Lý do Ấn Độ quyết định rút khỏi dự án FGFA


Thứ 2, 23/04/2018 | 08:59


Cùng sự kiện

Ấn Độ cho rằng máy bay Su-57 không đáp ứng được các yêu cầu kỹ - chiến thuật cần thiết, bỏ ra một khoản ngân sách lớn đầu tư cho chương trình này là không xứng đáng.

Ấn Độ cho rằng máy bay Su-57 không đáp ứng được các yêu cầu kỹ - chiến thuật cần thiết, bỏ ra một khoản ngân sách lớn đầu tư cho chương trình này là không xứng đáng và “quá đắt đỏ”.

Chương trình hợp tác nghiên cứu và chế tạo (FGFA) Su-57 giữa Nga và Ấn Độ đã chính thức đổ vỡ khi Không quân Ấn Độ cho rằng loại máy bay này không đáp ứng được các yêu cầu kỹ - chiến thuật cần thiết.

Ấn Độ nhiều lần phàn nàn rằng đặc tính kỹ chiến thuật của PAK FA (nay là Su-57) không được như quảng cáo, thậm chí số lỗi kỹ thuật mà Nga che giấu còn lớn hơn cả F-35 trong khi năng lực tác chiến còn xa mới tương đương với tiêm kích cùng loại đặc biệt là F-22 của Mỹ.

Nguyên mẫu thử nghiệm tiêm kích tàng hình thế hệ 5 Sukhoi Su-57 - Ảnh: TASS

Ấn Độ cho rằng bỏ ra một khoản ngân sách lớn đầu tư cho chương trình này là không xứng đáng và “quá đắt đỏ”.

Tháng 6/2013, Nga đã hoàn thành hợp đồng giai đoạn đầu trị giá 295 triệu đô la phác thảo các đặc điểm kỹ thuật cùa FGFA.

Thời điểm đầu năm 2017 là triển khai hợp đồng giai đoạn hai. Nội dung hợp đồng này là thiết kế máy bay tiêm kích theo những yêu cầu của phía Ấn Độ. Giá trị hợp đồng giai đoạn hai được đánh giá vào khoảng 4 tỷ đô la đối với mỗi bên tham gia dự án.

Đến cuối năm 2017, bắt đầu rộ lên tin đồn New Delhi sắp hết kiên nhẫn khi công việc thiết kế FGFA gần như đứng yên tại chỗ trong khi chi phí đã lên tới mức không thể kiểm soát.

Đồ họa máy bay FGFA - Ảnh: TASS

Bên cạnh đó, một nguyên nhân cực kỳ quan trọng khác khiến Ấn Độ chán nản chính là Nga không rõ ràng trong việc chia sẻ thành tựu nghiên cứu, bất chấp việc New Delhi mới là nhà tài trợ chính. Điều này trái ngược với tiêm kích F-35 khi Mỹ sẵn sàng chia sẻ công nghệ và cho các nhà tài trợ được sản xuất loại máy bay này ngay trong nước.

Trước đó, ngày 9/3/2017, Ấn Độ đã ra một tối hậu thư bất ngờ cho phía Nga. Trong thư, Ấn Độ thông báo sẽ chỉ tiếp tục tham gia vào dự án chung chế tạo máy bay tiêm kích thế hệ 5 FGFA trị giá nhiều tỷ đô la với Nga trong trường hợp Nga chấp nhận 2 điều kiện : Phía Nga phải chuyển giao toàn bộ công nghệ để sau đó Ấn Độ tự mình hiện đại hóa những máy bay trên nhằm tích hợp với các loại vũ khí mới; Phía Nga phải hỗ trợ Ấn Độ trong dự án máy bay chiến đấu AMCA hiện đang do các chuyên gia công nghiệp hàng không Ấn Độ thực hiện.

Về phía Nga, chuyên gia hàng đầu của Trung tâm nghiên cứu quân sự- chính trị Trường đại học quan hệ quốc tế Matxcova (MGIMO), Tiến sỹ khoa học chính trị Mikhail Aleksandrov cho biết: Quyết định hợp tác với Ấn Độ thiết kế máy bay tiêm kích thế hệ năm là một quyết định sai lầm. Cần làm làm cho Delhi hiểu một cách rất rõ ràng là Ấn Độ sẽ không nhận được bất cứ một công nghệ nào từ phía chúng ta (Nga). Xin nói rõ, người Ấn Độ không thể có được những công nghệ này từ bất cứ ai – Cả người Pháp, lẫn người Mỹ sẽ không bao giờ chia sẻ những chi tiết nhạy cảm trong công nghệ chế tạo máy bay với Ấn Độ.

Mọi việc tưởng như đã được giải quyết khi sau đó giới chức quốc phòng hai nước có cuộc làm việc để thống nhất các điều khoản bổ sung, nhưng có vẻ yêu cầu 50 cải thiện khác nhau đối với FGFA từ Ấn Độ, bao gồm việc trang bị radar quan sát 360 độ và động cơ mạnh mẽ hơn nữa là quá sức của Moskva vào thời điểm này.

Đỉnh điểm là sau màn thể hiện của Su-57 khi nó được mang sang Syria "thử lửa". Việc chỉ góp mặt có vỏn vẹn 2 ngày rồi rút về nước theo nhận định là vì máy bay đã phát sinh nhiều lỗi.

Sau khi rút khỏi dự án, Ấn Độ muốn Nga tự phát triển FGFA một mình và họ sẽ cân nhắc trong thời gian tiếp theo, hoặc mua những tiêm kích này sau khi nó đã được biên chế trong Không quân Nga.

( Video: Tiêm kích tàng hình Su-57 phô diễn khả năng nhào lộn)

NGUYỄN QUỲNH (T/h)

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/ly-do-an-do-quyet-dinh-rut-khoi-du-an-fgfa-a227374.html