Vì sao các cường quốc vung tiền như nước cho hoạt động gián điệp? (Kỳ 1)


Thứ 7, 17/02/2018 | 00:22


Cùng sự kiện

Nhiều năm qua, Mỹ, Nga, Trung Quốc và nhiều quốc gia khác đã chi một số tiền cực kỳ lớn để duy trì và thúc đẩy hoạt động tình báo, gián điệp với lý do bảo vệ an ninh.

Nhiều năm qua, Mỹ, Nga, Trung Quốc và nhiều quốc gia khác đã chi một số tiền cực kỳ lớn để duy trì và thúc đẩy hoạt động tình báo, gián điệp với lý do bảo vệ an ninh.

Những câu chuyện tình báo luôn nhận được sự quan tâm rất lớn của công chúng. Hàng loạt bộ phim tình báo và các chương trình truyền hình về chủ đề này ra đời ở kinh đô điện ảnh Hollywood hàng năm đã chứng minh điều đó.

Vụ bắt giữ của Jerry Chun Shing Lee - cựu nhân viên Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) bị buộc tội bán thông tin cho Bắc Kinh đã làm gia tăng nhiều suy luận và đồn đoán. Ông Lee được cho là đã phản bội, bán thông tin mật của CIA cho chính phủ Trung Quốc. Với những thông tin này, Bắc Kinh đã xử lý bằng cách tiêu diệt hay bỏ tù đến 20 điệp viên Mỹ hoạt động ở Trung Quốc, làm suy yếu nghiêm trọng hoạt động của Washington.

Ông Lee bị tình nghi tiết lộ thông tin mật cho Trung Quốc. Ảnh: SCMP

Ông Lee, một công dân nhập quốc tịch Mỹ đã bị bắt tại sân bay JFK ở New York hồi tháng 1/2018. Câu chuyện về điệp viên hai mang này đã ngay lập tức lan truyền. NBC News gọi đây là “một trong những vụ sơ hở tình báo nghiêm trong nhất trong lịch sử Mỹ”. SCMP tiết lộ rằng Lee đã sống tại Hong Kong trong nhiều năm dưới bỏ bọc nhân viên tư vấn an ninh cho một công ty thuốc lá và hãng đấu giá Christie’s.

Trước khi vụ việc đó được làm sáng tỏ, thế giới cũng bị chấn động bởi một câu chuyện ồn ào khác. Tờ Wall Street Journal (WSJ) đưa tin rằng bà Wendi Deng Murdoch, vợ cũ của tỷ phú truyền thông Rupert Murdoch, là một điệp viên của Trung Quốc. Dẫn các nguồn tin giấu tên, WSJ cho hay giới chức phản gián Mỹ hồi đầu năm 2017 đã “cảnh báo Jared Kushner, con rể kiêm cố vấn cấp cao của Tổng thống Mỹ Donald Trump, rằng bà Wendi Deng Murdoch - một doanh nhân người Mỹ gốc Trung Quốc có tiếng - có thể lợi dụng mối quan hệ thân thiết với Kushner và người vợ Ivanka Trump, để phục vụ các lợi ích của chính phủ Trung Quốc”.

Wendi Deng Mudorch là gián điệp của Trung Quốc? Ảnh: SCMP

Vụ việc dường như có liên quan tới việc xây dựng một khu vườn của Trung Quốc trị giá 100 triệu USD tại Trung tâm nghiên cứu quốc gia của Mỹ ở Washington. Theo WSJ, dự án này có thể trở thành một nguy cơ an ninh vì nó bao gồm một tòa tháp màu trắng cao 21m, có thể được sử dụng để phục vụ hoạt động giám sát”. Khu vườn này chỉ cách Nhà Trắng và trụ sở Quốc hội Mỹ khoảng 8km.

Trong số những thông tin trên, thật giả chưa được xác minh và rất khó để kiểm chứng toàn bộ. Tuy nhiên, kịch tính như những câu chuyện như vậy chỉ là giai thoại nhỏ trong lịch sử lâu dài của điệp viên, gián điệp.

