+Aa-
    Zalo

    Tìm ra phương án khắc phục sự cố sạt lở bên trong hầm Bãi Gió

    (ĐS&PL) - Ông Lê Quang Vinh - Giám đốc Chi nhánh khai thác đường sắt Phú Khánh cho biết sau khi khảo sát, nghiên cứu đã tìm ra phương án khắc phục sạt lở trong hầm Bãi Gió.

    VietNamNet đưa tin ngày 14/4, ông Lê Quang Vinh - Giám đốc Chi nhánh khai thác đường sắt Phú Khánh cho biết, sau khi khảo sát, nghiên cứu đã tìm ra được phương án khắc phục sạt lở bên trong hầm Bãi Gió (huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa) khiến đất đá tràn xuống đường ray, dẫn đến đường sắt Bắc – Nam gián đoạn.

    Cụ thể, theo ông Lê Quang Vinh, đơn vị chuyên môn phát hiện một lỗ hổng mới bên ngoài, nằm phía trên điểm sạt lở tại hầm Bãi Gió.

    Phía trên Đèo Cả, các đơn vị sẽ khoan thăm dò địa chất, tìm và xác định tọa độ để khoan từ trên núi xuống hầm đường sắt, sau đó bơm phun bê tông để gia cố. Lúc bê tông đông kết, công nhân thu dọn đất đá, cát ra khỏi hầm và tu sửa bên trong.

    Sạt lở bên trong hầm Bãi Gió khiến đất đá tràn xuống đường ray, dẫn đến đường sắt Bắc – Nam gián đoạn. Ảnh: VietNamNet

    Sạt lở bên trong hầm Bãi Gió khiến đất đá tràn xuống đường ray, dẫn đến đường sắt Bắc – Nam gián đoạn. Ảnh: VietNamNet

    "Sau khi tìm thấy vị trí đất rỗng, đơn vị thi công sẽ phun bê tông để làm đông cứng đất đá ở khu vực xung quanh nhằm mục đích ngăn tình trạng sạt lở tiếp tục xảy ra. Thời gian để bê tông đông cứng mất khoảng 8 giờ, sau đó bộ phận ở trong hầm mới tiến hành gia cố vỏ hầm", ông Lê Quang Vinh nói.

    Tuy nhiên, việc thực hiện phương án mới dự kiến sẽ kéo dài. Nhân lực và máy móc được huy động cấp tập thực hiện, cố gắng sớm hoàn thành xử lý sự cố và thông tuyến đường sắt trong vòng 3-4 ngày.

    Theo báo Dân Trí, hiện Chi nhánh vận tải đường sắt Nha Trang vẫn trung chuyển hành khách giữa ga Giã (tỉnh Khánh Hòa) và ga Tuy Hòa (tỉnh Phú Yên). Riêng các tàu hàng vẫn đang tạm dừng hành trình tại các ga trên địa bàn 2 tỉnh Khánh Hòa và Phú Yên.

    Trước đó, trong các ngày 12/4 và 13/4, tại hầm Bãi Gió xảy ra hiện tượng sạt lở với tổng khối lượng hơn 200m3 gây tê liệt đường sắt Bắc - Nam đoạn qua tỉnh Phú Yên và tỉnh Khánh Hòa.

    Hầm Bãi Gió được xây vào năm 1930 và đưa vào sử dụng năm 1936. Trước khi xảy ra vụ sạt lở, hầm Bãi Gió được đơn vị thi công gia cố các lớp chống thấm, khung thép và phun bê tông lên vỏ hầm. Việc thi công đang được triển khai thì xảy ra sự cố sạt lở.

    Ông Lê Quang Vinh bác bỏ việc sạt, lở do quá trình thi công dự án gia cố hầm Bãi Gió. Nguyên nhân sạt lở là do các tầng đất đá ở trên vỏ hầm lâu năm bị phong hóa rồi rơi tự do.

    Các phương tiện có trọng tải lớn phải quay đầu, không được đi đường Đèo Cả. Ảnh: Dân Trí

    Các phương tiện có trọng tải lớn phải quay đầu, không được đi đường Đèo Cả. Ảnh: Dân Trí

    Ngành đường sắt đã làm việc với Cảnh sát giao thông tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa, tiến hành cấm tất cả các phương tiện xe tải đi trên đường Đèo Cả nhằm giảm áp lực cho vỏ hầm.

    Trong ngày 13/4, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký ban hành công điện của Thủ tướng Chính phủ về đảm bảo an toàn, thông suốt trong quá trình khai thác đối với vận tải đường sắt tuyến Hà Nội - TPHCM.

    Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan huy động tối đa các nguồn lực để khắc phục kịp thời sự cố sạt lở hầm Bãi Gió.

    Đ.K (T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/tim-ra-phuong-an-khac-phuc-su-co-sat-lo-ben-trong-ham-bai-gio-a413573.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan