợp này còn có thiết kế module và độ cơ động cao, cho phép triển khai, phóng tên lửa, thu hồi và rời trận địa chỉ trong vòng vài phút", nhà nghiên cứu Siemon Wezeman thuộc Viện Nghiên cứu Hòa bình Stockholm (SIPRI) nhận định.

    Mộc Miên (Theo TASS)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/them-dong-minh-than-can-cua-my-mua-rong-lua-s-400-cua-nga-bat-chap-canh-bao-a275679.html
    Sự kiện: Thế giới 24h
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan