+Aa-
    Zalo

    Thực hư khả năng chữa bách bệnh bằng "thần dược" trong... sách đỏ

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Thất diệp nhất chi hoa đang được rao bán trên thị trường với giá 3-6 triệu đồng, đắt hơn cả sâm Hàn Quốc với chiêu thổi phồng công năng - chữa bách bệnh.

    (ĐSPL) - Thất diệp nhất chi hoa đang được rao bán trên thị trường với giá 3-6 triệu đồng, đắt hơn cả sâm Hàn Quốc với chiêu thổi phồng công năng- chữa bách bệnh, đặc biệt là ung thư vú khiến nhiều người sẵn sàng chi cả vài chục triệu đồng mua về dùng. Thế nhưng, bỏ tiền mua "thần dược" nhưng ít ai biết được công dụng thật của nó. Hệ lụy, có thể mua phải mớ rễ cây rừng.

    Bảy lá chữa bách bệnh?

    Cách đây ít ngày, tôi gặp lại chị Nguyễn Thị Liên (Quảng Nam) - bệnh nhân ung thư bước sang giai đoạn thứ hai. Chị đã hai lần phẫu thuật và giờ chị đang đối mặt với ba lần hóa trị nữa nhưng chưa biết phải xoay xở ra sao. Lần này gặp lại chị, tôi khá bất ngờ khi hay tin bệnh tình của chị trầm kha hơn vì tin theo lời phán của một thầy thuốc nam là cây thất diệp nhất chi hoa (cây bảy lá một hoa) có thể chữa khỏi bệnh ung thư, kể cả đang ở giai đoạn cuối. Chị Liên rầu rĩ nói: "Có bệnh vái tứ phương, tôi đã chạy chữa khắp nơi, điều trị hóa chất cũng tốn kém nên khi được người quen giới thiệu thầy lang bốc thuốc có thể chữa ung thư, tôi không ngần ngại dùng thử. Tôi uống thất diệp nhất chi hoa trong vòng 3 tháng (4 triệu đồng/kg khô) nhưng bệnh tình không thuyên giảm. Đến khi thấy sức khỏe suy kiệt, tôi mới quay trở lại bệnh viện điều trị. Các bác sỹ cho biết, vì tôi đã bước sang giai đoạn hai, phải chạy hóa chất mới kéo dài thời gian sống, thuốc nam chỉ có tác dụng hỗ trợ chứ không thể chữa khỏi bệnh".

    Qua câu chuyện chị Liên chia sẻ, tôi cũng hết sức băn khoăn, liệu thất diệp nhất chi hoa  có đúng là "thần dược" như  nhiều người vẫn đồn thổi? Theo tìm hiểu của PV, trên thị trường 1kg cây thất diệp nhất chi hoa khô  có giá từ 3-6 triệu đồng. Có thể nói, giá này còn đắt hơn cả nhân sâm Hàn Quốc hay các loại linh chi nhưng tác dụng của loại cây này đến đâu thì còn rất mơ hồ.

    Liên hệ đến số hotline 0976.060.xxx của một trang web, tôi gặp người đàn ông tên Minh. Anh này cho biết: "Chúng tôi chuyên khai thác dược thảo quý hiếm tại khu vực rừng núi phía Bắc và nhận đặt hàng dược liệu quý hiếm với số lượng lớn, quý khách hàng có nhu cầu chỉ cần liên hệ qua điện thoại". Theo quảng cáo của anh Minh, thất diệp nhất chi hoa là loại dược liệu quý có thể chữa bách bệnh, đặc biệt là ung thư vú.

    Tìm hiểu qua một số trang mạng chuyên bán loại "thần dược" này, PV nhận thấy, thất diệp nhất chi hoa được rao bán trên mạng mỗi nơi một giá, mức giá dao động phổ biến từ 3-6 triệu đồng/kg nhưng có nơi chỉ 1,2 triệu đồng/kg. Loại cây này được đồn đại có nhiều tác dụng hữu hiệu với những người mắc bệnh nan y, cô lập tế bào ung thư, bài thải các mô chết, giúp ngăn ngừa quá trình lây lan, làm chậm quá trình ung thư hoại tử.

    Không chỉ "săn" hàng trên mạng, PV báo ĐS&PL đã tìm đến phố Lãn ông (Hoàn Kiếm, Hà Nội)- "thủ phủ" của thuốc nam để hỏi mua loại "thần dược "này. Tại đây, chị Hải- chủ một cửa hàng cho hay, loại dược liệu này rất khan hàng. Nếu mua số lượng lớn phải đặt trước. Chị Hải cũng quả quyết: "Nhiều người bị ung thư đã tìm đến cửa hàng chúng tôi mua thất diệp nhất chi hoa. Loại thảo dược bảy lá này giá khá cao, khoảng 4 triệu đồng/kg". Chưa biết thực hư công dụng của loại cây này đến đâu nhưng thời gian gần đây, giá loại cây này tại Hà Nội và TP.HCM tăng đột biến. Nhiều người đã không ngần ngại chi tiền mua "thần dược" về chữa bệnh".