Cuộc đua “vung tiền” cho hoạt động gián điệp

Nhà Triết học Francis Bacon nói rằng kiến ​​thức là sức mạnh. Con người vốn là một sinh vật xã hội có nguồn gốc tự nhiên nên dường như luôn “thích chạm trán nhau”. Trong khi đó, chiến lược gia Trung Quốc Tôn Tử đã dành toàn bộ một chương của Binh pháp Tôn Tử để nói hoạt động gián điệp. “Biết được kẻ thù của là bước đầu tiên để vượt qua chúng” - đó là những gì mà tất cả các nền văn hoá trong lịch sử đều cố gắng thấu hiểu.

Các nhà lãnh đạo chính trị có khuynh hướng tiêu tốn nhiều nguồn lực hơn cần thiết cho hoạt động tình báo và chống lại tình báo. Tuy nhiên, ngay cả cơ quan điệp viên hoạt động có hiệu quả nhất cũng rất khó có thể biện minh cho ngân sách của mình. Hồi năm 2010, lần đầu tiên chính phủ Mỹ chính thức công bố tổng số chi tiêu cho hoạt động tình báo là 80 tỷ USD. Trong đó bao gồm 53,1 tỷ USD cho các chương trình tình báo phi quân sự và 27 tỷ USD tình báo quân sự.

Mỹ, Nga và Trung Quốc chi hàng chục tỷ USD mỗi năm cho hoạt động tình báo. Ảnh: SCMP

Cùng trong năm đó, ngân sách giành cho Bộ Giáo dục Mỹ là 66 tỷ USD, Bộ Ngoại giao là 16,38 tỷ USD và Bộ Môi trường là 10,5 tỷ USD.

Cho dù chi khoản tiền lớn như vậy nhưng Washington không có nhiều thông tin để công khai với công chúng. Năm 2010, một phần tử khủng bố nghiệp dư 30 tuổi đã định cho nổ tung một quả bom gài trên ô tô trên các con phố đông đúc tại quảng trường Thời đại, New York. Thảm họa may mắn đã được ngăn chặn nhờ vào nhiều yếu tố như sự may mắn, kẻ đánh bom kém cỏi và một người bán hàng nhìn thấy khói bốc ra từ phương tiện và báo cho cảnh sát. CIA và Cục Điều tra Liên bang (FBI) không biết nghi phạm Faisal Shahzad, kẻ sinh tại Pakistan, là ai cho tới phút cuối cùng.

Vụ việc trên bị lu mờ so với vụ tiết lộ tài liệu mật gây chấn động thế giới mà trang web WikiLeaks công bố cùng năm đó, vốn là một trong những vụ sơ hở tình báo nghiêm trọng nhất lịch sử nước Mỹ.

Thế nhưng, dường như tình báo Mỹ chưa phải tệ nhất. Trung Quốc và Nga thậm chí còn không thông báo với người dân của họ về chi tiêu cho tình báo, gián điệp. Nếu lịch sử là một thông tin tham chiếu thì chắc hẳn họ đã chi rất nhiều. Giờ đây mọi người mới biết về một vụ bê bối của tình báo Trung Quốc vào năm 2010. Khi đó, Chu Vĩnh Khang, cựu ủy viên thường vụ Bộ Chính trị đảng Cộng sản Trung Quốc, được cho là đã sử dụng mạng lưới tình báo rộng lớn mà ông ta kiểm soát để do thám các nhà lãnh đạo và các đồng nghiệp. Tham nhũng cũng tràn lan tới nỗi toàn bộ bộ máy tình báo bị rò rỉ giống một con tàu đang chìm.

Như The New York Times đã báo cáo, tình báo Mỹ đang gặp khó khăn trong việc tuyển dụng những người cung cấp thông tin tại Trung Quốc. Đối mặt với một cuộc khủng hoảng, ban lãnh đạo mới của Trung Quốc dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình đã nỗ lực thanh lọc hệ thống, dẫn tới một cuộc truy quét nhằm vào những người cung cấp tin tức và phát sinh câu chuyện của Jerry Chun Shing Lee.

(Còn tiếp)

PHƯƠNG PHƯƠNG (Theo SCMP)

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/vi-sao-cac-cuong-quoc-vung-tien-nhu-nuoc-cho-hoat-dong-gian-diep-ky-1-a219710.html