    Bệnh nhân ung thư tiền mất tật mang vì tin vào “thần dược”

    Củ thất diệp nhất chi hoa được rao bán trên mạng.

    Thổi phồng công năng, trục lợi từ rễ cây rừng!?

    Trao đổi với PV báo Đời sống và Pháp luật, PGS.TS Nguyễn Duy Thuần - Viện Trưởng viện Nghiên cứu Y Dược cổ truyền Tuệ Tĩnh cho biết: "Cây thất diệp nhất chi hoa có tên khoa học là Paris polyphylla. Đây là một cây thuốc dân gian quý, tuy nhiên trong tự nhiên nó mọc rải rác và rất ít, lại bị thu hái một cách tận diệt nhiều năm (do người dân thu hái bán cho các thương lái Trung Quốc) vì thế, hiện nay cây này được đưa vào sách đỏ và là một cây có nguy cơ biến mất, cần được bảo tồn đặc biệt.

    Ở Việt Nam, cây này mọc rải rác ở các vùng rừng núi nguyên sinh thuộc một số tỉnh miền núi phía Bắc như: Cao Bằng, Bắc Kạn, Hà Giang, Yên Bái, Lào Cai nhưng với lượng rất ít. Vì thế rất dễ có hàng giả (vì có nhiều loài cây có thân rễ giống như thân rễ của cây này). Nói như vậy để thấy hiện nay cây này là hiếm nên việc người rao bán trên mạng khẳng định muốn mua số lượng bao nhiêu cũng có thì cần đặt dấu hỏi".

    Theo PGS.TS Thuần, trong đông y, thân rễ của cây bảy lá một hoa có vị ngọt, hơi cay, tính bình không độc. Tác dụng chủ yếu của nó là thanh nhiệt giải độc; chữa sốt và rắn độc, mụn nhọt, sốt rét, ho lâu ngày, hen suyễn, dùng ngoài thì giã đắp lên những nơi sưng đau, không kể liều lượng. Uống thì ngày dùng 4-12g dưới dạng thuốc sắc.

    Trên thế giới, cây này được các nhà nghiên cứu, đặc biệt là ở Trung Quốc nghiên cứu nhiều; thành phần hóa học chủ yếu chứa Saponin; các nghiên cứu tập trung vào chống viêm, một số nghiên cứu cho thấy  chưa có bằng chứng thuyết phục nó có thể chữa được ung thư. Vì vậy việc quảng bá, sử dụng nó như là thuốc để chữa ung thư là chưa được phép.

    Trao đổi với PV báo Đời sống và Pháp luật, Nam y Nguyễn Đại Định - đại học Y Hà Nội cho hay, thất diệp nhất chi hoa là loại cây chỉ có bảy lá, vào tháng 8-9 sẽ ra hoa. Bông hoa xòe rộng bằng bàn tay. Tác dụng của thất diệp nhất chi hoa không phải ở thân cây mà là ở cái rễ ngang (rễ mầm đâm ngang ra). Khi hoa tàn sẽ nảy một nhánh ngang ra khoảng 20-30cm rồi tiếp tục một cây nữa mọc lên. Và cái cây vừa mọc được gọi là củ. Khi còn tươi, bẻ ra phía bên trong có dịch tiết màu đỏ (gọi là "giọt máu"). Loại cây này không chữa được "bách bệnh" như quảng cáo.

    Cũng theo ông Định, loại cây này rất hiếm nên nếu được bán với giá 3-6 triệu đồng/kg không phải là đắt. Tuy nhiên, do giá thất diệp nhất chi hoa tăng cao nên nhiều người hám lợi đã dùng những cây có hình dáng tương tự để làm giả. Nhất là với những sản phẩm phơi khô, người ta hay thái lẫn các loại cây rừng khác để trộn vào nhằm mục đích kiếm lời.

    Cẩn trọng với "sản phẩm chưa được kiểm định"

    "Người dân khi bị bệnh hiểm nghèo thường tìm mọi cách, sử dụng mọi sản phẩm quảng bá có liên quan đến bệnh để dùng, tuy nhiên theo chúng tôi, người bệnh cần đến gặp các nhà chuyên môn để khám, tư vấn và sử dụng thuốc cho an toàn, hiệu quả và hợp lý, không nên mua các sản phẩm chưa được kiểm định kẻo tiền mất tật mang", PGS.TS Thuần khuyến cáo.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/thuc-hu-kha-nang-chua-bach-benh-bang-than-duoc-trong-sach-do-a48115.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan
    Bí kíp uống nước để chữa bệnh

    Bí kíp uống nước để chữa bệnh

    Chúng ta đều biết cơ thể con người cần rất nhiều nước và hàng ngày mỗi người cần uống từ 2 - 2,5 lít nước, nhất là những ngày nắng nóng.